Triển khai Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), để công tác xoá mù hiệu quả, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong đã tổ chức lớp học tại các làng cho học viên tham gia học xoá mù thuận tiện.
Tổ chức lớp "xoá mù" tại làng
Năm học 2023 – 2024, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong (Gia Lai) được phân công tham gia công tác giảng dạy xoá mù chữ cho người dân xã Đăk Rong, huyện KBang. Theo đó để công tác giảng dạy hiệu quả, khuyến khích được người dân tham gia lớp học, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương xã, các tổ chức đoàn thể và già làng, trưởng bản vận động học viên đến học.
Đồng thời, Ban giám hiệu nhà trường chủ động phân công giáo viên giảng dạy, biên soạn bài giảng là người có kinh nghiệm lâu năm; ưu tiên sắp xếp thời khoá biểu sao cho phù hợp với thời gian của người dân để học có thể tham gia đầy đủ.
Thầy Nguyễn Việt Quốc – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong (Gia Lai) cho biết: “Hiện tại, trường chúng tôi đang tổ chức giảng dạy ba lớp xoá mù chữ với tổng 90 học viên đến từ 3 làng gồm Hà Đừng 1, Hà Đừng 2, Kon Trang. Ba làng này, làng cách trung tâm xã gần nhất 10km, làng xa nhất 25km”.
Học viên lớp xoá mù chữ ở xã Đăk Rong có tuổi độ từ 20 đến 60; chủ yếu là đồng bào dân tộc số, trong đó dân tộc Ba Na chiếm đa số.
“Vì vậy, nhà trường ưu tiên thời gian học từ 6 giờ 30 tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần”, thầy Nguyễn Việt Quốc cho biết.
Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình tổ chức lớp xoá mù, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong phải đối mặt một số khó khăn như các làng cách trung tâm xã khá xa trong khi đó lớp học xoá mù chữ phải dạy vào ban đêm nên giáo viên tham gia giảng dạy rất vất vả, đặc biệt vào mùa mưa, đường đi lại khó khăn.
Người dân tham gia lớp học có nhiều học viên đang trong độ tuổi lao động chính của gia đình, có con nhỏ hoặc nhiều người đã lớn tuổi đi lại khó khăn. Đồng thời, nhóm đối tượng này dễ bị tái mù do không có môi trường giao tiếp, ứng dụng tiếng phổ thông nhiều.
Một khó khăn nữa mà Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong trăn trở chính là nhận thức về việc đi học xoá mù của người dân chưa cao do đó quá trình vận động tham gia lớp xoá mù khá khó khăn.
Các học viên ở làng Kon Trang tham gia xoá mù chữ. Ảnh NT. |
Kiểm tra công tác giảng dạy "xoá mù"
“Chế độ cho giáo viên dạy xoá mù chữ chưa cao, trong khi đó quảng đường đi lại xa, vất vả. Do đó, chúng tôi phải vận động những giáo viên ở trong địa bàn hoặc gần đó tham gia giảng dạy lớp xoá mù”, thầy Nguyễn Việt Quốc – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong chia sẻ.
Để công tác giảng dạy xoá mù chữ hiệu quả, hàng tháng Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy.
“Với đặc thù học viên là người dân tộc thiểu số, ngoài các bài giảng theo chương trình, chúng tôi cũng thiết kế các hoạt động ngoại khoá; lựa chọn các chủ đề cho học viên tìm hiểu và thuyết trình để người học được giao tiếp, thực hành tiếng phổ thông nhiều.
Song song với đó, những giáo viên tham gia giảng dạy lớp này là người biết tiếng dân tộc thiểu số để khi học viên có thể hiểu dùng tiếng dân tộc giải thích”, thầy Nguyễn Việt Quốc cho biết.
Hàng tuần, Ban giám hiệu thay nhau đến các lớp để nắm bắt tình hình học tập của cô và trò; bổ sung các cơ sở vật chất, tài liệu, đồ dùng học tập cho học viên.
Đối với những học viên nghỉ học giữa chừng, nhà trường, giáo viên đứng lớp phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà vận động học viên đi học lại. Nếu có vấn đề gì khó khăn, nhà trường sẽ tìm phương án để hỗ trợ.
Là bán trú, nhưng có 470 học sinh ở nội trú. Trong đó, bậc tiểu học 390 học sinh; THCS 213 học sinh.