Lớp học xóa mù chữ ở huyện rẻo cao Nghệ An

GD&TĐ - Nhờ sự tận tâm của các giáo viên, sau 2 tháng đi học chị em phụ nữ ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) đã biết đọc, biết viết.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. (Ảnh: NVCC)
Lớp học xóa mù chữ tại bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. (Ảnh: NVCC)

Lớp xóa mù chữ của các bà, các mẹ

Vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, cô Vừ Y Mọ, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Huồi Tụ 2 (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lại vào bản Phà Xắc để dạy chữ cho bà con. Lớp xóa mù chữ của bản có 12 học viên, toàn bộ là chị em phụ nữ đồng bào Mông.

Cô Mọ cho biết, các phụ nữ tham gia lớp học đa phần đều có gia đình, cuộc sống rất khó khăn. Trước khi mở lớp, giáo viên nhà trường và các đoàn thể địa phương phải đến từng nhà để vận động, tuyên truyền về những lợi ích của việc học chữ.

“Phụ nữ tham gia lớp xóa mù chữ đều có hoàn cảnh còn khó khăn. Các bà, các mẹ phải đi làm nương rẫy để lo kinh tế cho gia đình, một số người bận chăm con, chăm cháu nên rất khó thu xếp thời gian đi học”, cô Mọ chia sẻ thêm.

Tham gia lớp học từ những ngày đầu, chị Và Y Ồng (SN 1993, trú tại bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ) cho biết, trước đây vì cuộc sống gia đình khó khăn nên chị phải bỏ học giữa chừng, theo bố mẹ lên rừng, làm nương rẫy.

Đến nay, sau khi đã lập gia đình và có con, chị Ồng mới có điều kiện tham gia lớp học xoá mù chữ do nhà trường mở.

Học viên lớp học xóa mù chữ đa phần là phụ nữ lớn tuổi. (Ảnh: NVCC)

Học viên lớp học xóa mù chữ đa phần là phụ nữ lớn tuổi. (Ảnh: NVCC)

Ban đầu, việc làm quen với các chữ cái, đánh vần và tập viết tương đối khó. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn tận tâm của các giáo viên, chỉ sau 2 tháng chị Ồng và những phụ nữ khác trong lớp đều đã biết đọc, biết viết.

Cùng với chị Ồng, có 12 chị em phụ nữ người Mông ở bản Phà Xắc trong độ tuổi từ 30 đến 68 tham gia lớp học xóa mù chữ. Đa số những người này vì cuộc sống khó khăn nên chưa được đến trường học chữ.

Mỗi lần muốn nhắn tin điện thoại hay đọc thông tin trên sách, báo đều phải nhờ người khác nên chị em cảm thấy rất tự ti và tủi thân. Chính vì thế, khi biết có lớp học chữ được mở tại bản, chị em ai cũng háo hức và mong chờ ngày được đến lớp.

Biết chữ là cơ hội giúp người dân thoát nghèo

Còn tại bản Na Ni, xã Huồi Tụ, lớp xóa mù chữ có 20 học viên đều là phụ nữ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trước đây các bà, các mẹ không có điều kiện đến trường.

Tham gia giảng dạy lớp học này, thầy Hờ Bá Pa - giáo viên Trường PTDTBT TH Huồi Tụ 2 cho biết, khó khăn nhất trong quá trình giảng dạy là việc bàn tay những phụ nữ này rất cứng do lớn tuổi và chai sạn do lao động nhiều. Chính vì thế, các giáo viên phải hướng dẫn tỉ mỉ, cầm tay nắn nót để học viên luyện viết từng chữ cái.

Trong giảng dạy, để giúp học viên tiếp thu bài tốt, các giáo viên phải phân ra từng loại nhóm để có hướng dẫn phù hợp. Người biết nhiều thì giao bài nhiều hơn, nhóm biết tự học thì giao cho tự học, phần còn lại, giáo viên tập trung cho nhóm hạn chế hơn.

Nhờ sự nhiệt huyết, tận tình của các giáo viên và sự cố gắng của các học viên, sau 2 tháng khai giảng, đến nay nhiều chị em trong lớp xóa mù chữ đã có thể biết đọc, biết viết, có chị đã nhắn tin được bằng điện thoại.

Ban đầu học chữ còn bỡ ngỡ nhưng các bà, các mẹ vẫn cố gắng hoàn thành khóa học. (Ảnh: NVCC)

Ban đầu học chữ còn bỡ ngỡ nhưng các bà, các mẹ vẫn cố gắng hoàn thành khóa học. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Thế Vĩnh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Huồi Tụ 2 cho biết, Huồi Tụ xã miền núi khó khăn, theo thống kê vẫn còn hơn 391 người dân tộc thiểu số độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (chiếm 7,9% tổng dân số) chưa nghe nói được tiếng Việt.

Để phát triển kinh tế tại xã Huồi Tụ nói riêng, và vùng cao thuộc huyện huyện Kỳ Sơn nói chung một cách bền vững thì việc dạy tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số là rất cần thiết.

Theo thầy Vĩnh, trong những năm qua, nhà trường và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai những biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập xoá mù chữ trên địa bàn.

Thường xuyên tuyên truyền và nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích của công tác phổ cập giáo dục xoá mù chữ, về trách nhiệm phải học để biết chữ của mỗi người dân.

Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản để bà con có thể tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là cơ hội để người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.