Các em là con em của đồng bào Ca Dong.
Cô trò bám cây đến lớp
Đường đến điểm lẻ Trường Mầm non Trà Ôi hiểm trở và không dành cho những người tay lái yếu. Từ trung tâm xã Trà Xinh, đi theo tuyến đường bê tông dài hơn 2 cây số đến đội 4 (thôn Trà Ôi) và thêm chừng hơn 5 cây số đường mòn cắt xuyên rừng mới đến được điểm trường này.
Quãng đường tưởng chừng không quá xa ấy bỗng chốc tăng độ khó lên khi càng lúc càng gập ghềnh, bề rộng mặt đường ngày càng hẹp lại. Những con dốc dựng đứng và chênh vênh với những rãnh nước chạy ngang dọc còn lại sau trận mưa rừng mấy hôm trước. Mùa khô đã khó đi, vào mùa mưa thì lại càng gian nan. Những hôm mưa to, đường đất phút chốc biến thành “cầu trượt” khiến đường đến lớp của cô, trò nhọc nhằn, nhiều hiểm nguy.
Tại điểm trường Trà Ôi có 2 cô giáo phụ trách, cô Hồ Thị Tâm và cô Võ Thị Thu Huệ (37 tuổi) với hơn 9 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đại ngàn.
“Chỉ một trận mưa là đường đất trở nên trơn trượt, lấm lem, xe máy không thể di chuyển được, cô trò phải vịn vào những cây đót, cây lách ven đường để đến lớp. Nhiều hôm, các em đến lớp với quần áo lấm lem bùn đất, trời thì mùa Đông lạnh buốt mà từ đầu tới chân ướt sũng, nhìn thương vô cùng”, cô giáo Hồ Thị Tâm chia sẻ.
Bữa ăn cho nhóm trẻ ở Trà Ôi còn nhiều thiếu thốn. |
Vào những hôm đầu tuần, mưa trút không ngớt, đoạn đường đến trường quá trơn nên khi xuống dốc thắng xe máy không tài nào dừng lại được. Hai chân phải rà xuống đường để xe không ngã, có khi cả người và xe đều ngã xuống bùn đất.
“Khắp người ê ẩm, chưa kịp hoàn hồn nhưng theo bản năng vẫn lủi thủi đứng lên đỡ chiếc xe máy. Nhiều khi té xong không đỡ nổi xe lên nên chỉ biết ngồi khóc giữa đường chờ có ai đi qua giúp, nhưng đường rừng chẳng mấy người qua, phần vì sợ các em đến lớp chờ lâu nên đành nén cơn đau cố gắng hết sức gượng dậy đi tiếp. Cứ thế một mình đánh vật với chiếc xe khá lâu mới về được điểm trường và rồi không ai nhận ra mình được nữa, cả người và xe đều bê bết bùn đất”, cô Huệ kể.
Theo ông Đỗ Đình Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, để giúp việc đi lại của nhân dân và cô trò ở Trà Ôi đỡ gian nan hơn, trong năm nay, huyện bố trí kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để tiếp tục đầu tư đường bê tông thêm một đoạn nữa vào gần điểm trường, khoảng tháng 5 - 6 sẽ tiến hành khởi công.
Phòng học cũng là nơi ngủ trưa của trẻ. |
Thương trò nghèo
Đồng cảm với cái khổ, cái khó của nơi rẻo cao này nên không chỉ làm tròn nhiệm vụ giáo dục mà cô Tâm, cô Huệ như người mẹ hiền chăm lo cả quần áo, miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ em đồng bào Ca Dong. Điểm lẻ này chỉ có 1 phòng học, đồng thời là nơi ăn, ngủ trưa của các em. Căn phòng nhỏ còn lại được tận dụng để nấu ăn cho các em và cũng là nơi kê giường để ở lại qua đêm của cô Tâm suốt hơn 2 năm nay.
