"Được học" là tác phẩm được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam vào tháng 4/2019 và trở thành cuốn sách truyền cảm hứng "tận dụng mọi cơ hội để được học" ở Việt Nam.
Cuốn sách đã nhanh chóng được lệnh nối bản trong tháng 5 và tháng 6 lại tiếp tục được đề nghị in lần thứ 3, trở thành đầu sách bán chạy nhất của NXB Phụ nữ kể từ đầu năm 2019 đến thời điểm này.
Dịch giả Bích Lan chia sẻ tại tọa đàm |
"Được học" là câu chuyện của một cô gái sống ở miền núi nước Mỹ bị bố cấm đến trường. Tara Westover 17 tuổi mới được đến trường ngày đầu tiên. Nhưng khát vọng được học đã đưa cô tới một trong những giảng đường đáng mơ ước nhất của nước Anh - đại học Cambridge, và trở thành tiến sĩ sử học.
Dịch giả Bích Lan xúc động chia sẻ: “Tara, tác giả của tự truyện “Được học”, cũng lớn lên ở vùng núi sâu và xa, nhưng là vùng núi của nước Mỹ nơi sáng sáng có xe buýt chạy qua đón trẻ đến trường, nơi có điện và nước sạch, nơi mà khi anh trai cô bị tai nạn lao động, chỉ vài phút sau có trực thăng đến đưa tới bệnh viện, còn vùng núi của ta như những gì các thầy cô cắm bản kể, chưa có điện, trẻ đói cơm, và phải được ăn cơm rồi mới có thể " ăn chữ".
“Được học” còn là câu chuyện của chính Nguyễn Bích Lan - người chọn dịch tác phẩm này. Bích Lan mắc bệnh loạn dưỡng cơ và phải nghỉ học khi mới xong lớp 8. Bác sĩ tiên đoán cô không thể sống qua tuổi 18.
Nhưng cô đã không chỉ sống gấp 2 lần tuổi 18 mà còn làm được những việc người bình thường còn khó làm được: Tự học ngoại ngữ và mở lớp dạy tiếng Anh, trở thành tác giả, dịch giả của 36 cuốn sách, tác giả của 4 cuốn sách.
Các thầy cô giáo tham gia buổi tọa đàm |
Buổi giao lưu để lại nhiều xúc động đối với độc giả khi nghe chia sẻ về nghị lực vươn lên của dịch giả Bích Lan cùng những khó khăn của các thầy cô cắm bản. Đó là câu chuyện thầy giáo Hà Mạnh Dũng, Trường PTDTBTTH Nậm Vì (Điện Biên), chia sẻ về bữa ăn chỉ có cơm và muối trắng của 5 thành viên gia đình em Lùng A Đông.
Thầy đã không quản ngại khó khăn chữa trị cho đôi chân đang nhiễm trùng và tự hào khi cuối năm em đạt thành tích rất tốt. Một thành tích mà có thể, đối với miền xuôi, là một thành tích không đáng kể gì. Nhưng đối với trẻ em miền núi, là niềm tự hào, sự động viên, khích lệ đối với chính các thầy cô cắm bản nơi đây.
"Em dạy ở bản chưa có điện. Phải mua nến và dầu hỏa để thắp. Không có sóng điện thoại. Phải đi 2 km số ra chỗ có sóng để gọi điện thoại về trường hỏi xem trong tuần có họp không. Mùng 8-3 hay ngày nhà giáo không có quà như dưới xuôi đâu. Nhưng học sinh tặng những bông hoa rừng, hoa héo cũng vui lắm", cô giáo người dân tộc Thái kể.