Các đồng minh không thể đạt được sự đồng thuận về Greenland hay thậm chí là về vấn đề Ukraine.
Nhưng Washington yêu cầu người châu Âu từ bỏ các chương trình xã hội để tăng cường quân đội của họ.
Vậy những gì đang xảy ra ở NATO? Bài viết của RIA Novosti sẽ cho thấy rõ hơn vấn đề này.
Hợp tác không phải với Mỹ
Các nguồn tin cho biết bầu không khí tại cuộc đàm phán kéo dài hai ngày rất căng thẳng. Họ cáo buộc người Mỹ mất hứng thú với liên minh và đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Đan Mạch. Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio cố gắng trấn an các đồng cấp của mình.
"Mỹ hiện đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết trong NATO. Sự cuồng loạn và cường điệu mà tôi thấy trên các phương tiện truyền thông nước ngoài và một số phương tiện truyền thông của Mỹ là không có căn cứ. Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng ông ủng hộ NATO; chúng tôi sẽ vẫn ở trong liên minh", ông Rubio đảm bảo.
Nhưng Washington vẫn có ý khác. "Chúng tôi muốn củng cố NATO, để khối này khả thi hơn. Cách duy nhất để làm được điều đó là mở rộng năng lực của các đối tác, các quốc gia tham gia vào liên minh quan trọng này. Chúng tôi ưu tiên quốc phòng vì vai trò của chúng tôi trên thế giới, và chúng tôi muốn các đối tác của mình cũng làm như vậy", nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Chúng ta cần chi không phải 2 mà là 5 phần trăm GDP cho quốc phòng. Một số chương trình xã hội sẽ phải bị hủy bỏ, nhưng Washington không thấy có gì sai với việc đó. Và "một cuộc chiến tranh trên bộ toàn diện ngay tại trung tâm châu Âu" sẽ nhắc nhở EU rằng "sức mạnh cứng vẫn cần thiết như một biện pháp răn đe", người đứng đầu Bộ Ngoại giao nói thêm.
Người châu Âu rất bối rối trước lập trường của ông Trump, người khẳng định rằng Nga không đe dọa NATO. Đồng thời, ví dụ, Ý và Tây Ban Nha vẫn chi chưa đến 2 phần trăm GDP cho quốc phòng, trong khi các nước vùng Baltic và Ba Lan giáp biên giới với Nga chi khoảng 3 phần trăm, Mỹ chi 3,4 phần trăm.
Ngoài ra, các nhà quan sát lưu ý rằng ông Rubio không hề nhắc đến Greenland, nơi mà Tổng thống Trump hứa sẽ sáp nhập vào Mỹ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen.
Ngoại trưởng Rubio cho biết họ đã thảo luận về "các chủ đề cùng quan tâm", bao gồm chi tiêu quốc phòng, các mối đe dọa đối với liên minh và phối hợp về vấn đề Ukraine. Và một lần nữa, không một lời nào nhắc đến Greenland.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã bình luận về các yêu sách lãnh thổ của Mỹ theo cách né tránh nhất: "Greenland là một phần của Đan Mạch. Nhưng tất nhiên, câu hỏi của bạn liên quan đến cách bảo vệ Bắc Cực và Viễn Bắc, và điều này không chỉ liên quan đến Đan Mạch hay Greenland, mà còn liên quan đến Iceland, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Canada và Mỹ".
Ông nói thêm rằng Liên minh Bắc Đại Tây Dương hiểu rằng Trung Quốc đang sử dụng các vùng biển "để mở rộng sự hiện diện" và Nga đang "tăng cường vũ trang" cho khu vực này. Để ứng phó với vấn đề này và nhiều vấn đề khác, đặc biệt là tình trạng thiếu tàu phá băng, các nước NATO đang hợp tác với "các đồng minh trung lập".
