Bài 2: Giải pháp “điều hòa” bất đắc dĩ

GD&TĐ - Vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ tại Nghệ An đã tồn tại nhiều năm qua, liên quan đến định biên giáo viên không đáp ứng hết những đặc thù của mỗi địa phương. Trong bối cảnh đó, nhiều huyện, thành, thị thực hiện giải pháp điều hòa giáo viên giữa các bậc học, trong vùng; đồng thời dự báo về quy mô học sinh, mạng lưới trường lớp trong tương lai để có sự cân bằng.

Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành học dưới sự hướng dẫn của GV chính và GV trợ giảng.
Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành học dưới sự hướng dẫn của GV chính và GV trợ giảng.

Biệt phái xuống dạy tiểu học

Năm học 2019 – 2020, Trường Tiểu học Hợp Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) có 2 giáo viên chuyển từ bậc THCS xuống dạy học là thầy Cao Đức Thắng (GV bộ môn Thể dục) và thầy Phạm Công Thành (GV bộ môn Lịch sử). Với thầy Thắng, nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới khá thuận lợi, do thầy không phải dạy trái chuyên môn. Nhưng việc bố trí cho thầy Thành đứng lớp lại gặp nhiều khó khăn, vì giáo viên tiểu học phải dạy tất cả các môn văn hóa trong khi chuyên môn đào tạo của thầy là Lịch sử.

“Ban đầu, việc sắp xếp dạy học như vậy là mới lạ đối với giáo viên và cả phụ huynh. Nhà trường phải làm công tác tư tưởng, tổ chức họp và thông báo, giải thích cụ thể cho phụ huynh hiểu. Sau gần 1 tháng thực học, hoạt động dạy – học của khối 5 đã đi vào nề nếp, cơ bản ổn định. Về phía thầy Thành, được Ban giám hiệu tạo điều kiện bố trí chuyên môn phù hợp trong công việc nên cũng cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao”,cô Trần Thị Đa.

Cô Trần Thị Đa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đảm bảo chất lượng dạy học và phù hợp với năng lực của giáo viên, nhà trường phân công thầy Thành chủ nhiệm lớp 5, đồng thời phụ trách toàn bộ môn Khoa học – Lịch sử - Địa lý của khối này. Đổi lại, các giáo viên khác của khối 5 sẽ chia nhau dạy các môn Toán, Tiếng Việt… cho lớp thầy Thành chủ nhiệm.

Thầy Thắng và thầy Thành là 2 trong số 85 giáo viên THCS của huyện Yên Thành biệt phái xuống dạy tiểu học. Đây là giải pháp nhằm điều hòa tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn. Theo đó, toàn huyện đang thừa hơn 100 giáo viên THCS nhưng lại thiếu 138 giáo viên tiểu học.

Tuy nhiên, ở vị trí đơn vị tiếp nhận, cô Trần Thị Đa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành cho rằng, đây cũng không phải là giải pháp mang tính bền vững, vì hết hạn biệt phái các giáo viên này lại quay về THCS. Thay vào đó, nên có cơ chế tuyển dụng đặc cách số giáo viên chuyên môn tiểu học đang dạy hợp đồng.

Không chỉ huyện Yên Thành, nhiều địa phương thiếu giáo viên cũng thực hiện biệt phái, luân chuyển giáo viên từ THCS xuống tiểu học. Trong đó tập trung vào những địa phương có số lượng học sinh lớn như: Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳnh Lưu…

Thừa - thiếu giáo viên ảnh hưởng tới hoạt động GD của nhà trường. Ảnh minh họa/ Internet
Thừa - thiếu giáo viên ảnh hưởng tới hoạt động GD của nhà trường.     Ảnh minh họa/ Internet 

Sẽ cân bằng giáo viên trong tương lai

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, đến năm 2019, toàn tỉnh thiếu gần 4.200 giáo viên. Trong đó, thiếu hơn 2.400 giáo viên tiểu học và 1.700 giáo viên mầm non. Ở bậc mầm non, theo quy định của ngành, phải bố trí đủ giáo viên cho các nhóm nhà trẻ và mẫu giáo. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Nghệ An không đáp ứng đủ. Hiện, các địa phương chỉ mới ưu tiên đủ 2 GV/lớp cho trẻ 5 tuổi để thực hiện đúng chương trình phổ cập. Còn trẻ 3 – 4 tuổi bố trí được 1,6 giáo viên/lớp trong khi quy định là 2 GV/lớp và nhóm nhà trẻ mới đáp ứng được 2 GV/lớp trong khi quy định là 2,6 GV/lớp.

Tại huyện Nam Đàn, ông Lê Trung Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: “Chúng tôi đang thiếu gần 150 giáo viên tiểu học và mầm non. Đối với tiểu học, trong những năm qua, huyện đã thực hiện điều hòa nội bộ bằng cách chuyển giáo viên từ THCS xuống tiểu học, tổ chức dạy liên trường đối với môn năng khiếu và Tiếng Anh, Tin học. Ngoài ra một số giáo viên đăng ký học thêm văn bằng hai để dạy thêm môn. Năm học này, Nam Đàn được giao thêm hơn 30 chỉ tiêu bậc tiểu học nên chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng.

Riêng với bậc mầm non còn khó khăn. Tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi là 100%, trẻ 3 – 4 tuổi là 93%, nhưng trẻ 2 tuổi mới chỉ huy động được khoảng 25% do phải ưu tiên giáo viên cho nhóm lớp lớn. Huyện cũng tích cực vận động xã hội hóa, phát triển các nhóm lớp tư thục nhưng chỉ hiệu quả đối với thị trấn Nam Đàn”.

Không chỉ thiếu giáo viên về mặt tổng số, Nghệ An đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các môn như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở những địa phương vùng miền núi, khó khăn, mà ngay cả huyện đồng bằng, thuận lợi.

Đơn cử, huyện Thanh Chương: Toàn huyện đang thiếu 30 giáo viên tiếng Anh, khiến cho việc tổ chức dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có 3 trường tiểu học hoàn toàn không có giáo viên tiếng Anh khiến học sinh không được học, hoặc phải đưa giáo viên từ THCS xuống dạy kiêm nhiệm. Huyện Thanh Chương cũng đang xây dựng phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng để tổ chức dạy học cho học sinh.

Nói về vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Đầu năm học Sở đã báo cáo gửi Bộ GD&ĐT để tham mưu Chính phủ cho Nghệ An thêm định biên giáo viên nhưng chưa được duyệt. Mặt khác, theo thống kê và dự báo quy mô học sinh, hiện nay lứa tuổi tiểu học của Nghệ An là đông nhất.

Nhưng 2 – 3 năm nữa, số học sinh này sẽ lên THCS, còn số học sinh mầm non lên tiểu học ổn định không tăng đột biến. Đến thời điểm đó, tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các bậc học này không xảy ra mà trở lại trạng thái cân bằng. Những năm gần đây, nhiều địa phương thực hiện biệt phái GV từ THCS xuống dạy tiểu học trong thời gian 2 – 3 năm. Sau khi hết hạn biệt phái, các giáo viên này được quay về trường cũ dạy học, hoặc nếu có nhu cầu tiếp tục dạy tiểu học cũng sẽ được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