Luân chuyển giáo viên tại Tương Dương, Nghệ An: Đảm bảo khách quan, hạn chế tiêu cực

GD&TĐ - Đầu năm học 2020-2021, huyện Tương Dương, Nghệ An thực hiện điều chuyển 67 giáo viên ở 3 bậc mầm non, tiểu học và THCS nhằm cân bằng đội ngũ giữa các đơn vị giáo dục.

Hai thầy giáo ở Trường Tiểu học Mai Sơn và Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An) nhận quyết định chuyển sang Trường Tiểu học Hữu Khuông ngày 1/9.
Hai thầy giáo ở Trường Tiểu học Mai Sơn và Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An) nhận quyết định chuyển sang Trường Tiểu học Hữu Khuông ngày 1/9.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, dẫn đến một số giáo viên sau khi nhận quyết định điều chuyển cảm thấy chưa thỏa đáng. Chính quyền địa phương và lãnh đạo ngành giáo dục đã có gặp gỡ, trao đổi, giải thích để giáo viên hiểu rõ chủ trương luân chuyển.

Bất ngờ nhận quyết định chuyển trường

Đầu năm học 2021 – 2022, UBND huyện Tương Dương đã có quyết định về việc thuyên chuyển 67 giáo viên trong toàn huyện ở ba bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó có 42 trường hợp thuyên chuyển hoán đổi theo nguyện vọng để hợp lý hóa hoàn cảnh gia đình và 15 trường hợp điều chuyển để cân đối đội ngũ thừa, thiếu.

Thầy Lữ Văn Thuyên đã dạy học tại Trường Tiểu học Nhôn Mai (huyện Tương Dương) 28 năm thì bất ngờ nhận quyết định chuyển sang Trường Tiểu học Hữu Khuông. "Đầu năm học 2021-2022, tôi vẫn trả phép ở trường cũ, trao đổi chuyên môn, chuẩn bị cho khai giảng. Nhưng ngày 30/8 trong cuộc họp hội đồng, thảo luận tập thể thống nhất tôi là 1 trong 2 giáo viên của trường sẽ thuyên chuyển. Chỉ ngày hôm sau, 1/9 tôi đã nhận quyết định của huyện chuyển đến Trường Tiểu học Hữu Khuông”, thầy Thuyên kể.

Năm học 2021-2022, huyện Tương Dương, Nghệ An thuyên chuyển 67 giáo viên để góp phần giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Năm học 2021-2022, huyện Tương Dương, Nghệ An thuyên chuyển 67 giáo viên để góp phần giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ.

Đó là trường ở xã nằm cạnh Nhôn Mai, nhưng điều kiện giao thông phức tạp, chưa có đường bộ thuận lợi, qua đèo cao, dốc đá, cách nhà thầy Thuyên hơn 50km. Cũng vì vậy mà thầy phải ở lại trong trường, đầu tuần đi, cuối tuần mới về nhà.

Tương tự, thầy Lô Văn Xuân cũng là giáo viên người bản địa, công tác tại Trường Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương) từ năm 1994. Thầy chia sẻ, Mai Sơn trước đây là trường nằm ở vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Tương Dương.

Để đến trường, giáo viên phải ngồi thuyền ngược sông Nậm Nơn gần 1 ngày, sau đó tiếp tục đi bộ vượt rừng 3 – 4 tiếng đồng hồ. Chưa kể nếu đến các điểm lẻ như Phá Kháo, Chà Lò... còn phải đi bộ thêm nửa ngày nữa. Vì vậy, Mai Sơn được xem là “vạch đỏ” trên bản đồ của huyện Tương Dương. Không ít giáo viên đã từ chối vào đây nhận công tác, hoặc có người vào sau đó chấp nhận bỏ việc, rời nơi tận núi cùng sông này.

Gắn bó với vùng biên giới đến nay đã 27 năm, nên thầy Xuân bất ngờ khi nhận quyết định điều động về Trường Tiểu học Hữu Khuông – trường vùng đặc biệt khó khăn khác của huyện Tương Dương.

“Tôi thấy việc điều động này đột ngột và chưa phù hợp, vì bản thân đã ở vùng khó khăn rất nhiều năm. Gần đây, khi giao thông ở Mai Sơn thuận lợi hơn, có đường bộ, mới “sướng” được vài năm, thì lại phải về điểm khác cũng vất vả không kém mà chế độ chính sách giảm. Nên chăng điều chuyển giáo viên trẻ, mới vào nghề để họ hiểu và thấm những cái vất vả, khó khăn, thay vì những người nhiều tuổi, số năm công tác cao như chúng tôi”, thầy Xuân nói.

Một số giáo viên tại Tương Dương cho rằng việc luân chuyển của huyện đường đột, khiến họ bất ngờ.
Một số giáo viên tại Tương Dương cho rằng việc luân chuyển của huyện đường đột, khiến họ bất ngờ.

Đầu tháng 9, Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông nhận được 2 quyết định về nhân sự. Cụ thể, tiếp nhận 2 thầy chuyển đến từ Trường PT DTBT THCS Tam Hợp, và đổi lại chuyển 2 giáo viên của Hữu Khuông sang.

