Lóng Luông đi qua những ngày u ám

GD&TĐ - 5 năm sau ngày hai trùm ma túy 'khét tiếng' ở xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) bị tiêu diệt, cuộc sống của người dân nơi đây đã bình yên trở lại.

Toàn cảnh bản Tà Dê.
Toàn cảnh bản Tà Dê.

5 năm sau ngày hai trùm ma túy “khét tiếng” ở xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) bị tiêu diệt, cuộc sống của người dân nơi đây đã bình yên trở lại. Đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Người dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng bản làng giàu đẹp. Trẻ em vui đến trường...

Những ngày u ám...

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có chuyến công tác ở huyện vùng cao Vân Hồ, Sơn La. Trở lại các bản Tà Dê, Lũng Xá và Co Tang của xã Lóng Luông, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống yên bình như vốn có.

Chỉ mới 5 năm trước đây thôi, nơi này từng được mệnh danh là thánh địa ma túy. Chặng đường từ trung tâm xã vào bản Lũng Xá - Tà Dê dài hơn 4km đã được chính quyền địa phương trải nhựa và mở rộng.

Theo ông Sồng A Tồng, nguyên Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Tà Dê: Ở bản có hơn 100 hộ, đa số là người Mông. Đây là một vùng biệt lập, núi rừng trùng điệp bao quanh, cách biên giới với nước bạn Lào khoảng 15km.

Người dân nơi đây sinh sống phụ thuộc phần lớn vào làm nương, chăn nuôi và đi rừng. Trước kia chỉ có đường độc đạo vào bản, một bên vực sâu hun hút, bên kia là núi đá chông chênh, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

“Đó cũng là con đường trọng yếu để các phần tử buôn bán ma túy lợi dụng xây dựng “địa bàn”, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã đổi khác.

Giờ vào bản có hai con đường mới, một nối với Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu - Hòa Bình) xa hàng chục cây số. Một đường vào nữa thì phải đi vòng xuống dưới bản Lũng Xá rồi ngược lên Tà Dê”, ông Sồng A Tồng giơ tay chỉ dẫn.

Theo lời kể của ông Tồng, những năm 1990 trở về trước, người dân ở đây trồng nhiều cây thuốc phiện. Hai bên đường Quốc lộ 6 chạy qua xã Lóng Luông mênh mông cây thuốc phiện.

Sau năm 1993, cây thuốc phiện được triệt phá, các bản khác tái trồng, riêng bản Tà Dê không người dân nào trồng. Nhờ thế, người dân có tỷ lệ người nghiện, tội phạm buôn bán ma túy thấp nhất so với các bản khác.

Tuy nhiên, trong hai năm 2012 - 2013, bản Tà Dê trở thành “điểm nóng” về tình trạng buôn bán, tàng trữ và là nơi trung chuyển thuốc phiện của những ông trùm ma túy, đặc biệt nhất là hai đối tượng Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận. Sau khi hai đối tượng cộm cán này bị tiêu diệt thì cuộc sống của bà con đã bình yên trở lại.

Ngôi nhà của trùm ma túy ẩn náu một thời, bị triệt phá.

Ngôi nhà của trùm ma túy ẩn náu một thời, bị triệt phá.

Bản làng yên vui…

Chúng tôi tìm gặp ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông để hiểu rõ hơn về sự “hồi sinh” của mảnh đất này. Theo ông Dê, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng cao nơi đây được nâng cao rõ rệt.

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã được quan tâm, đầu tư và phát triển. Nơi đây ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.

Đường giao thông, trường học, trạm xá được chính quyền địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng. Nhờ đó mà diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Các tệ nạn xã hội được đầy lùi. Tình hình an ninh trật tự tại địa phương được giữ vững ổn định.

Thay thế cho những quả đồi hoang vu ngày trước, giờ đây là những vườn cây ăn quả, trồng nhiều loại như: Mận, mơ, đào. Nhiều nơi được thay bằng những nương ngô xanh ngút tầm mắt. Lác đác bên các triền đồi mọc lên những ngôi nhà gỗ khang trang. Người dân nơi đây chất phác, hiếu khách, nói cười rôm rả mỗi khi có khách phương xa tới thăm.

