Lòng tốt không thể “chín ép”!

GD&TĐ - Cha mẹ nào cũng mong muốn con trở thành người tốt. Vì vậy, không ít bài học dành cho con về lòng tốt từ khi trẻ còn nhỏ. Thế nhưng, dạy thế nào để điều đó trở thành một cách tự nhiên chứ không phải bắt buộc kiểu chín ép?

Trẻ nên được học cách cư xử lịch thiệp với người xung quanh. Ảnh minh họa.
Trẻ nên được học cách cư xử lịch thiệp với người xung quanh. Ảnh minh họa.

Không thể học thuộc lòng tốt

Việc dạy cho trẻ về lòng tốt cần giúp trẻ hiểu ý nghĩa của việc sống tử tế. Đó không chỉ là việc tốt với bản thân trẻ mà còn đối với mọi người xung quanh. Trẻ cần hiểu mỗi hành vi tử tế sẽ diễn ra thường xuyên. Nó không giống như một bài học thuộc lòng mà được định hướng một cách chừng mực, tự nhiên.

Làm được điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng dù đang giúp con nhưng cha mẹ cũng cảm thấy rất vui, đó là việc “cho đi” và “nhận lại” khi có những hành động tốt.

Trẻ học hành vi tử tế từ chính những người xung quanh trẻ như cha mẹ, ông bà, bạn bè, hàng xóm, thầy cô giáo… mọi người mà trẻ tiếp xúc. Có thể trẻ chưa phân biệt hay hiểu được thế nào là sự tử tế nhưng qua cách được đối xử, trẻ thấy cách hành xử tử tế, học cách đối xử với mọi người. Môi trường sống sẽ giúp trẻ hình thành tính cách sau này.

TS Nguyễn Thu Hà – Chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ vị thành niên cho rằng: “Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy nói về lòng tốt và hướng con đến với những hành động tốt, câu chuyện tốt. Thay vì để con “phải”, “bắt buộc” phải làm điều đó, hãy nói cho con biết cảm giác vui sướng khi làm điều tốt như nào. Điều này kích thích trí tò mò của trẻ. Hơn nữa, lòng tốt cần được xây dựng, nuôi dưỡng và bồi đắp một cách tự nhiên như việc gieo hạt mầm rồi chăm bẵm chứ không nên gượng ép như một bài học thuộc lòng”.

TS Nguyễn Thu Hà cũng cho biết thêm, dần dần trẻ có cảm xúc khi làm việc tốt, đó mới chính là thành công. Còn nếu trẻ có hành động tốt nhưng tâm trạng khó chịu, không thoải mái hay làm cũng được, không làm cũng không sao thì cách nuôi dưỡng lòng tốt cho trẻ chưa đủ “chín”.

Muốn vậy, mỗi ngày, những người xung quanh hãy gieo vào tâm trí trẻ những suy nghĩ tốt đẹp. Lòng tốt nhiều khi không chỉ được thể hiện qua hành động giúp đỡ người khác. Đôi khi, chỉ cần thầm ước một ai đó luôn vui vẻ, mạnh khỏe cũng có nghĩa là đang có những suy nghĩ tốt đẹp. Hãy đề nghị con nghĩ đến một hoặc một vài người mà con yêu quý, muốn gửi tới họ những lời chúc, lời nói tốt đẹp nhất.

Sau đó, bạn hãy bảo con nói to những lời chúc ấy lên, ví dụ như: “Chúc bà luôn mạnh khỏe”, “Chúc ông luôn vui vẻ”… Bằng việc thực hành thường xuyên nói ra những suy nghĩ tốt đẹp như vậy, nó sẽ dần trở thành một thói quen khiến trẻ luôn nghĩ tới điều tốt.

Không chỉ là cách đối xử với mọi người, dạy trẻ về lòng tốt cũng nên để trẻ hiểu cần có những hành vi, thái độ tích cực với mọi điều trong cuộc sống, muôn loài.

