Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; các thành viên Ban Chỉ đạo.
Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, công tác chỉ đạo hiệu quả của thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là các Thứ trưởng trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phần lớn các nhiệm vụ trong kết luận của Ban Chỉ đạo trong cuộc họp trước đã thực hiện đạt yêu cầu, một số đang thực hiện.
Bộ trưởng cũng đồng thời chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, cần tháo gỡ; từ đó đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ cần lưu ý trong thời gian tới. Trong đó có vấn đề về chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tài liệu giáo dục địa phương; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất trường lớp học; công tác truyền thông và chế độ báo cáo.
Với nhiệm vụ đầu tiên, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tổ chức khảo sát, đánh giá căn cơ chương trình, SGK lớp 1 sau một học kỳ triển khai; từ đó hướng dẫn địa phương trên cơ sở báo cáo sơ kết để rút kinh nghiệm ngay cho học kỳ 2. Lưu ý SGK lớp 1 đồng thời phải tổng kết công tác xã hội hóa, Bộ trưởng cho rằng, càng mở rộng xã hội hóa thì càng phải siết chặt quản lý nhà nước.
Về SGK lớp 2, lớp 6, cần giám sát các nhà xuất bản khi công bố bản mẫu, tiếp thu ý kiến nhân dân, đội ngũ giáo viên… để sách ban hành tránh được “sạn”. Khâu tập huấn SGK theo hướng trực tuyến và trực tiếp; hướng dẫn tập huấn SGK xây dựng dưới dạng clip; tránh tình trạng thời gian tập huấn gấp gáp, giáo viên phải di chuyển xa dẫn đến việc tập huấn giống như quảng bá sách.
“Bộ và các vụ cục phải giám sát công tác này, tuyệt đối không buông lỏng, phó mặc cho các nhà xuất bản” – Bộ trưởng cho hay.
Liên quan đến nhóm vấn đề về chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tài liệu giáo dục địa phương, Bộ trưởng đồng thời có chỉ đạo, lưu ý liên quan đến chuẩn bị SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo chương trình mới; sách Tiếng Anh hệ 10 năm; sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh; sách Quốc phòng; sách tiếng dân tộc thiểu số; sách chữ nổi Braille; SGK hiện hành. Cùng với đó, rà soát tổng thể các văn bản quy định liên quan đến SGK…
Nhóm nhiệm vụ liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu triển khai cho khảo sát, kiểm tra thực trạng bồi dưỡng giáo viên chuyên đề tại các địa phương; từ đó rút rút kinh nghiệm triển khai các mô đun tiếp theo. Rà soát các Thông tư liên quan đến bồi dưỡng thường xuyên. Quan tâm chỉ đạo triển khai tập huấn cho các đối tượng để bổ nhiệm vị trí Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng các phòng GD&ĐT.
Bộ trưởng cũng đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị điều kiện về đội ngũ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và rà soát các Thông tư liên quan đến chế độ, chính sách cho nhà giáo.
Với nhóm nhiệm vụ về cơ sở vật chất trường lớp học, theo Bộ trưởng, cần rà soát xem các Thông tư đã ban hành đi vào cuộc sống ra sao; đồng thời thực hiện khảo sát địa phương về nội dung này…
Với truyền thông, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng tài liệu truyền thông dưới dạng clip, tin bài hỏi đáp. Đối tượng cần truyền thông trước hết chính là đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục.