Lựa chọn môn học theo mục tiêu nghề nghiệp từ lớp 10

GD&TĐ - Ngay từ khi bước vào lớp 10, học sinh cần biết lựa chọn môn học để phục vụ cho mục tiêu nghề nghiệp, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng khi bước vào đầu cấp.

Lựa chọn môn học theo mục tiêu nghề nghiệp từ lớp 10

Cần định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ đầu

Tối 13/7, hệ thống giáo dục HOCMAI tổ chức buổi livestream giải đáp thắc mắc và hướng dẫn học sinh lớp 10 lựa chọn môn học theo mục tiêu nghề nghiệp.

ThS Dương Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) cho biết nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn để học sinh đăng ký theo nguyện vọng. Đến nay các học sinh đã xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến. Vấn đề khó với học sinh khi học chương trình mới, ngay khi vào lớp 10 là phải chọn tổ hợp môn, quyết định nghề nghiệp của học sinh trong tương lai.

Học sinh cần được định hướng nghề nghiệp sớm ngay khi vào lớp 10.

Học sinh cần được định hướng nghề nghiệp sớm ngay khi vào lớp 10.

Nếu như trước đây học sinh chỉ tập trung thi vào trường, khi nhập học là phải chọn tổ hợp ngay nên có phần cập rập, do vậy phải tư vấn cho các em có những lựa chọn đúng đắn ngay từ đầu. Từ nay đến tháng 9, các con vẫn có thể thay đổi nguyện vọng nhưng chọn được ngay từ đầu thì sẽ đỡ mất thời gian để tập trung vào học.

ThS Nguyễn Thành Công, Giáo viên Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm cho biết các trường chuyên thì học sinh dễ dàng lựa chọn hơn, bởi tổ hợp lựa chọn khá ít. Cái khó trong chọn tổ hợp dành cho các trường không chuyên. Theo cấu trúc chương trình mới, học sinh có thể chọn bất kỳ môn nào trong các môn lựa chọn. Khi trẻ được đúng tổ hợp mình yêu thích thì chắc chắn sẽ học tập hăng say hơn, vui vẻ hơn. Tuy vậy trước tiên phải chọn được nhóm là mình sẽ theo khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, sau đó thì lựa chọn tiếp sẽ dễ dàng hơn, học sinh đỡ mông lung hơn. Khi học sinh vào trường, nhà trường sẽ đề xuất một số tổ hợp các môn, các tổ hợp này tương ứng với từng chuyên ngành sau này khi thi đại học.

“Việc thay đổi môn học giữa chừng là rất khó khăn, nên ngay từ đầu năm học, các em phải chốt được tổ hợp phù hợp với mình. Chọn càng sớm càng tốt. Thời gian còn lại, các em có thể nghiên cứu và tìm hiểu các môn học mới Nếu chọn đúng ngành nghề mình yêu thích thì “cả đời không phải làm việc”, ThS Dương Thị Thu Hà lưu ý.

Vì học sinh bước vào lớp 10 gần như chưa được định hướng nghề nghiệp nên giai đoạn này, rất cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô giáo đã giảng dạy các con ở lớp 9. Các giáo viên đã đồng hành sẽ có những lời khuyên tốt cho các em.

Chọn tổ hợp môn tương ứng với ngành nghề yêu thích

Trước đây, học sinh lớp 12 mới tính đến chọn ngành, thi vào trường nào, nhưng bây giờ các em phải chọn ngay từ lớp 10. ThS Nguyễn Thành Công cho biết, phụ huynh cần cùng con định hướng tương lai cho con ngay từ lớp 10. Nhiều phụ huynh chưa để ý, không có thời gian để quan tâm đến hướng nghiệp cho con mà chỉ tập trung cho con thi đỗ vào lớp 10 rồi mới tính. Dẫn đến nhiều người bối rối trong lựa chọn tổ hợp môn để hướng nghiệp trong tương lai.

ThS Dương Thị Thu Hà tư vấn, phụ huynh nên định hướng sớm cho con. Chưa cần vội quan tâm con thích ngành gì mà quan tâm đến năng lực của con trước. Nên tham khảo ý kiến thầy cô giáo, cộng với quan sát con để định hướng con chọn tổ hợp tự nhiên, xã hội hay công nghệ, nghệ thuật. Sau khi đã định hướng rõ ràng thì sẽ lựa chọn môn học dễ hơn. Khi lựa chọn phù hợp thì việc học sẽ rất đơn giản.

Cha mẹ cần đồng hành định hướng nghề nghiệp sớm cho con khi vào lớp 10.

Cha mẹ cần đồng hành định hướng nghề nghiệp sớm cho con khi vào lớp 10.

Sau khi lựa chọn tổ hợp thì các con sẽ định hướng được ngành nghề mình yêu thích. Trong suốt thời gian học phổ thông, các con có thể điều chỉnh được định hướng nghề nghiệp. Ví dụ chọn tổ hợp Toán, Lý, Hóa thì tương ứng với nó sẽ có một nhóm ngành nghề cực kỳ lớn, nên không quá lo. Nhưng tốt nhất là xác định được hướng nghề nghiệp trong tương lai. Mỗi em đều thể hiện bản thân rất rõ. Có bạn thiên về logic, con số, có bạn thì năng lực về ngôn ngữ, nghệ thuật… Từ năng lực này sẽ xác định đúng định hướng nghề nghiệp cho con.

“Năng lực, sở thích, yếu tố thị trường của ngành nghề và truyền thống gia đình là các yếu tố cần thiết để lựa chọn hướng nghiệp. Các em cân nhắc nguồn lực tài chính, truyền thống gia đình nữa. Ngoài ra phải xem xét xu hướng trong tương lai, nhóm ngành nào sẽ phát triển, ngành nào suy thoái… Thực tế có những ngày thời điểm này rất hot, nhưng trong tương lai xã hội lại không còn nhu cầu. Ngoài ra phải xem xét điều kiện xã hội xung quanh, không phải ở đâu nhóm ngành đó cũng phát triển được”, TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự tư vấn.

Ngoài ra phải theo dõi phương thức tuyển sinh của các trường đại học để biết sự thay đổi theo từng năm của các trường này. Các phương thức tuyển sinh thường có những thay đổi hàng năm, phụ huynh cần cập nhật cho con em mình để điều chỉnh phù hợp.

Theo khung chương trình mới, để tổ chức cho học sinh hoạt động thì giáo viên phải làm mẫu, do vậy lượng công việc tăng cao. Học sinh thì được làm việc và quan sát công việc, được xử lý số liệu, từ rút ra các quy luật, nên các em sẽ cảm thấy thú vị hơn… Nhiều khi con yêu thích môn học là do yêu thích cô giáo dạy môn đó, do vậy nhân tố con người trong giáo dục là vô cùng quan trọng. Thay đổi chương trình mới làm cho học sinh hứng thú học tập hơn, chú trọng vào thực hành hơn nên các em bước vào lớp 10 yên tâm về những thay đổi sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.