Luân chuyển giáo viên tại Tương Dương (Nghệ An): Biệt phái có thời hạn

GD&TĐ - Trước băn khoăn của giáo viên sau luân chuyển, huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng có những cam kết để các thầy cô vùng khó khăn yên tâm công tác, đảm bảo quyền lợi của mình.

Giờ học tại Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Giờ học tại Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Cân nhắc điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu

Theo lãnh đạo huyện Tương Dương việc luân chuyển giáo viên được thực hiện theo các văn bản hiện hành, trên cơ sở bố trí cân đối định biên giữa nơi thừa, nơi thiếu. Đồng thời kết hợp xem xét hoàn cảnh từng giáo viên, và thực tiễn vị trí địa lý của các vùng miền.

Tuy nhiên, trong quá trình thuyên chuyển của huyện Tương Dương cũng có những khó khăn mang tính chất đặc thù. Đơn cử năm học 2021 - 2022, có 4 giáo viên Tiếng Anh phải thuyên chuyển từ vùng trung tâm, thuận lợi để tăng cường cho các trường ở vùng xa.

Lý do những năm gần đây, nhiều giáo viên Tiếng Anh của Tương Dương xin chuyển về xuôi công tác. Trong khi, huyện đang thiếu trầm trọng giáo viên bộ môn này, dù những năm qua liên tục tuyển dụng nhưng số hồ sơ nộp về rất ít, không đủ chỉ tiêu.

Điều kiện địa lý và những cơ chế đặc thù riêng cũng tác động đến quá trình thực hiện thuyên chuyển. Cụ thể, huyện Tương Dương có 17 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã vùng biên là Tam Hợp, Nhôn Mai, Mai Sơn và một phần của xã Tam Quang (bản Tân Hương, Tùng Hương).

Đối với trường học tại đây, ngoài các chế độ phụ cấp ưu đãi, đứng lớp cho vùng đặc biệt khó khăn,  giáo viên còn được thêm 50% lương thu hút dành cho khu vực biên giới. Đây cũng là động lực để nhiều giáo viên biên giới yên tâm công tác, và hầu hết không có nguyện vọng điều chuyển đi vùng khác.

Huyện Tương Dương đang thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng.
Huyện Tương Dương đang thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng.

Trong quá trình chuyển “đi – đến” giáo viên giữa vùng này và vùng khác, xã Hữu Khuông được xem như là vùng nhạy cảm. Bởi đây là xã còn lại duy nhất nằm lọt hoàn toàn giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Điều kiện đi lại hết sức khó khăn, từ các xã khác vào Hữu Khuông ngoài đường bộ còn phải đi thuyền hơn 2 tiếng rưỡi với điều kiện mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ dâng cao. Vào mùa khô, mức nước thấp, thuyền không vào được tới nơi, phải đi bộ thêm hàng tiếng đồng hồ. Đối với giáo viên vào đây dạy học, từ trường chính vào các điểm bản lẻ cũng phải tiếp tục đi thuyền kết hợp đi bộ.

Tuy là xã khó khăn bậc nhất của huyện khó khăn, Hữu Khuông lại không phải xã biên giới, nên chế độ chính sách, tiền lương của giáo viên vào đây công tác lại giảm hơn so với các xã vùng biên giới. Theo tính toán của Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, khi giáo viên chuyển từ trường biên giới vào Hữu Khuông, trung bình thu nhập sẽ giảm từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Hữu Khuông là xã ốc đảo nằm hoàn toàn giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Điều kiện đặc biệt khó khăn nhưng giáo viên vào đây công tác lại bị giảm chế độ so với xã biên giới.
Hữu Khuông là xã ốc đảo nằm hoàn toàn giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Điều kiện đặc biệt khó khăn nhưng giáo viên vào đây công tác lại bị giảm chế độ so với xã biên giới. 
“Trên cơ sở cân nhắc thực tiễn vị trí địa lý phù hợp cho giáo viên, Phòng đã tham mưu chuyển giáo viên từ Nhôn Mai, Mai Sơn sang Hữu Khuông. Đồng thời rút một số người công tác lâu năm ở Hữu Khuông ra ngoài. Cũng có một số trường hợp như thầy Moong Văn Hiền làm đơn tình nguyện vào Trường Tiểu học Hữu Khuông công tác vì tuổi còn trẻ, muốn cống hiến. Nguyện vọng của thầy Hiền cũng được Phòng đưa vào danh sách trình huyện phê duyệt”, ông Kha Văn Lập cho biết.

