Lớp học miễn phí của nhà sư mang hình hài đứa trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 2 lần thoát khỏi tay tử thần, sư Chau Soc Thonl đang tu hành tại chùa Tà Pạ “kẹt lại” ở hình hài đứa trẻ. 

Sư Thonl dạy chữ Khmer cho các sư vào chùa tu trả hiếu. Ảnh: TG
Sư Thonl dạy chữ Khmer cho các sư vào chùa tu trả hiếu. Ảnh: TG

Bốn năm nay ông mở lớp học tình thương dạy chữ Khmer miễn phí cho trẻ con trong vùng.

Hai lần chết đi sống lại

Sư Chau Soc Thonl tu hành tại chùa Tà Pạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang. Ngôi chùa tọa lạc tại đỉnh núi Tà Pạ có cảnh đẹp không khác gì chốn bồng lai. Dù nay đã 31 tuổi nhưng sư Thonl trông vẫn như học sinh cấp 2 với chiều cao 1m45 và chỉ nặng 28kg. Bà Néang Nhung, mẹ sư Thonl, cho biết, sư Thonl sinh ra chỉ nặng 2,7kg, ốm đau triền miên, một tháng đi viện mấy lần. Vì gia cảnh nghèo túng nên bà phải bán đất rồi vay mượn người thân để có tiền chạy chữa cho con. Từ nhỏ đến năm 18 tuổi, sư Thonl đã trải qua 2 lần chết đi sống lại như phép màu.

“Nghe cha mẹ nói rằng, lúc đó thi thể tôi được bọc trong chiếc chiếu, đội mai táng đã đào huyệt sẵn chờ chôn cất. Ông nội tôi ôm thi thể đem chôn thì phát hiện tôi tiểu ướt chiếu, gia đình lập tức mở bung chiếu ra thì thấy tôi mở mắt sống lại. Những ai chứng kiến cũng đều sửng sốt vì trước đó tôi đã tắt thở rồi”, sư Thonl kể.

Nói về biến cố cuộc đời, sư Thonl cho biết, lần đầu tiên xảy ra chuyện ly kỳ chết đi sống lại là vào năm 4 tuổi. Trong lúc đang chơi cùng bạn trong phum, ông lên cơn động kinh. Gia đình kịp thời đưa đến bệnh viện, nhưng bác sĩ bảo đưa ông về chuẩn bị hậu sự.

Kỳ tích lại tiếp tục xảy ra vào năm sư Thonl học lớp 11. Ông bị đau bụng dữ dội, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn chẩn đoán đau ruột thừa phải mổ cấp cứu gấp. Cùng lúc đó ông lên cơn động kinh, bệnh tình chuyển biến xấu nên được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa TP Long Xuyên chữa trị.

“Sau ca phẫu thuật tôi ngất đi, rồi ngưng tim. Bác sĩ tích cực hồi sức nhưng tôi vẫn không tỉnh lại nên đành bỏ cuộc và làm thủ tục để đưa về mai táng. Nhưng khi gia đình làm giấy tờ thì đột nhiên tim tôi hoạt động trở lại. Bác sĩ không hiểu tại sao, còn cha mẹ tôi vỡ òa vì sung sướng”, sư Thonl kể lại câu chuyện về lần chết hụt thứ hai của mình.

Hòa thượng Chau Sưng, trụ trì chùa Tà Pạ, cho hay, câu chuyện chết đi sống lại của sư Thonl là có thật, rất nhiều người biết tới. Lúc đó, sư Thonl đã chết và đưa vào nhà xác đợi gia đình mang xác về thì bất ngờ tỉnh lại. “Khoảng năm 20 tuổi, sư Thonl mới vào chùa tu tập cho đến hiện tại, từ đó đến nay, sư Thonl khỏe mạnh hơn, thỉnh thoảng ốm đau lặt vặt chứ không còn chết đi sống lại như 2 lần trước”.

Năm nay, sư Thonl đã 31 tuổi nhưng chỉ cao 1m45 và nặng 28kg. Ảnh: TG

Năm nay, sư Thonl đã 31 tuổi nhưng chỉ cao 1m45 và nặng 28kg. Ảnh: TG

Mở lớp miễn phí, bảo tồn văn hóa dân tộc

Bước qua cửa tử rồi “hồi sinh” thần kỳ, sư Thonl mất đi ký ức, ông không đọc được chữ và chỉ nhớ mỗi cha mẹ. 3 tháng sau trí nhớ mới dần phục hồi. “Cha mẹ ước nguyện, cầu xin trời Phật cho tôi tỉnh lại sẽ gửi tôi vào chùa tu hành. Bản thân cũng muốn xuất gia đi tu sau nhiều biến cố nên tôi đã xuất gia từ năm 20 tuổi”, sư Thonl chia sẻ.

Từ khi vào chùa tu hành, học đạo, cuộc sống của nhà sư trẻ có nhiều thay đổi. Cơ thể ông trở nên khỏe mạnh và thần sắc tươi tắn hơn, ít đau bệnh vặt và cơn động kinh cũng không còn tái phát. Nhưng, sau 2 lần chết đi sống lại cơ thể của sư Thonl phát triển rất chậm. Đến nay, dù đã 31 tuổi mà hình dáng của ông vẫn không khác gì đứa trẻ.

Trong gia đình, sư Thonl là con cả, các em đều cao lớn phát triển bình thường và có gia đình riêng. Vóc hình nhỏ khiến sư Thonl gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười. “Nhiều phật tử lầm tưởng tôi là chú tiểu vì thấy tôi nhỏ con quá, khi tôi nói số tuổi thật họ còn không tin, phải mang chứng minh nhân dân cho họ xem”, sư Thonl chia sẻ.

Hằng ngày, ngoài việc đi khất thực, đi lễ đám, sư Thonl còn dạy học cho những vị sư tu báo hiếu. Đặc biệt, 4 năm nay ông mở lớp học tình thương dạy chữ Khmer miễn phí cho trẻ con trong vùng. Đến hè tiếng trẻ con đọc bài luôn rộn ràng, văng vẳng trong sân chùa.

“Mở lớp dạy chữ Khmer là ý nguyện của sư cả, tôi thấy việc làm có ý nghĩa nên làm theo. Lúc nhỏ, tôi từng được ni sư dạy chữ, giờ thì dạy lại cho các em đồng bào”, sư Chau Soc Thonl nói.

Thầy Sok Kha Mo Ni, Hiệu trưởng của Trường THCS Ô Lâm, huyện Tri Tôn, cho biết, vào hè ngoài việc dạy chữ Khmer, các chùa Phật giáo còn giáo dục đạo đức, nhân cách sống, lòng hiếu thảo và nghi thức giao tiếp, ứng xử cho các thế hệ trẻ. Sư Thonl mặc dù còn rất trẻ nhưng đã tiếp nối giúp mọi người biết đọc, viết chữ dân tộc mình, góp phần quan trọng vào bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa của sư và nhà chùa, nhằm góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói của đồng bào dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