(GD&TĐ) - Ở ấp Xẻo Nhàu A, thuộc vùng rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có một lớp học đặc biệt do vợ chồng thầy giáo tuổi đã xế chiều mở ra để dạy chữ cho trẻ con trong xóm. Từ khi có lớp tình thương của họ, nhiều em đã biết đọc biết viết…
Cô Lê Ngọc Lệ cùng chồng là thầy Trần Văn Nhâm đang dạy các em học sinh tại nhà |
Cái tâm nhà giáo
Rời TP. Rạch Giá (Kiên Giang), đôi vợ chồng nhà giáo Trần Văn Nhâm và Lê Ngọc Lệ có ý nguyện trở lại nơi chôn nhau cắt rốn để làm ăn, sống thanh thản lúc về già, nên cùng nhau về xứ “khỉ ho cò gáy” Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang sinh sống. Tưởng đâu về nơi hẻo lánh, xa chốn thị thành, sẽ được sống an nhàn, vui thú điền viên, nào ngờ vùng quê nghèo khó này đã làm cho ông bà phải trở lại với nghề dạy học - nghề đã gắn bó mấy chục năm qua. Xẻo Nhàu cách trung tâm huyện hàng chục cây số, con em ở vùng này do cuộc sống nghèo khó nên việc học gặp nhiều khó khăn, có em phải bỏ học sớm, theo gia đình bám ruộng vườn.
Năm 2001, thấy những đứa trẻ vốn là con, em của học trò mình dạy ngày trước, sau khi học ở trường công đến lớp ba, lớp bốn vẫn đọc chữ không lưu loát, môn Toán, Chính tả... đều “ú ớ”, ông Nhâm, bà Lệ “ra tay” nhận chỉ dạy, bồi dưỡng cho bọn trẻ vào những dịp hè. Do đã có kỹ năng sư phạm căn bản, từng đứng lớp, nên trong thời gian ngắn, hai vợ chồng nhà giáo già đã dìu dắt bọn trẻ “dốt chữ” mau chóng biết đọc, biết viết và làm toán thành thạo.
Thấy chất lượng dạy, học dù chỉ mang tính bồi dưỡng nhưng trẻ con tiến bộ rất nhanh, bà con xứ Xẻo Nhàu và cả những ngôi làng bên cạnh bắt đầu “để mắt” đến điểm học tình thương do ông Nhâm, bà Lệ gầy dựng. Sự tín nhiệm của bà con lối xóm đối với ông bà ngày một tăng. Vì thế, số học sinh gởi đến nhà ông Nhâm, bà Lệ cũng tăng theo. Ông Nhâm tâm sự: “Lúc đó, khi rời TP. Rạch Giá về đây, vợ chồng tôi định làm vườn sinh sống, nuôi các con ăn học, chứ đâu nghĩ sẽ dạy học trở lại. Nhưng do nhu cầu học sinh cần học chữ, ‘học lại’ ngày càng lớn, cùng với sự tin yêu của bà con trong xóm, nên buộc chúng tôi phải trở lại nghề…”.
Thế là lớp học tình thương được hình thành ngay tại nhà ông bà. Ban đầu, không có chỗ cho học sinh ngồi học nên các em phải ngồi dưới nền đất. Sau này, nhờ phụ huynh hỗ trợ, mỗi người giúp một mớ cây để đóng bàn ghế, cơi nới thêm, lớp học mới được như ngày nay. Số học sinh hiện giờ đến với lớp học tình thương của ông Nhâm, bà Lệ ngày thường cũng trên một trăm em. Hè về, lượng học sinh đổ đến đây tăng vọt đến hơn hai trăm. Hiếm thấy có một điểm dạy tình thương nào được tin tưởng như vậy!
