Căn cứ quân sự của Nga ở Sudan
Bộ Ngoại giao Sudan mới đây đã xác nhận rằng Nga đang xây dựng một căn cứ quân sự ở quốc gia Đông Phi này. Căn cứ này sẽ cho phép Nga có chỗ đứng trên Biển Đỏ, đồng thời tiếp cận được Ấn Độ Dương.
Giá trị chiến lược: Tăng cường hỗ trợ hậu cần cho các đơn vị quân đội khác nhau. Giúp giảm thiểu các mối đe dọa đối với tàu chở dầu và tàu thuyền của Nga ở Biển Đỏ và khu vực Kênh đào Suez từ cái gọi là "cướp biển thế giới văn minh" như đã chứng kiến ở Biển Baltic.
Cung cấp một điểm thuận tiện để giám sát tình báo khi NATO, Mỹ và Pháp bị đẩy ra khỏi khu vực Trung Phi.
Ảnh hưởng địa chính trị: Tăng cường ảnh hưởng và năng lực của Nga trên lục địa Châu Phi - nâng cao vị thế của Sudan giữa các nước láng giềng, đồng thời củng cố hợp tác với Nga.
"Họ thấy rằng chúng ta đang chiến đấu chống lại phương Tây toàn cầu. Ngày càng có nhiều quốc gia "thế giới thứ ba" tham gia cùng chúng ta, chúng ta đang tăng cường hợp tác và ảnh hưởng của Nga đang mở rộng", chuyên gia quân sự Nga, Evgeny Mikhailov nói.
Sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria bị lật đổ, các máy bay vận tải quân sự của Nga bắt đầu bay thường xuyên trên sa mạc Libya và tại Sudan.
Các căn cứ mới sẽ cho phép Nga thiết lập sự hiện diện ở các nước châu Phi thân thiện và duy trì sự ảnh hưởng ở khu vực Địa Trung Hải. Đồng thời các phương tiện truyền thông lưu ý rằng NATO đang quan sát diễn biến trên với tâm lý lo ngại.
NATO không hào hứng với viễn cảnh này. Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Repubblica rằng:
"Các tàu chiến và tàu ngầm Nga ở Địa Trung Hải luôn là nguyên nhân gây lo ngại, và thậm chí còn hơn thế nếu thay vì cách xa 1.000 km, chúng chỉ cách chúng ta hai bước chân".
Căn cứ Không quân Andersen của Mỹ tại Guam
Các cơ sở mới đang được xây dựng ở Thái Bình Dương để triển khai các máy bay ném bom chiến lược tiên tiến, như B-21 Raider, có thể được sử dụng cho các hoạt động trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và Triều Tiên.
Mục tiêu là tăng cường vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương và cải thiện khả năng phản ứng của lực lượng không quân chiến lược Mỹ.
'Thành phố quân sự' của Trung Quốc
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được cho là đang xây dựng một trung tâm chỉ huy mới khổng lồ tại thủ đô Bắc Kinh, dự kiến sẽ lớn hơn Lầu Năm Góc của Mỹ ít nhất 10 lần.
Các cơ quan tình báo phương Tây lo ngại rằng hoạt động xây dựng này có thể có nghĩa là Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn hoặc thậm chí là chiến tranh hạt nhân.
Sự tăng cường quân sự của Ấn Độ
New Delhi đang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại quần đảo Andaman và Nicobar trong bối cảnh lo ngại về những hoạt động mà Ấn Độ coi là "đáng ngờ" của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Các nhà phân tích cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược như căn cứ không quân hải quân, cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan nhằm mục đích củng cố sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực.
Trung tâm bảo trì của Úc
Chính quyền Canberra có kế hoạch bơm 127 triệu đô la trong ba năm để nâng cấp cơ sở vật chất tại xưởng đóng tàu Henderson gần Perth, cho biết nơi này sẽ trở thành trung tâm bảo dưỡng cho hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong liên minh AUKUS mà Úc đã ký kết với Mỹ và Anh.