Lừa đảo đa cấp tấn công tân sinh viên: Trường học tăng cường cảnh báo

GD&TĐ - Đến hẹn lại lên, mỗi khi tân sinh viên chuẩn bị bước vào năm học mới hàng loạt hội nhóm khởi nghiệp, làm giàu nhanh chóng núp bóng cựu sinh viên lại chèo kéo dụ dỗ.

Tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các trường ĐH là địa chỉ tin cậy để tân sinh viên tham gia tư vấn việc làm, chỗ trọ. Ảnh minh họa
Tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các trường ĐH là địa chỉ tin cậy để tân sinh viên tham gia tư vấn việc làm, chỗ trọ. Ảnh minh họa

Các đối tượng lừa đảo nhắm vào tân sinh viên bằng nhiều chiêu thức, từ tình cảm đến những lời đường mật cùng lợi nhuận khủng khi tham gia.

Đủ chiêu trò lừa phỉnh

Dù chưa lên TPHCM nhập học chính thức nhưng vài ngày trở lại đây, Trần Thái Hoàng - tân sinh viên ngành Dược học, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn liên tiếp nhận được lời mời tham gia một hội nhóm kinh doanh online khởi nghiệp trên Facebook. Ngay khi tham gia buổi chia sẻ kỹ năng kinh doanh bán hàng online qua Meet và nền tảng Messenger của Facebook, Hoàng được 2 người mời đầu tư khoản tiền từ 20 - 30 triệu đồng vào dự án chung của nhóm.

“Một lần tình cờ lướt Facebook em thấy anh T (bạn face) Live nói về cơ hội kiếm tiền từ kinh doanh online nên vào tìm hiểu. Tuy nhiên, thấy việc kinh doanh không có mặt hàng, sản phẩm cụ thể, chỉ bảo người tham gia đầu tư tiền vào một sàn ảo rồi chờ sinh lời mà bảo là kiếm tiền từ kinh doanh online, em thấy rất phi lý. Anh T bảo cứ nộp vào 10 - 20 triệu đồng, 1 tháng không làm gì cũng có lời từ 3 - 5 triệu đồng. Nếu trong tháng mời thêm được 1 - 2 người tham gia, lợi nhuận lên 5 - 10 triệu/tháng”, Hoàng nói.

Cũng rơi vào bẫy kinh doanh theo mô hình nhị phân trên mạng, Nguyễn Tú Trân - tân sinh viên ngành Marketing, Trường ĐH Mở TPHCM trong tuần qua nhận được nhiều lời mời cho việc khởi nghiệp online.

Những lời quảng cáo kinh doanh online 1 vốn 4 lời thế này nhiều nhan nhản trên các trang mạng xã hội.
Những lời quảng cáo kinh doanh online 1 vốn 4 lời thế này nhiều nhan nhản trên các trang mạng 
xã hội.

Trân vốn mê kinh doanh nên khi trúng tuyển vào đúng trường, ngành yêu thích, em được mẹ cho 50 triệu đồng để làm vốn “trải nghiệm” với đam mê khởi nghiệp. Em tham gia và theo dõi nhiều hội nhóm khởi nghiệp, kinh doanh online trên mạng để vừa tìm hiểu mô hình hay, vừa cân nhắc tham gia dự án hoặc tìm hướng đi cho mình.

“Khi biết em có mục tiêu kinh doanh để tự lo chi phí sinh hoạt, nhiều anh chị tự xưng là cựu sinh viên của trường mời em cùng tham gia dự án. Có dự án kinh doanh mỹ phẩm của chị Tú Quỳnh (bạn face) mà em được mời tham gia khiến em khá hài lòng. Chị Quỳnh yêu cầu em đầu tư 30 triệu đồng để mua 5 bộ sản phẩm sử dụng (cũng là để đạt chỉ tiêu vào nhánh kinh doanh) của chị.

Sau đó, cứ mỗi tuần livestream 1 buổi giới thiệu về sản phẩm trên Facebook và mời gọi bạn bè, cứ mời được 1 người mới tham gia, em được 3% tổng doanh thu, mỗi tháng mời 3 người thì đạt doanh số và có lương 6 triệu. Tuy nhiên khi em hỏi mấy anh chị chuyên về kinh doanh ngành hàng này, họ khẳng định 100% là đa cấp và lừa phỉnh nên em không tham gia”, Trân nói.