Năm học 2020 – 2021, huyện điều chuyển giáo viên bậc THCS ở Trường PTDTBT THCS Tam Hợp để giải quyết bài toán giáo viên tăng cường đã tồn đọng nhiều năm ở địa bàn xã Hữu Khuông. Bên cạnh đó, đưa nhân sự từ Trường Tiểu học Mai Sơn và Tiểu học Nhôn Mai sang Hữu Khuông do 2 đơn vị này thừa giáo viên sau khi sáp nhập các điểm trường lẻ.

Ông Kha Văn Lập, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho hay, 2 trường tiểu học xã biên giới Mai Sơn và Nhôn Mai thừa giáo viên, trong khi các trường ở Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái... lại đang thiếu. So với trong huyện, các trường trên thuộc vùng thuận lợi, vì nằm sát quốc lộ 7.

Tuy nhiên, nếu đưa giáo viên từ “vùng trên” Nhôn Mai, Mai Sơn sang vùng thuận lợi này, lại thành khó khăn, bất cập, vì khoảng cách địa lý xa xôi. Chưa kể mặt bằng chất lượng, đặc điểm học sinh giữa 2 vùng khác biệt. Trong khi xã Hữu Khuông lại là xã lân cận với Nhôn Mai, Mai Sơn, đặc điểm kinh tế xã hội, cư dân, học sinh tương đồng.

Việc luân chuyển giáo viên được tính toán nhằm cân đối định biên và xem xét thực tiễn giáo viên, đặc thù giáo dục mỗi vùng miền.
Việc luân chuyển giáo viên được tính toán nhằm cân đối định biên và xem xét thực tiễn giáo viên, đặc thù giáo dục mỗi vùng miền.

Sẽ có thời hạn luân chuyển, biệt phái giáo viên đến vùng khó

Qua trao đổi với các giáo viên, điều băn khoăn còn lại là về thời gian thuyên chuyển. Theo đó, Thông báo số 210/TB – HU Tương Dương ngày 3/8/2021 về công tác cán bộ có hướng dẫn những giáo viên về công tác tại xã Hữu Khuông sau 3 năm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được được thuyên chuyển về vùng thuận lợi. Tuy vậy, trong quyết định thuyên chuyển của UBND huyện lại không nêu rõ thời gian điều chuyển. Do đó, khiến nhiều giáo viên thấy bất an, lo lắng.

Thầy Lô Văn Xuân, giáo viên chuyển từ Trường Tiểu học Mai Sơn sang Hữu Khuông (Tương Dương) thừa nhận: Trong trường hợp phải chuyển công tác do thừa giáo viên, và đưa ra lựa chọn giữa Hữu Khuông và vùng ngoài, thì thầy cũng sẽ chọn Hữu Khuông – xã nằm ngay sát Mai Sơn, thay vì vùng ngoài thuận lợi.

Thầy Trần Văn Minh – GV Toán Tin Trường PT DTBT THCS Hữu Khuông cũng cho hay, dù nhận quyết định chuyển trường khá đường đột, song thầy đồng ý chấp hành. Vì nếu không có chủ trương luân chuyển, thì sẽ không có giáo viên cho Hữu Khuông, và thiệt thòi với học sinh nơi đây. Nhưng thầy mong muốn huyện có văn bản cụ thể về thời hạn luân chuyển, để giáo viên yên tâm công tác, thực hiện nghĩa vụ và chia sẻ với vùng khó khăn.

Nhiều giáo viên băn khoăn về thời hạn thuyên chuyển, biệt phái giáo viên đến vùng khó khăn.
Nhiều giáo viên băn khoăn về thời hạn thuyên chuyển, biệt phái giáo viên đến vùng khó khăn.

