Lớp học mở cửa lúc nửa đêm

GD&TĐ - Học sinh đặc biệt của trường học đặc biệt mở cửa lúc nửa đêm ở vùng rừng núi heo hút này có nhiều em cũng chỉ mới bắt đầu được 2 - 3 tháng tuổi.

Nửa đêm bồng con đến lớp
Nửa đêm bồng con đến lớp

Khi con chim cú, con dơi trong rừng đi kiếm mồi chưa kịp về, khi con gà rừng cũng chưa kịp cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới, trong lúc mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ thì ở vùng biên giới giáp nước bạn Campuchia heo hút có những lớp học bắt đầu mở cửa đón hàng trăm học sinh từ lúc 12 giờ đêm.

Chuyện có một không hai này đã diễn ra đã nhiều năm nay tại Trường Mầm non Công ty 78 (xã Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum).    

Nửa đêm bồng con đến lớp

Mô Rai tối đến thật nhanh. Vừa ăn cơm xong chỉ mới hơn 5 giờ chiều mà ra đường đã nhìn không thấy rõ mặt người. Xung quanh nhìn chỉ thấy toàn một màu đen của rừng núi và cây cao su.

Mô Rai xưa nay vốn nổi tiếng là địa phương nóng nhất của tỉnh Kon Tum vì ảnh hưởng khí hậu nước bạn Campuchia, thế mà hơn 1 tháng trở lại đây Mô Rai lại lạnh run người, khiến con trâu nhốt trên rẫy cũng phải cóng cả chân không đứng vững.

Lâu lắm rồi mới trở lại mảnh đất anh hùng Mô Rai, nằm trằn trọc mãi, chỉ mới vừa chợp mắt một lúc thì nghe tiếng trẻ con khóc inh ỏi. Nhìn đồng hồ mới thấy chỉ gần 1 giờ sáng, hỏi ra mới biết vợ chồng người bạn dựng con dậy cho mặc thêm quần, áo ấm để đưa con đến trường.

Vợ người bạn khuyên: Anh cứ tự nhiên mà ngủ tiếp đi, vợ chồng em đưa con đến trường học rồi đi thẳng ra lô cạo mủ cao su luôn, sáng mới về… 

Không chỉ riêng gì nhà người bạn, lúc này nhiều nhà khác ở Đội 6 cũng đã đỏ đèn bồng con đến lớp, tiếng khóc của những trẻ con đến lớp giữa đêm khuya ở nơi đây nghe sao thấy xé lòng.  

Cũng như vợ chồng người bạn, vợ chồng chị Hà Thị Chín hàng xóm cũng bật đèn pin đeo trước trán và hối hả bế đứa con trai đầu lòng tên Cầm Hà Anh Vũ đến lớp học đúng 1 giờ sáng. 

Sau khi bàn giao đứa con cho các cô giáo thì đôi vợ chồng này gấp gáp chia tay mỗi người mỗi hướng, khuất sâu vào những vạt rừng cao su rậm rạp, hun hút để làm việc.

Chị Chín quê gốc Thanh Hóa, một mình vào Mô Rai lập nghiệp từ năm 2001 và được nhận vào làm công nhân của Công ty TNHH MTV 78. Tại đây chị gặp anh Cầm Bá Dần người cùng quê, cũng làm công nhân của công ty và đã thành chồng, thành vợ năm 2007.

Do công việc thu hoạch mủ cao su rất đặc thù, cả hai vợ chồng đều phải dậy và đi cạo mủ từ lúc 1 giờ sáng nên không có cách nào khác là đành phải gọi con dậy, đưa đến trường gửi các cô giáo trông giúp.

Chị Chín cho biết thêm, con trai chị tên Cầm Hà Anh Vũ khi mới chưa đầy 4 tháng tuổi đã phải gửi cho các cô trông giúp để hai vợ chồng đi cạo mủ cao su. 

Hầu hết, các hộ gia đình làm công nhân nhận khoán trồng cao su của Công ty TNHH 78 đều từ các tỉnh phía Bắc mới vào đây lập nghiệp được vài năm, vì thế tất cả đều là những cặp vợ chồng trẻ nên hầu như nhà nào cũng có con nhỏ.

Chính vì từ các tỉnh phía Bắc vào đây lập nghiệp, đường quá xa xôi nên cũng không có ông bà, người thân bên cạnh để trông giữ, coi ngó giúp bởi nhà nào trong đội cũng phải đóng cửa đi cạo mủ cao su từ lúc nửa đêm.

Nhiều lúc thấy con thơ đang nằm ngủ ngon quá, đánh thức cháu dậy thấy không đành, nhưng bên ngoài tiếng kẻng hiệu lệnh báo hiệu đã đến giờ phải dậy đi cạo mủ nên không còn cách nào khác.

Sau khi cạo mủ xong, đến khoảng hơn 7 giờ sáng mới tranh thủ ghé qua trường cho con bú rồi lại đi trút mủ, cân mủ mãi đến trưa mới quay lại, cho con bú thêm lần nữa rồi chiều mới đến đón con về. Hồi đầu mới đưa con đến lớp, đêm nào cháu cũng khóc thét đến khản cả cổ họng.