Không chỉ chiêu dụ sinh viên bằng lợi nhuận khủng khi đầu tư, nhiều đối tượng lừa đảo còn nhắm đến nhu cầu cần tìm việc làm của sinh viên để dụ dỗ, đưa các em vào tròng. Tạo ra một công việc online hấp dẫn với mức lương cao để dụ dỗ tân sinh viên tham gia, khi làm được vài ngày, các đối tượng lừa sinh viên chuyển đổi phương thức kinh doanh sang hướng khác. Vì tiếc mức lương cao đang được hưởng, nhiều sinh viên chấp nhận bỏ ra 5 - 10 triệu đồng để tham gia vào dự án, rồi không thoát ra được.

Để hạn chế sinh viên mắc bẫy lừa đảo việc làm, hiện nhiều trường ĐH thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm để sinh viên tìm việc.
Để hạn chế sinh viên mắc bẫy lừa đảo việc làm, hiện nhiều trường ĐH thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm để sinh viên tìm việc.

Tăng tốc cảnh báo

Theo ThS Đặng Văn Ơn - Trưởng phòng Công tác & Chính trị sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TPHCM, tân sinh viên là đối tượng mà các hội nhóm kinh doanh đa cấp, lừa xin việc làm nhắm đến với mức lương hậu hĩnh, những khoản lợi nhuận trong mơ khi đầu tư kinh doanh. Nhiều sinh viên vì muốn có mức lương và khoản lợi nhuận tốt để đóng học phí, chi tiêu cá nhân đã nhắm mắt bỏ tiền theo lời hướng dẫn, đến khi biết thì đã muộn.

“Vì vậy, ngay buổi đầu trong tuần sinh hoạt công dân, Phòng Công tác & Chính trị sinh viên đã lưu ý tân sinh viên trước những cạm bẫy các em có thể gặp phải để tránh. Hiện, sinh viên chưa học tập trung nhưng các đối tượng vẫn lợi dụng môi trường mạng xã hội để chèo kéo, dụ dỗ, sinh viên cần cẩn thận với những công việc và cơ hội kinh doanh có lợi nhuận cao bất thường”, ThS Ơn nói.

Để sinh viên không vướng vào các chiêu thức lừa đảo, ông Nguyễn Thành An - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Luật TPHCM - cho biết: Trong tuần sinh hoạt công dân sinh viên đầu khóa, phòng sẽ có chuyên đề giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ, tình hình việc làm, trong đó có lưu ý sinh viên nhận biết các loại hình lừa đảo, đa cấp...

Những cái nào mà có tính chất sinh lời dễ dàng cần cảnh giác vì không ai cho không ai cái gì, nên các lời kêu gọi như vậy 100% là lừa đảo, sinh viên không nên tham gia. Ngoài việc tuyên truyền, nhà trường cũng thông qua ban cán sự lớp để thường xuyên khuyến cáo sinh viên phải có “cái đầu lạnh” trong việc tiếp cận thông tin, tránh nghe theo lời đường mật, sinh lời to và thành con mồi cho tổ chức đa cấp.

“Nếu sinh viên có nhu cầu tìm việc làm, chỉ cần liên hệ Trung tâm việc làm của trường, bộ phận chuyên trách sẽ hỗ trợ để tư vấn các loại hình làm thêm phù hợp, địa điểm uy tín. Trong trường hợp sinh viên lỡ vướng vào tổ chức đa cấp, nhà trường khuyến nghị các em cần tỉnh táo, sớm liên hệ Phòng Công tác sinh viên hoặc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên để được hỗ trợ, cũng như liên hệ các cơ quan chức năng để xử lý.

Ngoài ra, các đơn vị làm công tác hỗ trợ việc làm cho sinh viên cũng được  trường nhắc nhở phải cảnh giác. Chúng tôi thường xuyên nhận được các thông báo tuyển dụng hay đề nghị hợp tác tuyển dụng nhưng nhìn vào biết 80% là đa cấp nên chặn luồng thông tin ngay. Có thể nói, các đơn vị hỗ trợ đóng vai trò như “bộ lọc” quan trọng giúp sinh viên”, ông An nói.

ThS Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhìn nhận, để hạn chế tình trạng tân sinh viên rơi vào bẫy lừa đảo đa cấp, bẫy việc làm thêm, việc quan trọng nhất trong tuần sinh hoạt đầu khóa là giúp các em hiểu rõ về các mánh khóe, thủ thuật chiêu dụ, lừa đảo để tránh xa. Ngoài ra, trường phối hợp với công an (TP Thủ Đức, tỉnh Bình Dương) trong việc tuyên truyền, nói chuyện với sinh viên. Việc chia sẻ thông tin giữa nhà trường và công an, theo các biên bản ký kết thực hiện an ninh trật tự… giúp nhà trường chủ động nắm bắt nguồn tin. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.