Luân chuyển giáo viên giỏi: Cần lộ trình hợp lý

Luân chuyển giáo viên giỏi: Cần lộ trình hợp lý

(GD&TĐ) - Tình trạng quá tải học sinh tại các trường trung tâm, mất cân đối sĩ số học sinh, nơi thừa nơi thiếu… diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương phần lớn xuất phát từ tâm lý “chọn trường, chọn cô” của phụ huynh học sinh. Luân chuyển đội ngũ giáo viên giỏi để điều hòa chất lượng dạy – học được chính quyền và ngành GD Đà Nẵng tính đến như là giải pháp để dải đều học sinh về các trường.

Nhiều ưu điểm vẫn không hút HS

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu dù là trường đạt chuẩn quốc gia nhưng nhiều năm liền tuyển sinh đầu năm đều không đủ chỉ tiêu được giao
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu dù là trường đạt chuẩn quốc gia nhưng nhiều năm liền tuyển sinh đầu năm đều không đủ chỉ tiêu được giao

Năm học 2013 – 2014, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Hải Châu) tuyển không đủ HS. Theo số liệu điều tra phổ cập, trên địa bàn tuyển sinh của trường có 205 em ở độ tuổi vào lớp 1; Nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển 6 lớp 1 nhưng chỉ tuyển được 5 lớp với 164 HS. Tuyển sinh không đủ so với chỉ tiêu được giao là câu chuyện lặp đi lặp lại trong rất nhiều năm của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Hai năm học trước đó, trường cũng chỉ tuyển được từ ba đến bốn lớp 1. Tổng số học sinh toàn trường luôn dao động ở mức khoảng 500 em trong khi có thể đáp ứng khoảng 1.000 em theo học. 

Bà Phan Thị Thu Lan - Hiệu trưởng - cho biết: Với tổng diện tích của trường gần 10 nghìn m2, trường có một khu thể thao đủ rộng và đẹp, sân trường thoáng, rợp bóng cây xanh. Hiện tại, trường dư 3 phòng học nên có điều kiện tổ chức tốt công tác bán trú cho học sinh, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Năm học nào, học sinh nhà trường cũng đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quận và thành phố. 100% giáo viên của trường đều tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm, các thầy cô rất tâm huyết với nghề, đặc biệt tận tâm với HS khuyết tật. Trường Võ Thị Sáu hiện có 19 học sinh khuyết tật đang theo học hòa nhập, nhiều nhất trong các trường học ở quận Hải Châu. Trường không có học sinh xếp loại học lực yếu. Đặc biệt, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia lần 2 vào năm 2010...

Với rất nhiều ưu điểm như thế, nhưng chuyện tuyển sinh đầu cấp bao giờ cũng là vấn đề đau đầu với trường. Trong khi chỉ cách Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chưa đến 3km, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh và Phù Đổng luôn trong tình trạng vỡ chỉ tiêu tuyển sinh. Năm học 2012 - 2013, Trường TH Phù Đổng có gần 3.000 học sinh, nhưng chỉ có 1.400 học sinh đúng tuyến, số còn lại là học sinh trái tuyến. Trường Tiểu học Phan Thanh năm ngoái có tổng cộng hơn 1.200 HS, thì đến hơn 700 học sinh học trái tuyến. Trường TH Hoàng Văn Thụ có hơn 1.200 học sinh, thì có 943 học sinh học trái tuyến...

Bài toán luân chuyển giáo viên

Giáo viên yên tâm công tác thúc đẩy chất lượng GD đi lên. Ảnh: Bích Ngọc
Giáo viên yên tâm công tác thúc đẩy chất lượng GD đi lên. Ảnh: Bích Ngọc

Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới 2013 - 2014 vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Anh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho rằng, ngoài việc quản lý chặt đầu vào, tránh tình trạng HS học trái tuyến như cách làm của TP trong năm học này, phải làm sao để tạo sự đồng đều về chất lượng giữa các trường học, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp. Theo đó, vấn đề luân chuyển đội ngũ giáo viên giỏi ở các trường trung tâm về các trường ven quận cần được làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Thế nhưng, liệu luân chuyển giáo viên giỏi có phải là lời giải cho bài toán điều hòa chất lượng giáo dục? Lâu nay, việc thuyên chuyển, luân chuyển giáo viên thường rơi vào hai trường hợp: Xuất phát từ việc phân bổ giáo viên chưa đồng đều, chất lượng đội ngũ còn thiếu đồng bộ, từ đó làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng giáo dục của các trường học nói chung nên phải luân chuyển đội ngũ giáo viên để bù đắp sự chênh lệch. 

