'Thầy giáo' công nhân thuê phòng trọ mở lớp học miễn phí

GD&TĐ - 12 năm qua, anh Hoàng Trọng Khánh trú tại TP Thủ Đức (TPHCM) đã thuê phòng trọ mở lớp dạy miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Khánh trong một tiết dạy tiếng Anh cho các em nhỏ.
Anh Khánh trong một tiết dạy tiếng Anh cho các em nhỏ.

Bỏ tiền túi mở lớp học miễn phí

Sau khi tan làm, anh Khánh trú tại phường Phước Long B (TP Thủ Đức) lại vội vã trở về căn nhà trọ tất bật dọn dẹp để dạy kèm miễn phí cho những đứa trẻ tại khu dân cư sinh sống. Lớp học này được anh Khánh mở từ năm 2010. Suốt những năm qua, anh luôn duy trì lớp từ 5 giờ 30 phút đến 9 giờ từ tối thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Học sinh theo học tại đây là con em của người lao động trong công ty nơi anh làm việc, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư. Đến nay, đã có hơn 200 lượt học sinh tham gia học tập tại đây. Riêng hiện tại, lớp học có hơn 30 học sinh đang học THCS trên địa bàn phường Phước Long B và các địa phương lân cận. Lớp học được chia làm 2 ca và được anh dạy kèm các môn Toán, Lý, Hóa và Tiếng Anh.

Anh Khánh tâm sự: “Khi về địa bàn này sinh sống, tôi thấy đám trẻ nhỏ sống cùng bố mẹ trong những căn nhà tạm bợ chơi đùa, nhìn rất thương. Sau những cuộc trò chuyện, tôi sợ các em sẽ bỏ học vì nghèo nên đã quyết định mở lớp dạy miễn phí. Làm nghề công nhân như tôi dù có những khó khăn nhất định, nhưng nhìn xung quanh còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Đó là lí do tôi muốn dạy học để giúp các em thay đổi suy nghĩ, có ý thức học tập để có một tương lai tươi sáng”.

Những ngày mới thành lập lớp, do chỉ được học hết chương trình cấp 3 nên anh Khánh cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Để có thể soạn bài giảng và truyền đạt kiến thức cho các em chính xác nhất, anh Khánh đã đến gặp và nhờ sự hỗ trợ của nhiều thầy cô để trau dồi nghiệp vụ sư phạm cũng như kiến thức các môn học. Ngoài ra, anh còn chủ động học hỏi thêm những kiến thức trên mạng thông qua các diễn đàn dạy học, tìm ra phương pháp giảng dạy tốt nhất cho các em.

“Thời gian đầu lớp học đi vào hoạt động, với tôi việc dạy học cho các em chính là được học lại kiến thức lần nữa. Đặc biệt, trong lớp học tôi đề nghị các em không gọi mình là thầy. Bởi bản thân chỉ giúp các em dò bài, ôn lại kiến thức thôi, nên không dám nhận là thầy”, anh Khánh thổ lộ.

Kể về “người thầy” Hoàng Trọng Khánh, em Nguyễn Anh Tuấn, năm nay bước vào lớp 9 Trường THCS Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) nói: “Em theo học suốt 2 tháng hè này. Từ khi được chú Khánh dạy em được củng cố kiến thức vững hơn. Chú rất thân thiện, mỗi buổi đi học tụi em đều cảm thấy thoải mái và vui, chú dạy dễ hiểu nữa. Học ở đây ngoài được bổ sung kiến thức, chú Khánh còn hỗ trợ tập viết và bút mực trong quá trình học”.

Lớp học của anh Khánh luôn đầy ắp tiếng cười.
Lớp học của anh Khánh luôn đầy ắp tiếng cười.

“Quả ngọt” từ sự yêu thương

Thời gian qua, nhiều học sinh học tập tại lớp của anh Khánh tiến bộ rõ rệt. Vì thế, tiếng lành đồn xa, số lượng học sinh được phụ huynh đưa đến theo học tại đây cứ thế tăng dần. Trong đó nhiều em là con của đồng nghiệp trong công ty nơi anh đang làm việc. Biết đến việc làm ý nghĩa của anh Khánh, người dân, chính quyền địa phương cũng như phụ huynh cùng chung tay hỗ trợ anh có thêm kinh phí duy trì lớp học, mua sắm thêm bàn ghế, bảng, phấn… cho lớp.

Trong quá trình giảng bài, “thầy giáo” Khánh luôn pha trò, cố tìm những ví dụ thực tế dễ hiểu cho bài giảng của mình. Đặc biệt, ngoài dạy kiến thức, anh còn dành thời gian để dạy các em học sinh kỹ năng giao tiếp, cách đối nhân xử thế. Do vậy, học sinh tại đây đều rất ngoan ngoãn và lễ phép. Anh Khánh cũng tâm niệm, mỗi em đến lớp học, ngoài việc tiếp thu kiến thức thì trước hết phải vui. Vì thế mà trong mỗi giờ học, anh thường lồng ghép những câu chuyện vui vào bài học và luôn thân thiện, cởi mở với các em.

Điều mà anh Khánh hạnh phúc nhất trong suốt 12 năm giảng dạy là thấy các em dần trở nên ngoan ngoãn, biết nghe lời. Cùng với đó là nhiều em từ học lực yếu, kém sau thời gian được thầy Khánh kèm cặp đã có thành tích học tập tiến bộ rõ rệt, có em vươn lên khá, giỏi. Nhiều em còn dẫn đầu lớp, được nhà trường tuyên dương, khen thưởng.

“Cũng may mắn nhờ sự hỗ trợ, ủng hộ của phụ huynh mà lớp học luôn được duy trì đều đặn. Những năm qua hầu hết các em theo học ở lớp đều đậu vào lớp 10. Nhiều em còn thi đậu vào đại học mơ ước và giờ đã có việc làm ổn định. Thực sự việc mở lớp học này dù khá vất vả nhưng đây là tâm nguyện cả đời của bản thân nên sẽ không bao giờ dừng lại”, anh Khánh thổ lộ.

Đến nay, anh Khánh vẫn chưa lập gia đình vì theo như anh chia sẻ là “duyên số vẫn chưa đến”. Suốt thời gian qua, mọi công sức, tiền bạc, thời gian anh đều dành cho công việc và lớp học. Với anh, niềm vui của các em học sinh khi được điểm cao trong các kỳ thi cũng là niềm vui của anh. “Bản thân chưa có gia đình nên sống sao cũng được, chỉ mong mấy đứa trẻ được học tập đầy đủ, tiến bộ mỗi ngày và thành một công dân có ích cho xã hội là vui rồi”, anh Khánh vui vẻ nói.

“Cũng có lúc đi làm về mệt mỏi lại phải tiếp tục đứng lớp, nhưng nhìn thấy tụi nhỏ đang đợi, khoe với thầy niềm vui khi được cô khen tiến bộ hay tìm đến thầy để chia sẻ những nỗi buồn, tôi hạnh phúc vô cùng, chẳng tiền bạc hay vật chất nào so bì được. Tôi chỉ ước bây giờ, mình có một sức khỏe thật tốt để duy trì lớp học. Đồng thời, mong muốn các em học tập thật tốt, có công ăn việc làm ổn định. Tôi không muốn em nào phải bỏ việc học vì sự nghèo khổ, thiếu thốn”, anh Khánh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...