Cô giáo tật nguyền âm thầm gieo chữ vùng đất đỏ

GD&TĐ -  Nhiều năm qua, “cô giáo làng” Rmah H’Blao luôn âm thầm gieo chữ cho những em học sinh nghèo trong vùng. Ít ai biết rằng cuộc đời cô đã phải trải qua bao thăng trầm, nghiệt ngã.

Cô H’Blao tận tình chỉ dạy cho các em từng cách đọc cách viết
Cô H’Blao tận tình chỉ dạy cho các em từng cách đọc cách viết

Tật nguyền ngăn cản ước mơ

Vào một ngày đầu tháng 10, dưới con đường đất đỏ trải dài trên những triền đồi cà phê bát ngát, chúng tôi về làng Chao Pông (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) để thăm ngôi nhà của cô giáo khuyết tật Rmah H’Blao, người đã đứng ra mở lớp dạy chữ cho trẻ em nghèo.

Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm đến được với lớp học tình thương của cô RmahH’Blao. Ở cái tuổi 30, cô H’Blao trông chẳng khác nào học sinh cấp 2. Trên đôi chân nhỏ bé, cong vênh, cô H’Blao đứng xiêu vẹo nắn nót từng nét chữ trên tấm bảng dạy học trò.

Dưới căn nhà nhỏ chừng 40m2, hàng chục em bé chăm chú dõi theo từng nét chữ của cô giáo. Tiếp đó là tiếng ê a đánh vần của các em học sinh văng vẳng cả một góc làng. Thấy có khách đến chơi, cô H’Blao nở nụ cười hiền mời chúng tôi ngồi xuống bộ bàn ghế nhựa đã xỉn màu phía ngoài lớp học.

Bên chén nước mời khách, cô H’Blao ngược dòng kí ức kể cho chúng tôi nghe về biến cố của đời mình. Năm lên 3 tuổi, cô bé H’Blao bất ngờ đổ bệnh rồi bị cơn sốt cao. Căn bệnh mang tên bại liệt cứ kéo đến với cô bé ấy dai dẳng hết ngày này qua tháng khác mà không khỏi. Mặc dù gia đình cô đưa đi chữa trị nhiều nơi, nhưng sau một thời gian cơ thể của cô bắt đầu teo tóp dần khiến cô không thể đi lại được.

Nhìn các bạn cùng trang lứa tung tăng chạy nhảy, H’Blao cũng khao khát được bước đi trên đôi chân mình như thế. Tuy nhiên H’Blao không thể điều khiển được đôi chân mình. Thương con nên gia đình đã đưa cô đi chữa trị và động viên cô rất nhiều. Nhờ đó H’Blao như được tiếp thêm sức lực để tiếp tục tập đi. Sau một thời gian dài, cô cũng có thể tập tễnh bước đi trên chính đôi chân của mình.

Mặc dù không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa, nhưng từ nhỏ H’Blao đã nuôi ước mơ trở thành một cô giáo để dạy con chữ cho trẻ em nghèo. Đến khi lớn lên, cô thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai - chuyên ngành Công nghệ thông tin và may mắn trúng tuyển.

Kể từ ngày bước vào giảng đường, H’Blao không ngừng cố gắng để theo kịp bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, sau gần 2 năm học tập tại trường, do sức khỏe không đảm bảo lại đau yếu thường xuyên nên H’Blao đành phải bỏ học.

Buồn bã vì ước mơ trở thành cô giáo bị dang dở, H’Blao trở về nhà sống nương nhờ bố mẹ. Niềm đam mê dạy học lại trở về rạo rực trong lòng khi H’ Blao chứng kiến các em nhỏ tha thẩn chơi đùa trước sân nhà mình. Trong đầu H’Blao nảy ra suy nghĩ tập hợp các em lại và dạy học.

Cô giáo khuyết tật với lớp học tình thương

Lớp học tình thương của cô H’Blao.
Lớp học tình thương của cô H’Blao.
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về dự định của mình, H’Blao quyết định nhờ bố mẹ vay tiền để xây phòng học, mở lớp dạy chữ cho các em nhỏ. Do thương con và muốn giúp con thực hiện được mơ ước của mình nên khi nghe H’Blao trình bày, bố mẹ cô liền đồng ý ngay. Để xây phòng học cho con dạy chữ, bố mẹ H’Blao đã phải đi vay mượn bà con hàng xóm hơn 40 triệu đồng.

Khi đã có đầy đủ bàn ghế, trang thiết bị dạy học, H’Blao lại đến từng gia đình để vận động các bậc phụ huynh cho con em mình đi học. Thời gian đầu lớp học chỉ được một vài em, nhưng dần dần các em rủ nhau đi nên lớp học đã lên đến vài chục em.

H’Blao chia sẻ, để giúp các em tiếp thu được nguồn kiến thức tốt nhất cô chia các em thành 2 nhóm theo từng độ tuổi và khả năng. Lớp học của cô bắt đầu từ 7h - 10h sáng và 13h - 15h chiều và cô đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo Tiếng Việt và biết làm Toán.

Không chỉ dạy kiến thức trên lớp, tranh thủ thời gian rảnh rỗi,  H’Blao còn lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Còn những buổi cuối tuần cô thường kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp, ý nghĩa hơn. Không những thế cô còn đan xen những câu chuyện dân gian, phong tục tập quán vào các bài giảng của mình để các em không quên nguồn cuội của mình.

Thấm thoắt lớp học của cô đã duy trì được 7 năm. Trong khoảng thời gian đó, lớp học của cô giáo H’Blao đã có 50 em, đến hè lại tăng lên từ 60-70 em.

Ngoài thời gian trên lớp, tối đến cô H’Blao lại nhận tranh về nhà thêu để kiếm thêm thu nhập lo cho lớp học.

“Tôi chỉ mong rằng chút kiến thức và sức lực của mình sẽ giúp các em phần nào trong học tập. Hy vọng rằng, sau này các em sẽ có tương lai tốt đẹp, đưa buôn làng thoát khỏi cái đói, cái nghèo”, cô H’Blao tâm sự.

Về trường hợp của cô H’Blao, ông Trần Hoàng, chủ tịch UBND xã Ia Phang cho biết, hàng tháng cô H’Blao vẫn nhận được các chế độ của nhà nước giành cho người khuyết tật.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng thường xuyên biểu dương tấm lòng của cô đến với mọi người. Đồng thời, chính quyền cũng kêu gọi, huy động các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân quyên góp, giúp đỡ cho lớp học tình thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.