Chuyên trị bệnh “mất căn bản”
Học trò của lớp học thầy Nhâm, cô Lệ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Có em học vỡ lòng, có em học lớp 4 lớp 5. Mỗi em một hoàn cảnh, có em nhà nghèo, cha mẹ làm ăn xa nên không được đi học. Có em đi học nhưng do nhà nghèo nên thường xuyên nghỉ, bị mất căn bản, lên đến lớp 3, lớp 4 mà đọc chưa thông, tính toán chưa được. Thâu nhận những học sinh thế này, tưởng chừng ông bà lâu lắm mới giúp các em lấy lại căn bản, thậm chí có người không tin ông bà làm được. Tuy nhiên, sau khi học lớp của “thầy cô giáo già”- tên mà người dân gọi thân mật lớp học - thì con em họ đã khắc phục được tình trạng mất căn bản, biết đọc biết viết. Cảm phục vợ chồng thầy giáo già, người dân nơi đây thường nhắc đến ông bà như là người chuyên trị bệnh “mất căn bản”…
Các em đến lớp học tình thương |
Đến với lớp học tình thương này, chúng tôi mới thấy hết nỗi cơ cực, vất vả của những tấm lòng yêu mến trẻ như thầy Nhâm, cô Lệ. Phòng học cho hàng trăm học sinh chỉ là căn nhà lá nhỏ, với những cái bàn học toàn gỗ cây tạm bợ. Tuy cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ ông Nhâm đặt ra chuyện thu phí học sinh để mua sắm này nọ vì sợ mang tiếng.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều phụ huynh học sinh cho con theo học tại nhà ông Nhâm, bà Lệ không tiếc lời khen ngợi trước nghĩa cử cao đẹp này. “Hai đứa cháu tui vì phải theo cha mẹ làm ăn, gia đình đơn chiếc nên nghỉ học thường xuyên, sau khi học hết lớp hai, lớp ba mà về nhà đọc chữ còn chậm. Thấy vậy, tôi đem gửi cháu cho điểm dạy học miễn phí của thầy Nhâm, tôi đến xin thầy nhận dạy giúp hai đứa cháu. Chỉ mấy tháng thôi mà chúng nó đều biết đọc. Bây giờ chương trình tiểu học chúng đều rành rọt, tôi mừng không kể xiết. Thầy cô không lấy tiền nên khi chòm xóm có trái cà, trái ớt hay con cá, con tôm đều mang đến biếu…”- bà Huỳnh Thị Tám ở ấp Xẻo Nhàu A tâm sự.
Với cái tâm nhà giáo và lòng yêu trẻ, ở cái tuổi ngoài 60 nhưng vợ chồng nhà giáo làng Trần Văn Nhâm và Lê Ngọc Lệ vẫn miệt mài lên lớp. Tuổi cao, dạy lớp tình thương, không hề nhận khoản thù lao hay chi phí gì, nhưng ông bà vẫn vô tư vì trẻ em nơi vùng khó. Công việc hằng ngày của thầy cô vất vả hơn rất nhiều so với các giáo viên dạy ở trường công. Mỗi người đảm nhận 2 lớp, nên thầy cô phải đứng lớp cả sáng, chiều, mùa hè học sinh đông hơn, phải loay hoay cả ngày dạy học.
Giờ đây các con của ông bà đều thành đạt, có thể nuôi dưỡng, chăm sóc song thân sống an nhàn nhưng ông bà vẫn muốn sống đời thanh bạch. Điều khiến chúng tôi, cũng như những người dân ở Xẻo Nhàu A, cảm phục đôi vợ chồng nhà giáo là lòng yêu nghề và tấm lòng nhân ái. Ở Xẻo Nhàu A, sông rạch chằng chịt, bốn phía là rừng, vợ chồng ông sống bình dị với mấy ao nuôi cá nước mặn, cùng những luống rau, cây cà, hàng chuối xanh tươi… Niềm vui lớn nhất của ông bà là hằng ngày được dạy chữ cho trẻ con còn lấm lem bùn đất nơi đây.
Trước hiệu quả xóa mù chữ từ lớp học này, Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đã công nhận lớp học do thầy Nhâm cô Lệ thành lập là một điểm trường. Các em cũng học theo chương trình chung của giáo dục Tiểu học, các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ cũng được tổ chức như trường công. Học hết lớp 3, các em được chuyển sang học lớp 4 ở trường công lập. |
Hoàng Lê