Nhiều khó khăn trong xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Nhiều khó khăn đang gặp phải ở Thừa Thiên – Huế khi xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đến thăm 1 lớp xóa mù chữ có người dân tộc thiểu số tại thôn 2, xã Hương Hữu, huyện miền núi Nam Đông. (Ảnh: Kim Ngân)
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đến thăm 1 lớp xóa mù chữ có người dân tộc thiểu số tại thôn 2, xã Hương Hữu, huyện miền núi Nam Đông. (Ảnh: Kim Ngân)

Học viên xóa mù chữ suốt ngày ở nương rẫy

Ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thời gian qua công tác chỉ đạo, quản lý của các cấp chính quyền địa phương, của ngành giáo dục cùng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội về xóa mù chữ (XMC) cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai trên nhiều mặt và quyết liệt, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể có thể kể đến các nguyên nhân, như ý thức và tinh thần học tập XMC của người dân chưa cao; phần lớn học viên các lớp là lao động chính, công việc nặng nhọc suốt ngày ở nương rẫy, nhu cầu học tập, nhận thức chưa cao nên ảnh hưởng đến việc chuyên cần và thời gian học tập.

Bên cạnh đó, đa số học viên mù chữ đều sống rải rác ở các xã, thị trấn, số người mù chữ là những học sinh phổ thông bỏ học, không có ý thức và động cơ học tập, năng lực học yếu kém. Thực tế, người mù chữ luôn tự ti và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Thừa Thiên – Huế có 293 học viên (với 106 người dân tộc thiểu số) đang theo học các lớp XMC giai đoạn 1 năm 2022-2023, trong đó số học viên được công nhận hoàn thành chương trình là 60 người (13 người dân tộc thiểu số); 325 học viên (56 người dân tộc thiểu số) theo học lớp XMC giai đoạn 2 năm học 2022-2023, trong đó hoàn thành chương trình là 2027 người (66 người dân tộc thiểu số).

Trong tổng số 34.993 người dân tộc thiểu số ở độ tuổi 15-60 trên toàn tỉnh thì có 32.792 người đã đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (hoàn thành chương trình XMC giai đoạn 1), 29.478 người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Hiện vẫn còn 2.201 người dân tộc thiểu số chưa biết chữ.

Giáo viên vừa dạy vừa động viên

Theo ông Thắng, “Công tác huy động học viên ra lớp rất khó khăn nhưng duy trì số lượng càng khó khăn hơn. Giáo viên vừa dạy vừa động viên và phải tạo được không khí lớp học nhẹ nhàng, vui tươi, thân thiện.

Các giáo viên dạy bám lớp và báo cáo thường xuyên về Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, thị trấn khi có biến động về số lượng và tỷ lệ chuyên cần thấp. Đặc biệt giáo viên phải bố trí thời gian dạy học theo nguyện vọng của học viên đồng bào thiểu số do đặc thù họ đều là lao động chính, không có thời gian học tập".

Ngành giáo dục đã tăng cường huy động giáo viên các trường tiểu học, cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể… tham gia vận động học viên ra lớp vì đối tượng học XMC đều rất khó để vận động.

Ngoài ra, các Trung tâm học tập cộng đồng được yêu cầu thực hiện kế hoạch phối hợp với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để tổ chức điều tra, huy động và duy trì học viên XMC; tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục thực hiện các chương trình giáo dục XMC.

Học viên 2 lớp xóa mù chữ năm học 2023-2024 ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông với đa số người dân tộc thiểu số chụp ảnh ở lễ khai giảng. (Ảnh Trung tâm GDNN - GDTX Nam Đông)

Học viên 2 lớp xóa mù chữ năm học 2023-2024 ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông với đa số người dân tộc thiểu số chụp ảnh ở lễ khai giảng. (Ảnh Trung tâm GDNN - GDTX Nam Đông)

Do đặc thù nên cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành tham gia dạy chương trình XMC được tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người làm công tác XMC.

Sở GD&ĐT tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ dạy XMC căn cứ vào Chương trình XMC và tham khảo sách giáo khoa tiểu học, tài liệu hướng dẫn khác để xây dựng kế hoạch dạy học các môn học đảm bảo yêu cầu cần đạt được đối với từng giai đoạn.

Các học viên người dân tộc thiểu số khi theo học chương trình XMC được ngành giáo dục thực hiện nghiêm túc đánh giá việc học và quản lý hồ sơ đánh giá, học bạ của học viên theo đúng quy định.

Nhiều hướng tiếp cận người dân tộc thiểu số mù chữ

Để thực hiện XMC cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thừa Thiên – Huế những năm qua, hàng năm các địa phương chủ động tổ chức điều tra đến hộ gia đình, thu thập thông tin chính xác về số người mù chữ, tái mù chữ trên địa bàn, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch công tác XMC phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Các ban ngành thường xuyên tuyên truyền về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng động. Công tác tuyên truyền đã quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; và kết hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền XMC với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua ở địa phương.

Một yếu tố quyết định đến vận động bà con dân tộc thiểu số đi học là ngành bộ đội biên phòng. Ngành giáo dục đã tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác duy trì, củng cố kết quả XMC, phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới giữa Sở GD&ĐT và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Qua đó, ở các xã biên giới vùng cao huyện miền núi Nam Đông, A Lưới nhờ có sự phối hợp với bộ đội biên phòng nên công tác XMC được thực hiện tốt hơn khi các chiến sĩ bộ đội có thời gian tiếp xúc với người dân nên dễ nói chuyện, vận động, thuyết phục qua các buổi gặp gỡ, họp dân. Cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cũng trực tiếp tham gia dạy các lớp XMC ở khu vực biên giới.

Học viên lớp xóa mù chữ tại huyện miền núi Nam Đông tham gia tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Học viên lớp xóa mù chữ tại huyện miền núi Nam Đông tham gia tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Tuy nhiên về lâu dài, ngành giáo dục Thừa Thiên – Huế đề xuất Bộ GD&ĐT tạo điều kiện để giáo viên và những người làm công tác XMC được tham gia tập huấn nhiều hơn. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sớm ban hành tài liệu dạy học XMC theo chương trình mới.

Cũng theo ý kiến của lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, muốn huy động được người dân tộc thiểu số vào học XMC cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, chế độ, chính sách để động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhóm đối tượng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.