Chị Sồng Thị Chao (40 tuổi) ở bản Tà Dê là một trong số những phụ nữ không may có chồng từng lầm lỡ, phải đi tù. Mấy mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau để trải qua những tháng ngày cơ cực nhất của cuộc đời. Bởi thế, bản thân chị và các con thấu hiểu hơn ai hết việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Chồng tôi phạm tội phải đi tù. Tôi một mình phải nuôi 5 con và 1 cháu họ. Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo. May mắn gia đình được người dân địa phương, họ hàng giúp đỡ. Nhờ sự tuyên truyền hỗ trợ của chính quyền, tôi đã tăng gia sản xuất và trồng trọt. Hiện, cuộc sống đã ổn định, không còn nghèo khó như trước nữa. Tôi luôn nhắc nhở các con không được vi phạm pháp luật; không dính dáng gì đến ma túy mà phải chăm chỉ học hành, làm ăn để có cuộc sống đầy đủ hơn”, chị Chao bộc bạch.

Ông Giàng A Dê cho biết: “Hiện nay, bản Tà Dê đã có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, trình độ dân trí của người dân được nâng lên. Bà con đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Con cháu trong bản bây giờ đều được đi học. Có nhiều cháu được vào học tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Để có được thay đổi như ngày hôm nay là do những chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo và nỗ lực của người dân địa phương”.

Theo ông Dê, xã Lóng Luông đang thực hiện nhiều mô hình kinh tế. Trong đó, tập trung chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang chuyên canh trồng chanh leo. Hiện, xã có 33ha chanh leo cho kết quả tốt.

Những năm qua, ngoài đời sống vật chất, tinh thần, tình hình phát triển kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực. Chất lượng công tác giáo dục - đào tạo trên địa bàn xã Lóng Luông cũng nhờ đó mà tăng lên.

Những ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố.

Những ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố.

Để các em không đi vào “vết xe đổ”...

Thầy giáo Lương Văn Huyến, Hiệu trưởng Trường THCS Lóng Luông chia sẻ: Lóng Luông là xã vùng 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ. Địa bàn xã rộng, gồm 9 bản với 1.380 hộ và 7.028 nhân khẩu. Nơi đây có 4 dân tộc sinh sống: Mông, Dao, Thái, Kinh (người Mông chiếm đa số). Năm 2018, lực lượng chức năng triệt phá tụ điểm mua bán trái phép chất ma túy và tiêu diệt được đối tượng truy nã ở bản Lũng Xá, Tà Dê. Đến nay cơ bản tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.

Theo thầy Huyến, những gia đình có người thân sa vào tệ nạn ma túy (có bố, mẹ bị bắt hoặc đi cai nghiện) đã làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Do thiếu thốn tình cảm, một số em đã bỏ học, thậm chí cũng “lầm đường, lạc lối”, mắc các tệ nạn xã hội. Trước tình hình đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ngoại khóa.

Rất nhiều chủ đề thiết thực được các thầy cô triển khai tuyên truyền như: “Cái chết trắng”; “tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Nhiều trường đã xây dựng hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, tiểu phẩm, hoạt cảnh cho học sinh đóng nhập vai. Qua đó, giúp các em nhận thức được hậu quả của ma túy ảnh hưởng đến gia đình, làng bản, thậm chí dẫn đến cái chết là như thế nào.

“Đối với học sinh bỏ học, chúng tôi đã chỉ đạo thầy cô đến nhà động viên các em ra lớp. Do vậy, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm dần. Năm học 2022 - 2023, nhà trường có sĩ số học sinh là 582 em, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 97,8%. Còn năm học 2023 - 2024 là 595 em, tỷ lệ tuyển sinh đạt 99,4%.

Tại xã, có 4 bản nằm cách xa nhà trường, vì vậy, chúng tôi đã đề nghị cho các em hưởng chế độ bán trú, giúp các em đi lại đỡ vất vả. Ngoài ra, trong những năm học vừa qua, chúng tôi còn phát động thầy cô và học sinh ủng hộ tiền (nuôi heo đất) để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có bố, mẹ hoặc cả 2 bị giam giữ, giúp các em yên tâm học tập”, thầy Huyến cho hay.

Gia đình chị Chao đã có cuộc sống ổn định.

Gia đình chị Chao đã có cuộc sống ổn định.

Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ cho biết: “Để nâng cao nhận thức, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội, chúng tôi đã chỉ đạo các trường học xây dựng, triển khai kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Từ đó, các điểm trường học đã chủ động, tích cực tổ chức sinh hoạt thống nhất về nội dung, phương pháp tổ chức dạy học ở mỗi điểm trường, đảm bảo phù hợp với đặc thù vùng miền và đối tượng học sinh.

Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh đến trường học tập ở xã Lóng Luông luôn đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ học sinh bỏ học cơ bản được chấm dứt so với thời gian trước đây”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.