Lớp học trường làng ở Thanh Hóa có 100% học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1

GD&TĐ - 100% học sinh trong lớp ở Thanh Hoá đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường Đại học, trong đó, nhiều em đỗ vào trường top đầu trong nước.

Toàn bộ học sinh lớp 12A4 do thầy Nam chủ nhiệm đều đỗ đại học nguyện vọng 1.
Toàn bộ học sinh lớp 12A4 do thầy Nam chủ nhiệm đều đỗ đại học nguyện vọng 1.

100% học sinh trong lớp đậu đại học

Những ngày này, thầy và trò lớp 12A4, Trường THPT Nông Cống 1 (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) đang hân hoan trong niềm hạnh phúc khi 41/41 học sinh đều đạt kết quả xuất sắc trúng tuyển đại học nguyện vọng 1.

Đặc biệt, nhiều học sinh đạt số điểm trên 27 điểm và trúng tuyển vào các trường “hot” như Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương Mại, Đại học Y Thái Bình…

Thầy giáo chủ nhiệm Lê Văn Nam chia sẻ: “Có được thành quả này là sự nỗ lực không ngừng suốt quá trình 3 năm cấp III của các em. Trong lớp đa số học sinh là con nông dân, hoàn cảnh khó khăn nên các em luôn ý thức phải cố gắng học tập”.

Thầy Nam cũng cho biết, thầy được nhận chủ nhiệm lớp A4 ngay khi các em mới vào lớp 10 nên thầy nắm rất rõ sở thích, năng lực cũng như thế mạnh của từng em. Từ đó, thầy đã tư vấn và định hướng ngành học và trường để cho các em phấn đấu và tự ý thức được việc học để cố gắng theo đuổi.

Thầy Nam luôn luôn tìm những phương pháp học mới để học trò thấy rằng học Toán không khô khan.

Thầy Nam luôn luôn tìm những phương pháp học mới để học trò thấy rằng học Toán không khô khan.

“Vào những tiết sinh hoạt, tôi thường tổ chức các cuộc thi khéo tay và có chấm điểm. Từ những chi tiết nhỏ như vậy, sẽ đánh giá được tính cách của mỗi học sinh. Những học sinh có tính cẩn thận, tôi định hướng cho các em theo ngành y, học sinh có kỹ năng, năng động tôi định hướng các em theo ngành kinh tế.

Hầu hết các em đều đi theo những định hướng mà tôi đã vạch ra. Phụ huynh cũng rất ủng hộ với những định hướng đó. Việc định hướng đúng, phù hợp cho học sinh khi chọn ngành nghề quyết định phần lớn sự thành công của các em”, thầy Nam chia sẻ.

Thầy Nam cho biết thêm, không chỉ đỗ vào các trường “hot”, nhiều học sinh trong lớp còn giành nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Như kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh vừa qua, 5 học sinh đi thi thì cả 5 em đều mang giải về, giải cao nhất là giải Nhì.

Bí quyết thành công

Có được thành tích trên không chỉ ở sự nỗ lực của học sinh mà còn là công lao thầm lặng của thầy giáo chủ nhiệm dạy Toán Lê Văn Nam.

Về chính ngôi trường mình từng là cựu học sinh để công tác, thầy Nam luôn trăn trở làm sao để không chỉ giữ vững thành tích của ngôi trường đứng đầu toàn huyện mà còn đưa chất lượng sánh với các trường top đầu của tỉnh. Chính vì thế hơn 10 năm công tác tại trường, thầy luôn tìm tòi, sáng tạo cách học hay, mới để truyền đạt cho học sinh.

Thầy Nam được đánh giá là giáo viên trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề...

Thầy Nam được đánh giá là giáo viên trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề...

Là giáo viên dạy Toán, thầy Nam cho biết, để học sinh học Toán mà không thấy bị khô khan, áp lực thì học sinh mới có thể tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất. Ngoài ra, thầy Nam không khuyến khích học sinh đi học thêm quá nhiều, quan điểm của thầy Nam là học sinh phải tự tìm tòi, sáng tạo.

“Thầy cô dạy gì viết cái nấy thì không khác gì cái máy photo. Các em phải tự học, tự tìm tòi, sáng tạo, cần phải biết phản biện chứ không chỉ răm rắp nghe theo thầy cô. Cả thầy và trò phải cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra phương án tối ưu nhất. Đôi khi, đáp án của thầy cô không phải là duy nhất, tôi vẫn dạy học trò của mình như thế”, thầy Nam chia sẻ.

Một bí quyết khiến thầy Nam luôn tạo được động lực cho các em học tập đó là thầy sẽ thưởng “nóng” cho những em có thành tích tốt trong tuần, trong tháng.

Thầy gây dựng nguồn quỹ trong lớp. Quỹ này không chỉ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà còn dành để thưởng “nóng” cho học sinh có thành tích. Việc này tạo động lực cho các em cũng như giúp các học sinh khác nhìn thấy cố gắng hơn.

Không chỉ truyền đạt cho học sinh vững vàng tri thức mà thầy còn rèn cho những học trò của mình thói quen rèn luyện sức khỏe, tập thể dục hằng ngày. Thầy Nam cho biết, cứ 5 đến 6 giờ sáng, mỗi bạn trong lớp phải nộp cho thầy 1 clip về tập thể dục, các bạn nam thì hít đất, các bạn nữ có thể nhảy dây, hoặc chạy.

Bởi theo thầy, con người cần có một cơ thể khỏe mạnh mới có thể học tốt. Nghe lời thầy, phong trào tập thể dục trong lớp không chỉ dừng lại ở “bài tập”, “nhiệm vụ” mà dần trở thành niềm đam mê của mỗi học sinh khi khởi đầu một ngày học mới.

Thầy giáo Nguyễn Văn Giáp, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 1 cho biết, nhà trường rất phấn khởi và tự hào khi lớp 12A4 do thầy Nam chủ nhiệm có 100% học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1.

“Thầy Nam là một giáo viên trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề, thầy đặc biệt quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, thầy còn tạo nên một môi trường thi đua học tập, gây quỹ khuyến học tặng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi và các bạn có thành tích học tập tốt ngay tại lớp.

Không riêng khoá học này mà những khoá học trước lớp thầy Nam chủ nhiệm luôn có tỷ lệ đậu Đại học cao lên đến hơn 90%. Ngoài ra, thầy Nam còn được giao dạy đội tuyển học sinh giỏi và năm nào học sinh của thầy cũng mang giải về cho trường”, thầy Giáp phấn khởi chia sẻ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Giáp, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 1 cho biết, Trường THPT Nông Cống 1 có bề dày truyền thống luôn đứng trong top 10, 20 của tỉnh. Năm học vừa qua, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thầy và trò nhà trường đã luôn cố gắng. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của nhà trường 100%, điểm trung bình thi tốt nghiệp năm 2022 là 6,875 xếp thứ 11 trên gần 90 trường toàn tỉnh. Đặc biệt, trường có 308 em đăng ký xét tuyển Đại học thì có 282 em đỗ nguyện vọng 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.