Trường hợp thứ hai phổ biến hơn, trên thực tế, một số giáo viên có thời gian công tác ở vùng khó khăn, vùng ven của thành phố đã nhiều năm, trong số đó nhiều người có nguyện vọng được chuyển đến công tác tại các đơn vị thuận lợi hơn, hoặc hợp lý hóa gia đình. Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý giáo dục, ông Đặng Nhứt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu) - nhận xét rằng, nhiều GV ở các trường vùng ven nếu muốn thuyên chuyển về các trường trung tâm đều phấn đấu để trở thành GV giỏi, như là một điều kiện ưu tiên trong quá trình thuyên chuyển. Trong khi đó, Đà Nẵng đang tính đến việc thuyên chuyển ngược. 

“Được” hay “bị” luân chuyển?

Một số CBQL GD cho rằng, nếu cứ để GV dạy mãi ở một môi trường nào đó trong một thời gian dài, sẽ bị rơi vào tình trạng “ỳ”, thiếu sáng tạo và dễ nhàm chán. Thế nhưng, khác với một số ngành khác, ngành Giáo dục đòi hỏi có sự ổn định nhất định.

Theo kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu giáo dục thì việc hình thành và nâng cao các kỹ năng giảng dạy, truyền đạt, kể cả về chuyên môn và trình độ sư phạm phải có hệ thống và cần phải có sự nắm bắt, quan sát đầy đủ tình hình địa bàn hoạt động và vì thế, việc ổn định tương đối địa bàn giảng dạy với từng giáo viên là cần thiết. Chưa kể, giáo viên có “ỳ” hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của ban giám hiệu. Cũng có một yếu tố cần phải tính đến là liệu giáo viên có yên tâm để cống hiến, phấn đấu hay không khi luôn ở trong tình trạng bị rà soát xem có là giáo viên giỏi hay không để luân chuyển?

Ông Đặng Nhứt – cho biết: “Việc xây dựng đề án luân chuyển cần phải hết sức thận trọng, các tiêu chuẩn phải rõ ràng và công khai. Cũng cần phải tính đến việc khi giáo viên giỏi qua trường mới phải có một số quyền lợi đi kèm, bởi nếu không cẩn thận, giáo viên giỏi sẽ rất dễ có tâm lý mình “bị” luân chuyển. Từ tâm lý này, giáo viên ở các trường trung tâm sẽ có tâm lý thả rơi tự do từ giáo viên giỏi trở thành giáo viên không giỏi để khỏi bị luân chuyển”. 

Có một thực tế mà các nhà quản lý cũng cần phải tính đến là tâm lý chung là các hiệu trưởng thông thường đều muốn giữ lại đội ngũ giáo viên giỏi để xây dựng thương hiệu của trường mình. Ông Nguyễn Đăng Ngưng lại có một ưu tư khác trong bài toán luân chuyển GV để điều hòa chất lượng: Nếu giáo viên giỏi nhưng phụ huynh không quan tâm, không hỗ trợ các điều kiện học tập cho học sinh thì chưa chắc đã có học sinh giỏi.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân được bà Phan Thị Thu Lan nhắc đến khi lý giải về những khó khăn trong công tác tuyển sinh của trường: Ngoài việc phụ huynh muốn con em học ở những trường trung tâm, còn phải kể đến vị trí Trường Tiểu học Võ Thị Sáu không thuận lợi cho việc đưa đón con em, do ngược đường với nơi làm việc của các phụ huynh; Phần lớn học sinh ở đây là con em của gia đình có điều kiện khó khăn, con ngư dân, có em là con gia đình hộ trú ở các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng tạm trú làm ăn...

Chủ trương luân chuyển giáo viên để điều hòa chất lượng là đúng nhưng cần phải có lộ trình hợp lý. Và muốn việc luân chuyển giáo viên giỏi như là một đòn bẩy để nâng cao chất lượng, điều hòa sĩ số học sinh từ trường trung tâm về các trường vùng ven, thì ngành GD phải thực sự được toàn quyền quyết định về nhân sự.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu

HÀ NGUYÊN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.