Về vấn đề thuyên chuyển giáo viên, sau khi có các kiến nghị phản ánh, Sở Nội Vụ Nghệ An cũng đã thành lập đoàn thanh tra và đã có kết luận.Theo đó, đã khẳng định công tác điều chuyển giáo viên ở Tương Dương nhằm cân đối đội ngũ về số lượng, chất lượng theo kế hoạch phát triển giáo dục, cơ bản khắc phục việc thừa thiếu cục bộ giữa các trường và đồng thời giải quyết nguyện vọng số giáo viên đi tăng cường tại xã Hữu Khuông.

Việc điều chuyển giáo viên dôi dư tại các xã Nhôn Mai, Mai Sơn đến các xã Hữu Khuông là phù hợp về điều chỉnh cơ cấu, số lượng, khoảng cách địa lý và theo đặc thù của địa phương. Quy trình thực hiện cơ bản dân chủ, khách quan, tạo sự đồng thuận của đa số cá nhân được điều chuyển.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, UBND huyện chưa ban hành được kế hoạch điều chuyển giáo viên, chưa rà soát đánh gia đầy đủ số giáo viên được điều động đi nghĩa vụ và đến nay đã đủ thời gian để bố trí trở lại đơn vị cũ hoặc đơn vị thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, công tác thông tin, gặp mặt trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của giáo viên chưa tốt nên một số cá nhân còn băn khoăn, chưa đồng thuận.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Viên chức về quản lý viêc chức và hướng dẫn của UBND tỉnh Nghệ An, các trường hợp điều động theo yêu cầu sắp xếp, bố trí giáo viên năm học 2021 – 2022 cần phải thực hiện theo hình thức biệt phái (không quá 3 năm). Trong khi đó UBND huyện Tương Dương quyết định điều giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu bằng hình thức thuyên chuyển là chưa phù hợp và còn có trường hợp thực hiện quy trình điều động giáo viên chưa đầy đủ.

Thầy Moong Văn Hiền làm đơn tình nguyện xung phong chuyển từ Trường Tiểu học Lượng Minh vào Trường Tiểu học Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) công tác.
Thầy Moong Văn Hiền làm đơn tình nguyện xung phong chuyển từ Trường Tiểu học Lượng Minh vào Trường Tiểu học Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) công tác.

Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết thêm: Trước đây hàng năm việc thuyên chuyên giáo viên trên địa bàn huyện Tương Dương gặp nhiều khó khăn và phức tạp và công tác  này ngày càng được chấn chấn chỉnh để năm sau làm tốt hơn năm trước. Riêng năm học này huyện muốn đổi mới cách thuyên chuyển giáo viên theo hướng hạn chế tối đa tiêu cực, phù hợp với thực tiễn địa bàn, vừa tạo điều kiện cho gíao viên, vừa rút ngắn khoảng cách công bằng cho giáo viên vùng khó khăn.

Ngay sau khi có kết luận của Sở Nội vụ, UBND huyện Tương Dương cũng đã tổ chức họp và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và từng bước giải quyết các vấn đề đang tồn đọng.

Thực tế, sau khi có quyết định thuyên chuyển nhiều giáo viên bất ngờ và vui mừng vì được tạo điều kiện về gần gia đình. Nhưng do điều kiện khách quan (giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19 và huyện tập trung chống dịch ở các xã có nguy cơ) nên huyện không kịp thời gặp gỡ, làm công tác tư tưởng cho giáo viên trước khi thuyên chuyển. Vì thế, việc một số giáo viên có môt vài phản ánh, dẫn đến có thông tin, bình luận trái chiều trên mạng xã hội cũng là điều dễ hiểu.

Đến nay, sau khi huyện tổ chức gặp gỡ và giải thích, giáo viên đã hiểu, đồng thuận. Đây cũng là kinh nghiệm và bài học để huyện làm tốt hơn công tác cán bộ, đặc biệt là trong công tác thuyên chuyển, biệt phái giáo viên. 

Huyện cũng sẽ ra văn bản quy định lại thời gian thuyên chuyển của giáo viên để đảm bảo thực hiện đúng quy định theo kết luận kiểm tra, để các thầy cô an tâm dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