“Vì nhà cách xa nơi dạy nên phải ở lại trường, đến cuối tuần mới về thăm chồng con. Những ngày đầu ở lại trường một mình nên bất an, nhiều đêm không ngủ được, đi về thì không nổi do đường xấu nên đành ở lại. Giờ thì đã quen hơn, tất cả cũng vì các em nên mình phải cố gắng đi, mình không đi thì lấy ai dạy cho các em”, cô Tâm nói.
Cũng chính vì đường đi cách trở nên 2 cô giáo mới phân chia nhau cô Tâm ở lại trường còn cô Huệ thì ở tại nhà tạm gần UBND Trà Xinh, để chẳng may có việc gì cần gấp thì phối hợp để đảm bảo việc chăm trẻ không bị gián đoạn.
Đoạn đường đến điểm Trường Mầm non Trà Ôi gập ghềnh, chênh vênh. |
Sự khó nhọc ở Trà Ôi vượt xa những hình dung ban đầu của các cô, nhưng vì nhiệm vụ, vì tình yêu con trẻ nơi rẻo cao đã thôi thúc các cô bám lớp, nuôi dưỡng những mầm non tương lai của vùng đất này. Các cô giáo kiêm luôn những công việc của đàn ông, mọi việc như cưa, đục, sửa chữa vật dụng gì cũng phải tự tay làm.
“Phải nói là thiếu thốn đủ thứ, nhưng sự hào hứng tới lớp của các em làm các cô cảm động. Có những hôm, mới chỉ 6 giờ trời mùa Đông tối om, cô còn đang ngủ mà phụ huynh đã đưa con đến lớp để tranh thủ đi làm. Thương nhất là lúc nhìn các em ăn trưa, ăn vội vã như đang rất đói”, cô Tâm kể.
Phòng học chật hẹp là vậy nhưng cũng chính căn phòng đó là nơi ăn ở của 36 trẻ. Như mọi khi, các cô thường bố trí bàn ăn ngoài hè nhưng vì mái hiên bằng tôn đã cũ rách, những hôm mưa dột nên các em không thể ngồi ăn, các cô đành sắp xếp cho các em ăn tại phòng học.
“Thấy cái gì cũng thiếu, nào là thiếu ăn, thiếu mặc. Tiền trợ cấp bữa ăn trưa cho các cháu 1 tháng chỉ có 160 nghìn đồng/trẻ, chia cho 22 ngày bù cho tiền gas, gạo, tiền gia vị thì vị chi mỗi ngày 36 cháu chỉ ăn 1kg thịt. Dinh dưỡng như vậy là không đảm bảo. Thậm chí các em còn không biết sữa là gì, vì các cô chưa từng thấy các em mang sữa đến lớp, những dịp có đoàn từ thiện mang sữa lên tặng, các em mừng lắm!”, cô Tâm chia sẻ.
Thôn Trà Ôi có khoảng 90 hộ, với hơn 400 nhân khẩu, đa số là hộ nghèo, cái ăn, cái mặc thiếu nên việc con trẻ thiệt thòi là điều dễ hiểu. Nhiều em đi học chân đất, trời thì lạnh mà các em mặc đồ phong phanh, cũn cỡn. “Trước Tết, xin được cho các em 10 đôi dép nhưng cũng không đủ. Quần áo thì chúng tôi cũng xin liên tục”, cô Tâm cho biết.
Bà Đinh Thị Thu Hương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng - cho biết, điều kiện chăm sóc, dạy dỗ trẻ ở Trà Ôi là vô cùng khó khăn, ngành Giáo dục huyện nhà luôn động viên và chú trọng công tác tư tưởng để các cô giáo có thể yên tâm bám lớp. Chính những cô giáo đầy tâm huyết, yêu nghề như cô Tâm, cô Huệ đã và đang thắp lên những ngọn lửa hi vọng cho thế hệ tương lai của người Ca Dong, mang ánh sáng của tri thức về với vùng rẻo cao này.