Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh

GD&TĐ -  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh. (Ảnh: Thainguyen.gov.vn)
Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh. (Ảnh: Thainguyen.gov.vn)

Theo đó, Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước (sau Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh và Thanh Hóa) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Cụ thể, phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 352.196ha, với 9 đơn vị hành chính gồm: 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).

Mục tiêu tổng quát, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, trung tâm du lịch, trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội...

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Đồng thời, quy hoạch tỉnh cũng nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.