Mong ước có phòng học kiên cố
Hai phòng học tranh tre, nứa lá ở đây do phụ huynh đóng góp luồng, nứa, lá cọ, ngày công dựng lên vào đầu năm học. Lớp học này nằm bên triền thượng nguồn sông Mã, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa). Mùa đông, trẻ đến lớp trong giá lạnh co ro, còn mùa hè thì nóng nực, nguy cơ cháy rất cao.
Cô Lê Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân, cho biết: Điểm trường lẻ ở bản Phé là nơi chăm sóc, nuôi dạy trẻ cho cả 3 bản, gồm: Bản Mí, bản Bá và bản Phé, với tổng số 54 trẻ, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái.
“Khoảng cách từ bản Mí đến điểm trường này là 3km. Hằng ngày, phụ huynh đưa các con đến trường học và ăn, ngủ bán trú bữa trưa tại điểm trường. Trước kia, điểm trường này chưa được nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng cho 2 phòng học kiên cố, thì các con phải học tạm ở nhà văn hóa bản.
Giờ đây, mặc dù đã có 2 phòng kiên cố rồi, nhưng vẫn còn 2 lớp học phải ở nhà tranh tre, nứa lá. Mùa đông giá lạnh, gió lùa từ sông Mã lên hun hút, nên các cô giáo phải nhờ bà con trong bản che bạt xung quanh cho các con được ấm áp. Còn nơi nấu ăn cho các bé cũng chưa có điều kiện, nên phải nấu ở cạnh phòng học”, cô Dung chia sẻ.
Cô giáo chăm sóc cho trẻ ở điểm trường mầm non bản Phé (Phú Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng. |
Chị Điêu Thị Tuyết, phụ huynh của bé Hà Thảo Vy, ở bản Phé chia sẻ: Mặc dù các con đang phải học ở trong phòng học tranh tre, nứa lá và chịu nhiều thiệt thòi, nhưng bà con dân bản rất yêu quý các cô giáo, vì hằng ngày chăm sóc rất chu đáo.
“Chỉ có điều, hiện nay vẫn còn 2 phòng học chưa được kiên cố hóa, nên các cô giáo khá vất vả khi phải lo che chắn cho các con được ấm áp vào những ngày giá lạnh và chăm sóc các con vào hôm nắng nóng. Chúng tôi rất mong cấp trên hỗ trợ xây dựng 2 phòng học này cho các cô giáo cùng lũ trẻ yên tâm dạy và học”, chị Tuyết nói.
Anh Hà Văn Tấn, phụ huynh bé Hà Bảo Ngọc, nhà ở bản Mí, cho hay: Nhà anh Tấn cách điểm trường bản Phé khoảng 3km. Mỗi buổi sáng, anh Tấn hoặc vợ tranh thủ đưa con đến trường trước khi đi làm nương rẫy. “Nhiều hôm trời mưa rét, khi đưa con vào trường, nhìn thấy cô giáo và các bé lạnh co ro trong hai căn phòng tranh tre, nứa lá, chúng tôi thấy thương lắm. Thế nhưng, cuộc sống của bà con dân bản đang rất khó khăn, muốn hỗ trợ nhà trường cũng không có điều kiện. Chỉ mong sao điểm trường mầm non này được cấp trên quan tâm, xây dựng những phòng học kiên cố, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè để các cô giáo và lũ trẻ không bị ốm đau mà thôi”, anh Tấn bộc bạch.
Mong chờ sớm có điểm trường mới
Theo cô Hà Thị Dung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân, ở điểm trường bản Phé, hiện có 54 trẻ. Hằng ngày, các bé được ăn, ngủ buổi trưa tại điểm trường.
Cô giáo phải dùng 3 chiếc bàn để che gió bếp nấu ăn cho trẻ ở điểm lẻ mầm non bản Phé, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng. |
Cũng theo cô Dung, mỗi ngày, các bé ăn bán trú theo chế độ 15.000 đồng đối với trẻ mẫu giáo và 14.000 đồng đối với nhóm nhà trẻ. Kinh phí ấy được Nhà nước hỗ theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
“Theo đó, số trẻ ở điểm trường bản Phé được hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 105 của Chính phủ, là: 36 cháu. Số trẻ được được hưởng chế độ theo Nghị định 81 của Chính phủ, là 41 cháu. Hai khoản tiền này hàng năm được nhà trường nhận thành 2 kỳ và phát cho phụ huynh. Còn tiền ăn hằng ngày của trẻ, thì phụ huynh đóng góp theo ngày, tuần hoặc theo tháng tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi gia đình”, cô Dung thông tin.
Theo ghi nhận của PV báo GD&TĐ, dù cơ sở vật chất của lớp học mầm non ở bản Phé còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng 54 trẻ ở 3 bản Mý, bản Phé, bản Bá của xã Phú Xuân vẫn đến lớp đều đặn trong tuần.
Trẻ mầm non ở bản Phé tự vệ sinh cá nhân trước giờ ăn trưa. Ảnh: Thế Lượng. |
Bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết phần lớn gia đình có con đang học ở khu mầm non bản Phé đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vì bản Phé, bản Bá là bản trong vùng đặc biệt khó khăn.
“Do điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ các cháu phải đi làm ăn xa, để lại con cho ông bà nội, ngoại nuôi dưỡng, chăm sóc. Do đó, việc huy động xã hội hóa để xóa phòng học tranh tre, nứa lá ở bản Phé không thể thực hiện được”, bà Tuyết cho biết thêm.
Cũng theo bà Tuyết, do địa hình của 3 bản Mí, Bá, Phé nằm cách ly bên tả ngạn sông Mã, cuộc sống của người dân đang còn nhiều khó khăn, hơn nữa ngân sách của xã rất eo hẹp, nên không thể xây dựng điểm trường mầm non kiên cố cho 3 bản này được.
“Vừa qua, có một tổ chức tài trợ đã về khảo sát địa hình, lập dự trù kinh phí để hỗ trợ địa phương xây dựng 2 phòng học này cho các cháu. Địa phương và bà con dân bản rất mừng vì sắp tới, các cháu ở điểm trường bản Phé sẽ có phòng học kiên cố, khang trang, ấm áp trong mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Các bậc phụ huynh trong bản cũng sẽ yên tâm hơn mỗi khi cho các cháu đến trường”, bà Tuyết bày tỏ.
Cũng theo nữ Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, dù điểm trường ở bản Phé còn tạm bợ, thiếu thốn nhiều đồ dùng, trang thiết bị dạy học, nhưng đội ngũ giáo viên vẫn dạy đủ chương trình, tiết học theo quy định của ngành. Các bé được giáo viên chăm sóc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hằng ngày, nên phụ huynh cũng yên tâm đưa trẻ đến lớp đều đặn.
“Theo thông tin từ nhà tài trợ, thì trung tuần tháng Tư này, công trình 2 phòng học mầm non ở bản Phé sẽ được khởi công xây dựng. Số kinh phí mà nhà tài trợ cam kết với chính quyền địa phương và nhà trường sẽ là 400 triệu đồng. Như vậy, ước mơ về 2 phòng học kiên cố ở điểm trường mầm của bản Phé đã sắp thành hiện thực. Chính quyền địa phương và bà con dân bản, cùng cô, trò ở điểm trường này đang rất phấn chấn”, bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).