Cha mẹ nên nói với con cái hãy đối xử với con người và mọi vật xung quanh một cách nhẹ nhàng, yêu thương. Hãy để trẻ trân trọng vẻ đẹp và quan tâm đến người khác và nói cho trẻ hiểu hoa, côn trùng, chim… đều cảm thấy đau đớn nếu chúng ta làm đau. 

Gieo vào trẻ những mầm tốt

Để trẻ có thể hình thành tính cách tốt đẹp là cả một quá trình bền bỉ chứ không phải là một khóa học. Theo TS Nguyễn Thu Hà, trẻ càng nhỏ càng dễ dạy. Chỉ cần trẻ đã có nhận thức và cảm xúc về mọi vật xung quanh, cha mẹ sẽ dễ dàng gieo những mầm tốt cho con. Người lớn có thể tìm mua những cuốn truyện với các chủ đề liên quan đến sự tử tế.

Hãy tới hiệu sách tham khảo các thể loại sách truyện khác nhau phù hợp lứa tuổi con. Sách, truyện là những nguồn năng lượng có thể ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ và hành vi của con trẻ.

Với những em bé còn quá nhỏ và chưa biết đọc chữ, cha mẹ có thể đọc to từng mẩu truyện cho con trước khi đi ngủ. Còn với những bé lớn hơn, hãy tạo cho con một kho truyện nhỏ chứa nhiều thể loại truyện khác nhau. Đây chính là cách để gieo mầm mỗi ngày cho con trẻ.

Trong cuộc sống, cha mẹ là người luôn ở bên cạnh con nhiều nhất nên mọi hành động, lời nói của cha mẹ sẽ được trẻ học và làm theo. Vì vậy, người lớn không chỉ nói xuông mà cần là một tấm gương tích cực từ những việc nhỏ nhất và phải hiểu được tâm tư của con. 

Không phải làm người tốt lúc nào cũng dễ, nhưng bằng mọi cách cha mẹ hãy giúp đỡ con, định hướng để con luôn tốt bụng với mọi người.

Đôi khi trong cuộc sống, nỗi buồn, sự tức giận, thất vọng và đau khổ có thể xảy đến, nhưng trên hết, cha mẹ hãy cùng con cố gắng vượt qua. Đừng để những điều đó làm con chùn bước, mất niềm tin và không bao giờ tìm lại được chính mình. Đừng tự “ép” mình phải tốt bụng mà hãy để mọi việc đến một cách tự nhiên.

Đôi lúc, không phải mọi việc đều suôn sẻ đến với mọi người. Ngay cả bản thân cha mẹ cũng vậy, cuộc sống có lúc mang lại những phức tạp và những việc không hay xảy ra. Khi bình tĩnh, cha mẹ hãy coi đó là bài học để kể lại cho con. Đây là những tình huống thực tế nhất giúp con có thêm kinh nghiệm xử lý của cha mẹ để vượt qua.

Đó chính là cách để học cách đối mặt với mọi nỗi buồn và bực bội. Khi sẵn sàng, hãy giúp con nhìn nhận vấn đề, tìm ra hướng giải quyết và xử lý chúng. Dần dần, con sẽ trưởng thành hơn để vững vàng trong cuộc sống, và lòng tốt được xây dựng từ những điều đẹp đẽ nhỏ nhặt ấy. 

Theo TS Nguyễn Thu Hà: “Việc dạy trẻ hình thành lòng tốt, làm nhiều việc tốt, cần phải rõ ràng, đừng mơ hồ chung chung. Bởi, lòng tốt cũng cần đặt đúng chỗ, tỉnh táo để tránh được lợi dụng và vấp váp không đáng có. Tin rằng, cha mẹ là người hiểu trẻ nhất, nên sẽ có những bài học phù hợp cho con để nó không chỉ hiệu quả mà còn gieo được những mầm xanh trong con trẻ”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.