Chuẩn bị cho hậu xung đột
Ngoài ra còn có tranh luận về Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 năm 2024, tất cả đều nhất trí tuyên bố rằng Kyiv cuối cùng sẽ được chấp nhận vào khối quân sự này. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định điều này sẽ không bao giờ xảy ra.
Ông Rutte cho biết, bất kể các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ kết thúc như thế nào, người ta cũng phải chuẩn bị cho khả năng tiếp tục xung đột với Moscow bởi một cuộc xâm lược có thể xảy ra là mối đe dọa lâu dài.
Vì vậy, Ukraine cần phải được trang bị vũ khí. "Các đồng minh đã hứa sẽ tài trợ hơn 20 tỷ euro", Tổng thư ký Rutte cho biết. Bộ Tư lệnh Liên minh tại Wiesbaden tiếp tục điều phối nguồn cung cấp cho Kyiv và huấn luyện Lực lượng vũ trang Ukraine.
"Đức sẽ không bỏ mặc người dân Ukraine - những người hàng xóm châu Âu của chúng tôi. Quyết định của các đảng cầm quyền hiện tại phân bổ thêm ba tỷ euro cho hỗ trợ ngắn hạn và 8,25 tỷ euro nữa cho viện trợ quân sự cho đến năm 2029 là bằng chứng cho thấy sự đoàn kết mạnh mẽ giữa các đảng phái", Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock khẳng định.
Vào ngày 4 tháng 4, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Pháp và Anh, Thierry Burkhardt và Tony Radakin đã đến thăm Kiev. Theo như phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, để thảo luận với Zelensky về việc tăng cường tiềm lực quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine và đảm bảo an ninh mà Ukraine sẽ cần sau khi xung đột kết thúc. Điều này có thể bao gồm việc đưa vào một lực lượng gồm 30 ngàn quân.
Bù đắp thiệt hại
Ông Nikolai Toporin, Phó Giáo sư Khoa Luật Châu Âu tại MGIMO, cho biết người châu Âu đã nhận ra rằng họ hiện phải tự giải quyết các vấn đề của mình. Người Mỹ một lần nữa khẳng định rằng họ sẽ không bảo vệ châu Âu nếu không nhận được quyền lợi nào đó.
"Các cuộc đàm phán diễn ra gần như ngay lập tức sau khi ông Trump tăng thuế đối với các nước EU thêm 20%. Đây là một đòn giáng kinh tế nghiêm trọng đối với châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Trong những điều kiện như vậy, rất khó để đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Ngoài ra, người châu Âu đang nghĩ đến việc tạo ra hệ thống an ninh của riêng họ, nhưng họ cần tìm 800 tỷ euro cho hệ thống này trong bốn năm tới.
Nếu họ tăng chi tiêu quốc phòng lên 3,5% GDP, thì con số đó sẽ đủ cho họ, nhưng Mỹ đang đòi hỏi nhiều hơn. Nhìn chung, tình hình rất khó khăn", chuyên gia lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti.
EU phải đưa ra lựa chọn: tiếp tục đi theo Mỹ hoặc giành độc lập. Tuy nhiên, việc xây dựng lại sẽ không thể diễn ra nhanh chóng.
Theo tổng biên tập Fyodor Lukyanov của tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu, NATO chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay.
Châu Âu không có đủ nguồn lực để tạo ra một hệ thống phòng thủ khu vực độc lập, trong khi những gì người Mỹ đề xuất không phù hợp với bất kỳ ai. "Bạn có thể đổi bơ lấy súng, nhưng hệ thống chính trị xã hội của các nước EU hoàn toàn không chuẩn bị cho việc này", chuyên gia giải thích.
Các nhà khoa học chính trị không loại trừ khả năng rằng, nhờ những nỗ lực của ông Trump, EU sẽ bắt đầu xích lại gần Trung Quốc hơn. Về lâu dài, điều này có thể bù đắp thiệt hại mà Mỹ gây ra cho Châu Âu.