Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn địa phương

GD&TĐ - Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 7 và 10 có nhiều thay đổi trong cơ cấu môn học so với chương trình hiện hành.

Các trường THPT sẽ có nhiều thay đổi khi thay SGK lớp 10 và triển khai giai đoạn giáo dục hướng nghiệp.
Các trường THPT sẽ có nhiều thay đổi khi thay SGK lớp 10 và triển khai giai đoạn giáo dục hướng nghiệp.

Các trường học tại Nghệ An đang nghiên cứu, góp ý kiến về việc lựa chọn SGK, với sự cân nhắc, tính toán đến điều kiện triển khai dạy học trên thực tế.

Chú trọng tính khả thi trong thực tế dạy học

Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh thuộc vùng cao khó khăn của huyện Tương Dương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như điều kiện của học sinh còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Năm học này, nhà trường đã kêu gọi tài trợ để hỗ trợ toàn bộ sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 6.

Thầy Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Học sinh của trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Giá thành một bộ SGK mới tương đối cao so với với thu nhập của phụ huynh, chưa kể một số gia đình có 2 con cùng học chương trình mới. Vì vậy, nhà trường huy động từ nhiều nguồn giúp đỡ để đảm bảo không em nào thiếu SGK.

So với năm trước, bộ SGK lớp 7 có sự thay đổi ở một số môn như Tiếng Anh, Công nghệ. Khi lựa chọn, ngoài chú ý đến hàm lượng, nội dung kiến thức, cách trình bày còn cân nhắc đến tính khả thi trong thực tiễn dạy học của trường vùng cao. Đó là cơ sở vật chất, thiết bị, đặc điểm học sinh vùng cao… Không chỉ lựa chọn sách, nhà trường cũng giao cho giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với chương trình giáo dục của nhà trường.

Giờ học môn Khoa học xã hội lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ).
Giờ học môn Khoa học xã hội lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ).

Bố trí giáo viên phù hợp cơ cấu môn học mới

Trường THCS Nguyễn Trãi là trường trọng điểm, có chất lượng dạy học cao của huyện Tân Kỳ. Hiện, cơ sở vật chất của trường đáp ứng tương đối Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, nhà trường quan tâm nhất đến vấn đề sắp xếp, bố trí và bồi dưỡng đội ngũ. Bởi, cơ cấu môn học của chương trình mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.

Cô Lê Thị Hồng Minh là một trong 3 giáo viên của trường được giao phụ trách môn Khoa học tự nhiên (cô phụ trách chính môn Hóa học). Theo cô Minh, trước đó, học sinh lên lớp 8 mới có môn Hóa, nhưng ở chương trình mới, các em đã được làm quen từ lớp 6. Điều này khó tránh khỏi bỡ ngỡ cũng như một số kiến thức cao so với mức độ tiếp nhận của lứa tuổi. Là giáo viên lâu năm, được nhà trường đánh giá chuyên môn vững vàng, song thực tế dạy học cũng có lúng túng. Cách sắp xếp 3 giáo viên dạy 3 phần kiến thức Lý – Hóa – Sinh trong môn Khoa học tự nhiên có những bất cập, chưa hợp lý.

Cô Minh chia sẻ: “Đối với lớp 6, môn Hóa do tôi phụ trách chỉ có 28 tiết. Trong khi đó, môn Lý – Sinh lại có gần 50 tiết nên việc bố trí số tiết giữa các giáo viên có sự chênh lệch. Trong khi đó, quá trình dạy học có những tiết tích hợp kiến thức của nhiều môn, mà giáo viên chưa được đào tạo bài bản nên khó chuyển tải hết. Việc ra đề, chấm kiểm tra, vào điểm cũng mất thời gian vì cần phối hợp, thống nhất giữa 3 giáo viên”.

Vì thế khi tham gia tổ nghiên cứu, góp ý kiến lựa chọn SGK lớp 7, cô Minh mong muốn nội dung kiến thức có sự nối tiếp, khoa học, hiện đại, thiết thực. Bên cạnh đó, định hướng triển khai bài dạy chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng nhận thức, thúc đẩy học sinh học tập tích cực. Rèn luyện các kỹ năng, kích thích tư duy độc lập, sáng tạo, vận dụng kiến thức mới vào thực tiễn cuộc sống của người học.

Thầy Nguyễn Công Hà – Hiệu trưởng nhà trường - cũng nhận định: Khó khăn nhất trong công tác chuẩn bị chương trình SGK lớp 7 là vấn đề con người. Giáo viên hiện tại vốn được đào tạo sư phạm 2 môn (cao đẳng) hoặc 1 môn chuyên sâu (đại học). Việc đội ngũ chưa được đào tạo dạy tích hợp bài bản khiến phân công chuyên môn của nhà trường đối với các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội còn mang tính cơ học nhiều.

Thầy Hà mong muốn Bộ GD&ĐT có cơ chế đào tạo lại giáo viên tích hợp như học thêm văn bằng hai. Nếu nói giáo viên tự học là rất khó vì họ đã có bằng cấp đạt chuẩn. Vì vậy, để chuẩn bị lộ trình lâu dài, Bộ nên cấp kinh phí, tạo điều kiện thời gian và tổ chức cho các giáo viên đi học một cách bài bản. Còn trước mắt, nhà trường khuyến khích thầy cô tự bồi dưỡng, tìm hiểu, nâng cao năng lực bản thân đáp ứng yêu cầu cơ cấu môn học mới.

Khởi động cho lớp 10

Năm học tới, Chương trình SGK mới triển khai với bậc THPT với học sinh lớp 10. Đây cũng là thời điểm học sinh chuyển từ giáo dục cơ bản sang giáo dục hướng nghiệp. Học sinh sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng An ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, học sinh có thể chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Việc triển khai sách mới của bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Lý – Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc) - tỏ ra hứng thú bởi sách được viết chi tiết, cũng như thiết kế các hoạt động để giáo viên thuận lợi trong dạy học. Mỗi bài học đều có ứng dụng thực tế. Giáo viên các bộ môn khác cũng hào hứng và chờ đợi triển khai SGK mới.

Tuy nhiên, theo thầy Đặng Văn Kỳ - Hiệu trưởng nhà trường, chỉ còn vài tháng là bước vào năm học mới, nhà trường dự kiến khảo sát học sinh lớp 9 tại vùng tuyển sinh của trường về nguyện vọng các môn tự chọn. Có thể tình trạng có môn quá ít học sinh đăng ký, có môn lại rất nhiều, không đủ giáo viên giảng dạy. Khi nắm tình hình, nhà trường sẽ lên kế hoạch xây dựng đội ngũ phù hợp.

Mặt khác có nhiều môn năng khiếu như Nghệ thuật – Âm nhạc – Mỹ thuật trường chưa đủ giáo viên. Vì vậy, nhà trường phải tính đến phương án liên kết với các trung tâm ngoài hoặc thuê giáo viên từ các trường ĐH, CĐ.

Trường THPT chuyên Đại học Vinh có lợi thế về cơ sở vật chất, đội ngũ. Thầy Phạm Xuân Chung – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Chương trình SGK mới có những cải tiến tích cực và giúp học sinh có nhiều cơ hội được lựa chọn bộ môn mà mình yêu thích theo hướng “mở”. Mặt khác, sau giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh đã có kiến thức chung nền tảng. Sau khi lên THPT các em sẽ theo năng lực, nguyện vọng của mình mà được phân hóa để định hướng nghề nghiệp. Điều này rất có lợi cho học sinh, giúp các em chủ động chọn ngành nghề, hạn chế bị động và cảm tính như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