Thầy Hồ Đình Kỷ là một trong hai giáo viên vừa chuyển đến Hữu Khuông cho hay đã thích nghi với công việc và môi trường mới sau 1 tháng dạy học. Thầy hiện ở ký túc xá cùng đồng nghiệp từ thứ 2 đến thứ 7, do trong này ở vùng lòng hồ biệt lập.

Tuy vậy, khi nói về việc điều chuyển này, thầy Kỷ cũng cho rằng có sự đường đột. Ngày 1/9, tôi nhận được quyết định điều chuyển của huyện về Hữu Khuông qua tin nhắn zalo.

“Khi ấy tôi bất ngờ lắm vì mình đã công tác ở Tam Hợp gần 20 năm, nay cũng đã nhiều tuổi. Nhưng đây là quyết định của huyện, là cán bộ viên chức, tôi chấp hành theo sự phân công của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn trước khi được điều chuyển, thì có sự thông báo sớm để có sự chuẩn bị về tâm lý, bàn giao công việc ở nơi cũ cũng như tìm hiểu điều kiện dạy học nơi mới. Bên cạnh đó, còn sắp xếp cuộc sống gia đình”, thầy Kỷ nói.

Hiện, gia đình thầy có 4 người nhưng một chốn mấy nơi. Thầy dạy học ở Hữu Khuông, cách nhà 60km cả đường bộ và hơn 2 tiếng rưỡi ngồi thuyền vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Vợ và con út thầy vẫn ở xã Tam Hợp, còn con đầu học lớp 8 thì đang phải gửi về cho bà ở huyện Nam Đàn cách Tương Dương hơn 150km.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An)
Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An)

Theo thầy giáo Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông, hai giáo viên được điều chuyển đi là những giáo viên thuộc diện tăng cường. Họ về trường theo chính sách và đã qua thời hạn tăng cường từ 2 đến 3 năm. Nay sau nhiều năm đề đạt nguyện vọng họ mới được điều chuyển về các trường thuận lợi hơn. Đây cũng là điều mừng cho các thầy cô sau thời gian dài công tác tại vùng khó khăn như Hữu Khuông.

“Về phía nhà trường, chúng tôi cũng không được biết trước năm học này ai đến, ai đi. Dù vậy, việc bố trí, sắp xếp chuyên môn cơ bản thuận lợi, hợp lý. Còn đối với 2 giáo viên mới chuyển đến sẽ có những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu do điều kiện ở vùng lòng hồ biệt lập, bất tiện. Chúng tôi cũng tạo điều kiện, hỗ trợ hết sức để các thầy thích nghi với việc dạy học tại trường”, thầy Nguyễn Đức Sơn cho hay.

Hạn chế tiêu cực trong luân chuyển giáo viên

Trước đó, việc thuyên chuyển được UBND huyện Tương Dương được thực hiện hàng năm nhằm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Qua đó, ổn định dần đội ngũ giữa các đơn vị, vùng miền. Theo đó, số lượng giáo viên thuyên chuyển cũng giảm dần, từ 104 người năm 2015, xuống còn 74 người năm 2018 và 67 trường hợp năm 2021.

Tuy nhiên, năm học 2020-2021, sau khi UBND huyện Tương Dương ban hành các quyết định điều chuyển, một số giáo viên đã có phản ánh và kiến nghị về quy trình thực hiện.

Về vấn đề này, UBND huyện Tương Dương đã tổ chức hội nghị gặp mặt các giáo viên được thuyên chuyển để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và xem xét lại từng trường hợp.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An, việc giữ thông tin luân chuyển đến phút cuối là để khách quan, hạn chế tình trạng tiêu cực.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An, việc giữ thông tin luân chuyển đến phút cuối là để khách quan, hạn chế tình trạng tiêu cực.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã có thông báo chỉ đạo tiến hành tổ chức xem lại công tác thuyên chuyển giáo viên để đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, thủ tục của Đảng và nhà nước, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng pháp luật, nhất là các trường hợp chưa được thống nhất với tập thể cá nhân.

Trong quá trình kiểm tra, huyện cũng đã thành lập đoàn công tác đến các xã đặc thù như Hữu Khuông, Mai Sơn để tìm hiểu, xác nhận lại thông tin, các quy trình, thủ tục đảm bảo quy định của cấp trên về điều đồng chuyên thuyển.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Kha Văn Lập, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: Các trường hợp thuyên chuyển giáo viên đều được các trường học triển khai theo đúng quy trình, có lấy ý kiến của toàn trường và đưa ra các tiêu chí để thực hiện trên cơ sở Thông báo của Ban Thương vụ Huyện ủy.

Về những thắc mắc, phản ánh quy trình thực hiện vội vàng, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho hay, thuyên chuyển giáo viên là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi các thầy cô. Vì vậy, trong năm học 2021 – 2022, sau khi có thông báo của Ban Thường vụ huyện ủy, việc thực hiện được triển khai nhanh để đảm bảo khách quan. Việc bí mật thông tin đến cận kề thời điểm luân chuyển cũng nhằm hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