Lựa chọn sách giáo khoa mới: Làm sao để có bộ sách phù hợp?

GD&TĐ - Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu ghi nhận và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm, cầu thị của Bộ GD&ĐT xung quanh việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1. Theo các đại biểu, việc cần làm lúc này là có hướng dẫn để các cơ sở giáo dục, địa phương lựa chọn được bộ sách phù hợp, đúng với tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Cần có sự chuyển tiếp

Cho rằng, việc Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông đã đáp ứng được kỳ vọng của cử tri nói chung và các giáo viên, phụ huynh nói riêng, đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh: Đây là nỗ lực và quyết tâm cao của ngành GD.

Đại biểu viện dẫn, tại Mục C Điểm 1, Điều 32 của Luật Giáo dục 2019 quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, Nghị quyết số: 88/2014/QH13 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” có nêu: Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Để dung hòa các quy định nêu trên, đại biểu Lê Tuấn Tứ cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn công tác chuyên môn, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết, đồng thời đón đầu Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020. Mặt khác, đề nghị các cơ sở giáo dục địa phương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thành lập hội đồng tuyển chọn SGK giáo dục phổ thông mới. Hội đồng này phải bảo đảm đầy đủ các thành phần theo quy định.

Đại biểu Lê Tuấn Tứ. Ảnh: TG
Đại biểu Lê Tuấn Tứ. Ảnh: TG 

“Như vậy, trong thời gian Luật Giáo dục 2019 chưa có hiệu lực, chúng ta thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 88 “Về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”. Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn để các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK phù hợp nhất. Sau đó sẽ có hướng dẫn lựa chọn SGK theo tinh thần Luật Giáo dục 2019. Hướng dẫn này cần có sự chuyển tiếp, kế thừa với hướng dẫn lựa chọn SGK theo tinh thần Nghị quyết 88, nhằm đảm bảo sự ổn định, không gây xáo trộn cho các cơ sở giáo dục” – đại biểu Lê Tuấn Tứ nói.

Để không bị “ngắt nhịp”

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Việc lựa chọn SGK đang được thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK trên cơ sở các bộ sách mà Bộ GD&ĐT đã công bố phê duyệt. Đây là quy trình đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chủ thể và các bộ phận có liên quan trong quá trình tổ chức dạy học.

“Việc lựa chọn SGK năm học 2020 – 2021 theo phương thức: Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Nhưng sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn SGK cho địa phương này.

Đây vừa là lần đầu tiên chúng ta thực hiện phương thức mới, vừa là năm chuyển tiếp giữa Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019, cho nên ngành Giáo dục phải có hướng dẫn rất cụ thể để các địa phương, nhà trường có phương thức lựa chọn phù hợp. Qua đó, vừa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 88, vừa bảo đảm đúng quy định của Luật Giáo dục 2019” – đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Tất Thắng. Ảnh: TG
Đại biểu Phạm Tất Thắng. Ảnh: TG

Đại biểu Phạm Tất Thắng phân tích thêm: Tới đây, ngành Giáo dục phải hướng dẫn địa phương lựa chọn sách theo yêu cầu của Nghị quyết 88, bảo đảm phù hợp với nhu cầu dạy học của địa phương. Tuy nhiên, địa phương cũng cần chủ động phối hợp với ngành Giáo dục trong quá trình thực hiện. Từ năm học 2021 – 2022 sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục 2019. Vì thế, chúng ta cần có hướng dẫn mới, để có sự chuyển tiếp nhịp nhàng, không bị “ngắt nhịp”. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chuẩn bị tốt phần giáo dục địa phương.

Cũng theo đại biểu Phạm Tất Thắng, trước đây SGK là pháp lệnh, việc dạy và học phải tuân theo SGK. Nhưng theo Nghị quyết 88, chương trình là pháp lệnh, SGK là phương tiện. Ngoài ra, trước đây chỉ có một SGK, nhưng theo Luật Giáo dục 2019, mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Vì thế cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý, đặc biệt là phụ huynh học sinh về vấn đề này.

“Chương trình giáo dục và SGK dù có tốt đến đâu nhưng nếu đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không thay đổi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, các địa phương cần tổ chức tập huấn cho đội ngũ này để họ thấm nhuần chủ trương đổi mới giáo dục” – đại biểu Phạm Tất Thắng trao đổi.

“Các trường sư phạm phải thay đổi chương trình, phương thức đào tạo, đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên hiện hữu để họ có thể thích ứng với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới”.
                                                                   Đại biểu Phạm Tất Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