Cô giáo luôn thổi hồn vào những trang sử qua các câu chuyện kể, thước phim tư liệu, bài giảng sinh động gắn liền trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp thực tiễn lý thú.
Lịch sử gắn với trải nghiệm
Để gắn kết và tạo mối liên hệ mật thiết giữa những bài học lý thuyết và thực tiễn, cô Ngô Thị Lan và Bùi Thị Dung (GV Ngữ văn) đã tích hợp kiến thức liên môn Lịch sử, Ngữ văn trong học tập, trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng giang và Trung tâm lao động, xã hội Gia Minh cho học sinh khối 10, khối 11 của nhà trường.
Qua việc thăm quan, học tập, trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng giang, cô giáo đã giới thiệu cho học sinh lớp 10 về một dòng sông huyền thoại 3 lần làm nên những chiến công vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nội dung bài học lịch sử tích hợp với tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 10: “Bài phú sông Bạch Đằng”- Trương Hán Siêu, qua phần ngâm bài phú.
Bài học còn kết hợp kiến thức địa lý về vị trí chiến lược của sông Bạch Đằng. Vì thế, qua đó học sinh thấy được niềm tự hào dân tộc, càng tự hào hơn khi di tích lịch sử của quê hương được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, học sinh được trải nghiệm tại Trung tâm lao động- xã hội Gia Minh để được giáo dục về phòng chống tệ nạn xã hội, học đường; trau dồi những kĩ năng cần thiết để tự vệ, có thái độ cảm thông, giúp đỡ người khác.
Trong chương tình học tập, trải nghiệm của học sinh khối 11 tại Khu K9 và Làng văn hoá các dân tộc ở Hà Nội, cô Lan cùng đồng nghiệp xây dựng chương trình Diễn xướng dân gian, với sự hoá thân nhập vai của học sinh. Hoạt động thể hiện chủ đề xuyên suốt lịch sử văn học dân tộc- Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em.
Cô Lan chia sẻ: Phương pháp học tập, trải nghiệm tại các địa chỉ đỏ, trung tâm lao động như cô và đồng nghiệp đã làm tạo nên sự hứng thú cho học sinh. Các em có thái độ học tập tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức và hoạt động theo nhóm rất hiệu quả.
Lịch sử gắn liền với thực tiễn ngành nghề
Với vai trò là trưởng nhóm bộ môn Lịch sử của Trường THPT Kiến Thuỵ (huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng), cô Lan luôn nỗ lực đưa chất lượng bộ môn xếp ở vị trí tốp đầu trong những trường THPT của thành phố.
Cô Lan chia sẻ: Trong 5 năm liên tục, chất lượng môn Lịch sử của THPT Kiến Thuỵ đứng vị trí tốp đầu thành phố. Đầu tháng 4 vừa qua, trong cuộc thi khảo sát chất lượng của Sở GD&ĐT, chất lượng môn Lịch sử của trường đứng thứ 4/76 trường THPT và Trung tâm GDTX.
Không thể phủ định được vai trò, tầm quan trọng của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Đây là môn học cơ bản trong chương trình tổng thể, môn Lịch sử góp phần hình thành và phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi cho học sinh.
“Sứ mệnh của môn học là giúp học sinh có nhận thức một cách khoa học về quá khứ của dân tộc Việt Nam đặt trong bối cảnh và mối quan hê, liên hệ với khu vực và thế giới. Môn lịch sử có vai trò quan trọng trong giáo dục lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho các thế hệ công dân Việt Nam tương lai” - cô Lan bày tỏ.
Không những thế cô Lan cho rằng, môn Lịch sử góp phần giúp học sinh nhận thức sâu sắc, vận dụng bài học lịch sử của dân tộc Việt Nam và nhân loại phát triển tầm nhìn, củng cố giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, sự khoan dung, lòng nhân ái.
Quá trình dạỵ học môn Lịch sử, cô Lan tập trung phát triển cho học sinh kĩ năng sử học, tư duy hệ thống, tư duy phân tích, tổng hợp, phản biện.
Hơn nữa, cô Lan luôn đưa ra những định hướng nghề nghiệp phù hợp với học sinh đam mê và theo đuổi môn Lịch sử để các em có cái nhìn tổng thể, vạch định nghề nghiệp cho tương lai sau này. Theo cô Lan, các ngành như: Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ngoại giao, hoạch định chính sách, du lịch…rất phù hợp với xu thế.
13 năm công tác tại trường, cô Lan nhiều năm ôn thi học sinh giỏi, ôn thi đại học và tốt nghiệp THPT cho học sinh. “Mỗi lứa học trò ra trường, được chứng kiến sự trưởng thành của các em, tôi cảm thấy ấm lòng và thêm yêu môn Lịch sử- môn mà nhiều người vẫn sợ vì khô, khó khổ”.
Em Nguyễn Công Toàn, lớp 12A6, Trường THPT Kiến Thuỵ chia sẻ: Em yêu thích môn Lịch sử vì môn học cho em cái nhìn tổng quan về quá khứ của nhân loại, quá trình dựng và giữ nước, từ đó bồi đắp cho em niềm tự hào dân tộc, lý tưởng sống, hoài bão sống. Không chỉ học qua sách vở, mà em còn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, lịch sử nhân loại qua truyền hình, báo đài. Em chọn ban KHXH để xét tuyển vào trường đại học và rất tự tin với môn Lịch sử.
Còn em Nguyễn Thị Vân Nga, lớp 12A10 bày tỏ: Cô giáo Lan đã truyền cho em tình yêu mãnh liệt với môn Lịch sử. Em được rèn luyện bản thân qua môn học và thêm yêu quê hương, đất nước, yêu những trang sử hào hùnh của cha ông. Vì yêu Lịch sử nên em chọn cho mình cách rất hiệu quả, đó là: chăm chú nghe giảng, đọc kĩ sách giáo khoa, làm bài về nhà, tự học qua báo đài và các trang mạng uy tín. Em lựa chọn theo học ngành gắn với bộ môn Lịch sử mà em yêu thích.