Không bị động
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết: Dù có sự thay đổi trong thẩm quyền lựa chọn (Thông tư 01 theo Nghị quyết 88 giao quyền chọn sách cho cơ sở giáo dục; Thông tư 25 theo Luật Giáo dục 2019 thầm quyền chọn sách là UBND tỉnh), nhưng ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Theo đó, Thông tư 01 được xây dựng cùng lúc với việc dự thảo Thông tư 25. Do đó, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, ngay lập tức có Thông tư 25 ra đời, thay thế Thông tư 01. Quá trình triển khai, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng rất bài bản.
Nhận định của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, hiện các địa phương đang thực hiện đúng theo quy trình do Bộ GD&ĐT quy định. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chuyên môn, giáo viên, phụ huynh để có đề xuất lựa chọn SGK phù hợp nhất.
Để đưa được bộ SGK tốt nhất, phù hợp nhất đến với học sinh, tránh tiêu cực trong chọn SGK cũng phải đặt ra. Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ những “bộ lọc” bảo đảm có SGK chất lượng.
Theo đó, thực tế gần 1 năm triển khai chương trình mới với lớp 1 là kênh khẳng định rõ nhất bộ SGK nào có thể đi vào thực tiễn – khâu biên soạn các tác giải sẽ phải rất quan tâm việc này.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định quốc gia với trách nhiệm, tinh thần làm việc cao nhất, qua sự lựa chọn của Hội đồng thì đương nhiên chúng ta phải có niềm tin sách đã bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, sách hay, chất lượng chưa hẳn đã là sách giáo viên chọn, vì SGK phải phục vụ việc dạy học, giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học…
Tất cả những yếu tố này sẽ giúp việc lựa chọn SGK bảo đảm minh bạch, công khai, để có được bộ sách tốt nhất đến với học sinh.
Là Phó Hiệu trưởng, Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội), bà Vũ Thúy Hiền thông tin: 100% giáo viên trong trường, không chỉ giáo viên dạy lớp 2, đều phải nghiên cứu các bộ SGK mới được phê duyệt. Trong tháng 2, khi học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, thầy cô vừa dạy trực tuyến, vừa tự nghiên cứu SGK trên bản mềm.
Là người trực tiếp đứng lớp, những ý kiến của giáo viên là gần nhất, xác đáng nhất, giúp lãnh đạo có được sự nhìn nhận chính xác về SGK mới. Khi triển khai trong trường, giáo viên được yêu cầu phải nghiêm túc, đọc thật kỹ và đưa ý kiến mạnh dạn, thẳng thắn, khách quan. Đồng thời, chịu trách nhiệm khi đặt bút bỏ phiếu cho đầu sách mà mình lựa chọn.
Lãnh đạo nhà trường cũng luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến giáo viên để có quyết định phù hợp nhất trước khi gửi lựa chọn của trường lên cấp cao hơn.
“Khi tiếp cận SGK mới, tôi thấy ưu điểm chung là hầu hết các bộ SGK đều có kế thừa từ SGK hiện hành; đồng thời thay đổi cấu trúc bài học nhằm hình thành, phát triển năng lực học sinh. Các bộ sách cũng rất hấp dẫn với kênh chữ, kênh hình đẹp, rõ ràng. Nội dung sách phân theo chủ đề nên giáo viên có thể linh hoạt trong dạy học.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ lớp 1, SGK tiếng Việt lớp 2 sử dụng các bài đọc rất gần gũi, dễ hiểu, có tính giáo dục cao, nên chắc chắn học sinh sẽ rất thích thú. Tuy vậy, có sách kênh hình hơi nhiều dẫn đến học sinh có thể tập trung nhiều vào hình ảnh mà lơ đãng bài giảng…” – bà Vũ Thúy Hiền chia sẻ.
Phản hồi tích cực sau học kỳ sử dụng sách giáo khoa lớp 1
Nhận định về việc chương trình, sách giáo khoa mới sau gần 1 năm chính thức triển khai ở lớp 1, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 88 trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả; dù tiến độ hơi trễ nhưng chúng ta ưu tiên chất lượng.
“Cái được lớn nhất là lần đầu tiên chúng ta đã xây dựng được chương trình trước khi xây dựng các bộ SGK - điều này có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, cách tiếp cận cũng thay đổi khi chương trình là pháp lệnh và SGK chỉ là ngữ liệu, từ đó triển khai theo hướng có một số SGK cho 1 môn học.
Quan điểm này thay đổi cách nhìn của chúng ta và kết quả là đã thực hiện được xã hội hóa trong biên soạn SGK. Tất nhiên, quá trình triển khai thực hiện, vì có nhiều cái mới nên có lúng túng là không tránh khỏi…” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ.
Từ thực tế triển khai tại nhà trường sau 3/4 quãng đường, bà Vũ Thúy Hiền cũng có những đánh giá tích cực. Theo đó, khi quay trở lại trường sau một thời gian tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, các học sinh đều tiếp cận kiến thức mới rất tốt. Bên cạnh hiện đã đọc, viết khá thông thạo, học sinh lớp 1 còn rất tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn, rèn luyện tốt các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm… “Đó là điều hơn hẳn so với những năm trước.” – cô Hiền cho hay.
Theo dõi sự thay đổi chương trình, SGK theo Nghị quyết 88, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, qua một học kỳ có thể thấy học sinh vui học, giáo viên cũng vui dạy. Dù chưa xong lớp 1, nhưng nhiều học sinh đã đọc sách rất tự tin.
Thạc sĩ Từ Thúy Quỳnh - Phó trưởng Phòng Thông tin dư luận Xã hội, Viện dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương - cũng cảm thấy an tâm với tư cách là phụ huynh sau một thời gian thực tiễn đổi mới.
Bà Quỳnh kỳ vọng SGK mới sẽ tinh gọn, không ôm đồm quá nhiều kiến thức, theo hướng để học sinh có hứng thú trong học tập, đặt học sinh là trung tâm, có phương pháp giáo dục đa chiều, tạo cho học sinh sự chủ động tích cực tham gia. Từ đó, học sinh không chỉ được cung cấp kiến thức, mà còn hình thành một phẩm chất, năng lực của một công dân toàn cầu.