Tiếp cận, nghiên cứu SGK sớm để dạy học hiệu quả
Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ là một trong những thành viên tham gia góp ý bản mẫu SGK lớp 10 nên có cơ hội tiếp cận với sách mới sớm hơn đồng nghiệp. Thầy Thiên cho biết đã tranh thủ đọc sớm, đọc kỹ ngay khi được cấp tài khoản để tiếp cận sách bản mẫu; đồng thời bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình để so sánh, nắm tinh thần SGK mới.
“Là giáo viên giảng dạy môn Công nghệ, qua đọc bản mẫu SGK tôi thấy nội dung sách phong phú, hình ảnh minh họa sinh động, cập nhật nhiều kiến thức mới đòi hỏi giáo viên phải thật sự chủ động tìm hiểu, học tập trau dồi kiến thức chuyên môn có thể tự tin đứng lớp giảng dạy. Tuy nhiên, do đây chỉ là bản mẫu nên SGK vẫn còn một số sai sót về kỹ thuật đánh máy, trình bày…”, thầy Thiên chia sẻ và bày tỏ mong muốn: Các nhà xuất bản sớm công bố rộng rãi bản chính thức SGK sau khi góp ý; đồng thời, tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về SGK để giúp giáo viên hiểu rõ hơn về nội dung, các yêu cầu tối thiểu phải trang bị để thực hiện tốt chương trình. Cùng với đó, tổ chức các buổi dạy minh họa với nội dung chương trình SGK mới.
Không phải là giáo viên cốt cán được phân công góp ý bản mẫu SGK trong đợt 1, nhưng cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) trong tâm thế chủ động để có thể tiếp cận sớm nhất với bản mẫu SGK Ngữ văn 7; từ đó tự tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị cho các nội dung thảo luận, tập huấn cùng tổ chuyên môn trong thời gian tới. Cô Thảo cho rằng: SGK lớp 7 nội dung phong phú, nhiều yêu cầu về kỹ năng, năng lực nên tiếp cận càng sớm giáo viên càng có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình. Từ đó, giáo viên chuẩn bị được tốt nhất cho công tác giảng dạy trong năm học tiếp theo.
Tinh thần chủ động tiếp cận, nghiên cứu SGK mới cũng được ghi nhận tại Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp. Chia sẻ từ thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân, giáo viên nhà trường đã chủ động tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể và chương trình chi tiết của bộ môn mình giảng dạy, nhất là chương trình lớp 10 để chuẩn bị thực hiện trong năm học 2022 - 2023. Khi có quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 10, thầy cô đã chủ động tiếp cận qua các phương tiện thông tin. “Hiện, nhà xuất bản giới thiệu các bản sách đến giáo viên để tham khảo và đóng góp ý kiến khi được yêu cầu từ sở GD&ĐT”, thầy Trần Văn Hân cho hay.
Không chỉ là công việc của giáo viên
Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), khẳng định, việc giáo viên chủ động tìm hiểu về SGK mới rất cần thiết. Điều này giúp thầy chủ động tìm hiểu nội dung, kiến thức, nét mới trong SGK; qua đó hỗ trợ giáo viên nắm chắc, hiểu sâu về SGK mới và có các phương án lên lớp phù hợp, hiệu quả hơn. Nhà trường đã sớm phân công giáo viên có trình độ, năng lực, đảm nhiệm các bộ môn lớp 7 trong năm học 2022 - 2023; tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận, làm quen SGK lớp 7 mới qua các chương trình tập huấn, giới thiệu sách của các tác giả, nhà xuất bản; qua các bản sách mềm đã được chia sẻ…
Lãnh đạo Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cũng đã yêu cầu giáo viên nghiên cứu quy trình lựa chọn SGK theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn của sở GD&ĐT năm học trước đối với lớp 6, nghiên cứu Quyết định 92 của UBND thành phố Cần Thơ về tiêu chí lựa chọn SGK. Lãnh đạo trường đồng thời hướng dẫn quy trình lựa chọn SGK và dự thảo biểu mẫu. “Nhà trường sẽ ban hành văn bản chính thức ngay khi có hướng dẫn của sở GD&ĐT”, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, cho hay.
Việc chủ động tiếp cận, nghiên cứu bản mẫu SGK mới không phải là tự phát từ giáo viên mà đều được lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo. Theo thầy Trần Văn Hân, Trường THPT Mỹ Quý đã triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là chương trình, SGK. Trường yêu cầu tất cả giáo viên nghiên cứu chương trình và tiếp cận, tìm hiểu các SGK trong danh mục được phê duyệt; thông báo danh sách cho 26 giáo viên dự kiến được phân công giảng dạy lớp 10 năm học 2022 - 2023 để tăng tính chủ động nghiên cứu của thầy cô.