Định hướng nghề nghiệp: Nhìn thẳng để biết mình đang ở đâu

GD&TĐ - Định hướng nghề nghiệp đúng đắn sẽ giúp thí sinh khoanh vùng phạm vi nghề nghiệp, từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp với bản thân.

Thí sinh có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia để lựa chọn nghề nghiệp. Ảnh minh họa: TG
Thí sinh có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia để lựa chọn nghề nghiệp. Ảnh minh họa: TG

Đây là bước đầu tiên, cũng là quan trọng nhất trên hành trình tìm kiếm, theo đuổi và chinh phục ước mơ cùng sự thành công trong tương lai.

Tư vấn phù hợp

Nhiều năm làm trong lĩnh vực giáo dục, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông, Trường ĐH Gia Định - nhận thấy: Một số em rất hứng thú, say mê với ngành học. Các em cảm thấy mình đã chọn đúng ngành học, được phát huy năng lực, sở trường của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều sinh viên băn khoăn, hoang mang, không cảm thấy vui, hứng thú với ngành nghề mình đang học.

“Nhiều sinh viên học một vài năm hoặc khi ra trường phải đi học lại ngành khác. Nguyên nhân do các em mắc phải sai lầm khi chọn nghề như: Coi nhẹ sự lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề không đúng năng lực, tính cách bản thân, đánh giá thấp ngành học, chọn ngành học theo số đông, áp đặt của gia đình, rủ rê của bạn bè…” - TS Mai Đức Toàn chia sẻ, đồng thời đúc rút kinh nghiệm: Khi có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, mỗi cá nhân sẽ phát huy khả năng của mình, tiếp cận được công việc phù hợp. Từ đó, họ dần dần có được địa vị trong xã hội cũng như sự công nhận của mọi người.

Theo TS Mai Đức Toàn, khi định hướng nghề nghiệp được tổ chức tốt, các em sẽ có lựa chọn đúng ngành nghề ngay từ đầu, giúp phát huy năng lực của mình. Sau khi học xong ra trường, các em được làm việc đúng đam mê, sở thích, có khao khát được phát triển sự nghiệp. “Chỉ có sự “lành nghề”, dù là nghề gì, sự xuất sắc trong nghề là yếu tố quyết định đưa tới thành công. Vì thế, chọn nghề có thể nói là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người” - TS Mai Đức Toàn quả quyết.

Nhấn mạnh định hướng nghề nghiệp cho học sinh phải chú trọng đến cách tư vấn sao cho phù hợp, TS Mai Đức Toàn cho rằng: Nhà trường, giáo viên cần hướng dẫn các em có kế hoạch, sự chuẩn bị kỹ lưỡng như tháng mấy nghiên cứu, tìm hiểu về ngành nghề; tháng mấy nghe ngóng thông tin truyền thông… “Tôi nghĩ hiện là thời điểm phù hợp cho thí sinh tìm hiểu về ngành nghề, sở thích, sở trường để chọn đúng ngành, đúng nghề” - TS Mai Đức Toàn nói.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Không nên “đứng núi này, trông núi nọ”

Cho rằng, rất khó để đưa ra công thức lựa chọn đúng nghề, TS Huỳnh Anh Bình – Giám Đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM - đưa ra những lời khuyên và gợi ý các bước để thí sinh tham khảo, từ đó có thể xác định đúng ngành nghề để theo học. TS Huỳnh Anh Bình viện dẫn 7 bước gồm: Xác định đúng đam mê; Đánh giá năng lực bản thân; Xem xét nhu cầu xã hội; Xem xét hoàn cảnh gia đình; Tư vấn hướng nghiệp; Tìm kiếm cơ hội phát hiện tiềm năng; Vận dụng công thức G – P – V. Ở đó, G – Gifts tức là tài năng; P – Passion là đam mê; V – Values là giá trị bản thân.

“Ba từ khóa nêu trên dành cho mỗi người cũng như là kim chỉ nam để học sinh nhận ra được đam mê của mình. Bản thân có tài năng gì và xác định được giá trị, từ đó có thể tìm ra sự yêu thích với ngành nghề nào, hay đơn giản thích gì? Ngoài ra, các em có thể tham gia bài trắc nghiệm, bài test MBTI để thấu hiểu thêm bản thân, sở trường, tính cách của mình để có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp” - TS Huỳnh Anh Bình trao đổi.

TS Cao Xuân Liễu – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục – khuyến nghị: Thí sinh nên bám vào thời cuộc, chú ý nghe tư vấn của các chuyên gia. Đây là vấn đề liên quan đến tương lai, vì thế các sĩ tử nên dành thời gian tập trung suy nghĩ một vài ngày để quyết định chính xác. Cũng không nên “đứng núi này, trông núi nọ”. Thực tế, có những ngành nghề bây giờ thấy nhàm chán nhưng trong tương lai có thể là ngành hot. Vì vậy, hãy học và làm việc bằng đam mê. Khi đó, người học sẽ có kết quả học tập tốt và cơ hội việc làm sẽ rộng mở. Hãy chọn nghề bằng trái tim và tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Tuy nhiên, người quyết định cuối cùng vẫn là các em.

Đăng ký lựa chọn ngành học, trường học, trước hết thí sinh nên dựa vào tính cách, sở thích của cá nhân và xu thế của thị trường lao động. Chia sẻ quan điểm này, ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội - nhấn mạnh: Khi được làm công việc yêu thích, phù hợp với tính cách, các em sẽ có đam mê, chịu khó tìm hiểu, học hỏi, sáng tạo… dễ thành công và hạnh phúc trong công việc.

Vì thế, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh nên khám phá bản thân để nắm rõ năng lực, sở thích của mình, đồng thời tìm hiểu xu thế của thị trường lao động. Ngành nghề thay đổi khi xã hội thay đổi, mà bối cảnh xã hội hiện nay thay đổi rất nhanh do sự phát triển của khoa học công nghệ. “Lựa chọn ngành nghề mới chỉ là khởi điểm, các em cần trang bị và rèn luyện cho mình kỹ năng thích ứng và tự học. Có như vậy mới có thể bền vững trong nghề nghiệp” - ThS Nguyễn Thị Thu Hường trao đổi.

TS Mai Đức Toàn đưa ra lời khuyên: Khi còn là học sinh lớp 11, các em phải dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi. Sau đó lên lớp 12, căn cứ kết quả học tập và điểm số của các môn học xét tuyển để có sự lựa chọn phù hợp. Đến tháng 3, các em đặt bút làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển, khi đó đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nên sẽ tự tin hơn khi chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.