Thương con nhưng biết làm sao được. Dần dần rồi cháu cũng quen lớp, quen cô nên cũng không còn khóc nhiều như trước. Sau khi nhận bàn giao, cháu được các cô giáo dỗ dành và ru ngủ tiếp. Được cái cho các cháu học ở đây các phụ huynh hoàn toàn an tâm và cũng không phải đóng học phí…

Những lớp học mầm non lúc nửa đêm

Cũng như ở Đội 6, khi chiếc kim đồng hồ quay đến gần con số 12 giờ đêm thì tại 17 điểm trường Mầm non trên địa bàn xã Mô Rai cũng bắt đầu đỏ điện, mở cửa đón học sinh. Học sinh của các lớp học này có độ từ 2 - 3 tháng tuổi cho đến 72 tháng tuổi.

Đây là những lớp học của Trường Mầm non Công ty 78 do Công ty TNHH MTV 78 mở ra và duy trì từ năm 2008 đến nay.

Cô giáo Hà Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Công ty 78 - cho biết: Do địa bàn xã Mô Rai trải rộng, giờ giấc của công nhân cao su nơi nơi cũng có sự đặc thù riêng.

Chính vì thế các đây hơn 6 năm, Công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn 15) đã quyết định đầu tư, xây dựng trường Mầm non để giải quyết nhu cầu trông coi trẻ lúc nửa đêm tạo điều kiện cho công nhân của Công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Hiện Trường Mầm non Công ty 78 có 476 cháu là con công nhân của công ty, các điểm trường này đã duy trì hoạt động ổn định, đều đặn từ năm 2008 đến nay. 

Đặc điểm của trường ở đây là mọi hoạt động chuyên môn thì do ngành Giáo dục đảm nhận, các cô giáo phải tuân thủ dạy theo khung của Bộ GD&ĐT quy định, nhưng về quản lý con người, chi trả lương và các chế độ khác thì lại do Công ty TNHH MTV 78 chi trả 100%.

Trường Mầm non Công ty 78 hiện có 59 cán bộ, giáo viên với 48 phòng học tại 17 điểm trường trực thuộc. Điểm trường xa nhất cách điểm trường chính là 52 km.

Thời gian dạy ở mỗi điểm trường cũng có sự khác nhau, phụ thuộc vào đặc thù bố trí giờ giấc làm việc của công ty, tuy nhiên giờ giấc chênh lệch ở các điểm trường là không nhiều và tùy theo từng ngày cụ thể, hễ nghe có tiếng kẻng hiệu liệu thông báo vang lên thì tất cả các giáo viên đến lớp mở cửa đón các cháu học sinh.

Cô Lê Thị Hồng - Giáo viên điểm trường Mầm non ở đội 5 - cho biết: Đêm đêm, cứ nghe tiếng kẻng hiệu lệnh là chúng tôi phải thức dậy đến lớp ngay để đón các cháu.

Những học sinh lớn thì đã quen dần với việc thức đêm rồi đến lớp ngủ tiếp, nhưng đối với các cháu mới nhập học thì việc thức đêm khiến các cháu khóc khá lâu mới có thể ngủ tiếp được. 

Hiện điểm trường đội 5 có 49 cháu được phân thành 2 lớp, một lớp các cháu dưới 36 tháng tuổi và một lớp trên 36 - 72 tháng tuổi.

Với các cháu còn quá nhỏ, chưa biết bò thì khoảng 6 - 7 giờ sáng thì phụ huynh đến đón về, cho bú, làm vệ sinh xong rồi bồng đến lớp gửi lại, còn các cháu lớn hơn thì các cô giáo ở đây đều phải làm như một người mẹ thực thụ, đến chiều các phụ huynh mới đón các cháu về.

Cô Nguyễn Thị Tình - Giáo viên điểm trường Mầm non đội 6 - cho biết thêm: Do đặc thù của công nhân công ty nên các cô giáo và các lớp học ở đây đều hoạt động quanh năm kể cả các ngày lễ, tết, thứ Bảy, Chủ nhật, miễn có hiệu lệnh của đội, của công ty là mọi việc vẫn hoạt động bình thường.

Việc các em nhỏ nửa đêm “công tác” theo mẹ đã là một phần cuộc sống của người dân nơi biên giới Mô Rai này. Chẳng ai phải bảo ai, các cô giáo cùng nhau làm vai trò của người mẹ hiền để bù đắp phần nào những thiệt thòi của các em vì công việc đặc thù của bố mẹ.

Chia tay ngôi trường mầm non “đặc biệt” này, chúng tôi cảm nhận được vùng đất Mô Rai khó khăn, anh dũng, đầy bom đạn ngày nào giờ đang bắt đầu chuyển mình vươn lên phát triển kinh tế mà chủ lực là cây cao su.

Nhìn những phòng học mở cửa lúc nửa đêm, nhìn những cô giáo dịu dàng dỗ dành, ru các cháu ngủ, nhìn những bà mẹ, ông bố đang hối hả vào rừng cạo mủ cao su, chúng hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng không bao lâu nữa Mô Rai sẽ giàu đẹp, cái đói, cái nghèo sẽ bị đẩy lùi về quá khứ chính bằng sức trẻ của những người dân công nhân nơi đây…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