Cô giáo giàu lòng nhân ái nhận giải thưởng KOVA

GD&TĐ - Là một trong 3 cá nhân của ĐBSCL vinh dự nhận giải thưởng KOVA năm 2018, hạng mục Sống Đẹp, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga, 62 tuổi (ngụ số 73, đường Đinh Tiên Hoàng, phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã và đang là điểm sáng về lòng nhân ái, từ tâm, luôn vượt qua nhiều khó khăn để chăm lo cho hàng chục HS rất “đặc biệt”.

Cô Huỳnh Nga và những HS “đặc biệt” của mình
Cô Huỳnh Nga và những HS “đặc biệt” của mình

Gọi là “đặc biệt” vì toàn bộ HS ở đây đều mắc bệnh thiểu năng trí nhớ. Em lớn nhất đã 31 tuổi, nhỏ nhất là 9 tuổi. Điều “đặc biệt” tiếp theo là các em không phải đóng góp một khoản chi phí học tập nào. Ngược lại, những trường hợp HS thuộc diện gia đình khó khăn còn được cô Nga tặng tập vở, quần áo, giày dép, sữa tươi và các phần ăn miễn phí.

Cô Nga cho biết: “Năm 1999, lớp học tình thương chính thức của tôi ra đời. Thời gian đầu, tôi mượn phòng thư viện của Trường Tiểu học Chu Văn An để dạy học cho các em, đến năm 2009, khi về hưu thì lớp học cũng được chuyển về nhà tôi. Tôi luôn trăn trở trước hoàn cảnh các em HS bất hạnh do căn bệnh thiểu năng trí nhớ, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Tôi mở lớp học tình thương này bằng nguồn tiền hưu của bản thân, chỉ mong xoa dịu được phần nào sự mất mát của các em cùng gia đình”.

Điều rất thuận lợi là khi cô mang ý tưởng này để bàn luận cùng gia đình thì được sự đồng thuận rất cao, trong đó mẹ cô đã sẵn sàng cho cô mượn “mặt tiền” của căn nhà khá thoáng mát để con gái mình làm việc thiện. Nhiều đồng nghiệp, hàng xóm, người thân ban đầu không ủng hộ việc làm trên vì cho rằng sẽ tốn kém tiền bạc, sức khỏe, thời gian mà chẳng thu lại được gì.

Đặc biệt, dạy trẻ bệnh thiểu năng lại càng khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với việc dạy trẻ học bình thường. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy đã dần biến mất trước sự cần mẫn, tận tụy của một cô giáo về hưu cùng với sự tiến bộ rất khả quan của rất nhiều HS từ lớp học đặc biệt này.

Em Huỳnh Ngọc Nguyên, 11 tuổi kể trong giọng nói bập bẹ rất khó khăn nhưng đầy vẻ lạc quan: “On” rất “ương” cô. Lúc trước con không “ói” được và không biết “àm” toán, tập “ọc”, bi “ờ” biết hết”.

Bà Nguyễn Ngọc Trâm, bà nội của cháu Nguyên xúc động nói: “Mừng quá, nếu không có cô Nga giúp đỡ thì cuộc đời của cháu sẽ khổ đến dường nào. Cha mẹ nó bỏ nó từ mới lọt lòng khi thấy nó bất bình thường”.

Cô Nga cho biết thêm: Đa phần các em đều có bản tính “quậy phá”, không vâng lời người lớn. Tuy nhiên nếu biết gần gũi, động viên, quan tâm, chăm sóc chu đáo thì các em rất ngoan. Cạnh đó mỗi em đều có những cá tính riêng biệt như: Em thì trầm cảm, em thì hiếu động, em thì tính khí bất thường hay gây gổ… Từ đó mình phải nắm bắt tâm lý từng em để có cách tiếp cận hiệu quả nhất. Cạnh đó với những trường hợp đặc biệt khó khăn thì cần hết sức giúp đỡ trong điều kiện cho phép của mình.

Mỗi ngày từ 7 giờ sáng, lớp học đặc biệt này bắt đầu đón nhận trên 30 em HS “đặc biệt”. Sau những bài tập thể dục để nâng cao thể lực là các trò chơi vận động để rèn luyện trí nhớ và sự năng động của các em. Kế đến là phần học tập với các môn học như: Tập làm văn, Toán, Âm nhạc, Hội họa, GD công dân… Mới đây nhiều HS tại lớp học này đạt giải thưởng rất cao trong cuộc thi Mỹ thuật dành cho thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long nhân dịp Tết Trung thu.

Biết được việc làm nhân ái của cô giáo Nga, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến hỗ trợ dụng cụ học tập, sữa, thức ăn để chia sẻ khó khăn với cô với mong muốn các em tật nguyền trí tuệ sớm hồi phục để hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Trung Dân, Phó Chủ tịch UBND phường 8, TP Vĩnh Long cho biết: “Cô Nga là tấm gương sáng nhân ái hết lòng vì trẻ em, đặc biệt là trẻ em bất hạnh. Chúng tôi rất trân trọng và luôn lấy gương cô để giáo dục công chức, viên chức cơ quan học tập, làm theo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