Trong dịp này, bữa cơm của mỗi hộ gia đình ở đây đều có món cá kính dâng lên tổ tiên.
Dâng cá cầu may...
Bản Suối Bon nằm chênh vênh bên sườn núi, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ với những thửa ruộng bậc thang trải dài ngút tầm mắt.
Sống bên bìa rừng, nên bản Suối Bon được bao bọc bởi rất nhiều con suối và những ngọn núi cao sừng sững, được ví như tường thành kiên cố dựng lên từ sức mạnh của các “vị thần linh”. Bà con người Dao đào ao, nuôi cá tăng gia sản xuất từ xa xưa đến nay. Đối với người dân, món cá không thể thiếu trong ngày Tết Thanh minh.
Được sự giới thiệu của trưởng Công an xã, chúng tôi tìm đến nhà cụ Bàn Thị Lún. Cụ năm nay đã ngoài 80 tuổi nên hiểu rõ về phong tục, tập quán của địa phương gắn với ngày hội bắt cá.
Cụ Lún kể: Từ xa xưa tổ tiên người Dao ở đây đã dùng món cá nướng dâng lên tổ tiên để cầu may mắn, sức khoẻ, gia đình ấm no. Vì thế, nhà nào cũng phải có món cá trong mâm lễ. Sáng sớm, cụ Lún cũng mang giỏ ra ao làng bắt cá. Cụ cố gắng chọn những con to, ngon nhất về chế biến thành nhiều món để dâng lễ tổ.
Trước đây, người Dao sinh sống ở 2 ven bờ suối Bon. Dòng suối trong mát là nguồn cung cấp nước tưới chủ yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho cả bản.
Người dân quan niệm rằng: Dòng suối do tạo hóa ban tặng. Cá ở dòng suối cũng do thiên nhiên ưu ái tặng cho người dân. Vì thế, cứ đến ngày hội bắt cá, cả bản, già, trẻ, gái, trai đều tập trung ở suối để thi tài.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn trong hội thi và thuận tiện cho du khách tham gia, thưởng ngoạn, năm nay, Hội được tổ chức tại khu đồng ruộng của bản Suối Bon. Đó là nơi có không gian rộng, thoáng và không có nhiều chướng ngại vật.
“Những con cá to bắt được trong lễ hội sẽ chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Nướng, canh măng chua, làm mọc, rán, kho… Cỗ sẽ được đặt lên bàn thờ để kính dâng tổ tiên”, cụ Lún kể.
“Việc làm này nhằm cầu xin ông bà, tổ tiên ở thế giới bên kia phù hộ cho con cháu có sức khoẻ tốt, mùa màng bội thu, làm kinh tế phát đạt. Có thể nhiều người nghĩ đây là hủ tục. Song người Dao chúng tôi chỉ làm với mục đích khích lệ đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi người trước những thử thách của cuộc sống”, cụ Lún nói thêm.
“Ngư dân” vùng cao thi tài...
Để chuẩn bị cho lễ hội diễn ra suôn sẻ thì hồ bắt cá phải lớn hoặc là ruộng lớn. Nơi bắt cá được chuẩn bị từ trước đó cả một năm. Cá giống được thả vào đó và không ai được phép đánh bắt. Nếu phát hiện, bản sẽ phạt rất nặng để làm gương. Bởi thế, người dân trong bản đều chấp hành rất nghiêm túc.
Đến trước ngày hội, thanh niên trong bản sẽ rút bớt nước ở hồ để ngập gần 1 mét. Việc chia đội cũng được thực hiện từ trước đó. Mỗi đội sẽ có từ 6 - 8 thành viên, là người trong bản. Khách du lịch cũng có thể tham gia ghép với các đội chơi.
Điều đặc biệt, ngày Hội bắt cá ở đây chỉ diễn ra trong nửa giờ, nên các đội tham gia khá khẩn trương. Khi nghe hiệu lệnh là tất cả lao mình xuống hồ nước. Vì là hồ để cả năm không đánh bắt nên các loại cá to, nhỏ đều có hết. Vì nước ngập tới ngang ngực nên việc đánh bắt gặp rất nhiều thử thách. Đây cũng là lúc cần đến “tài nghệ” của ngư dân vùng cao.
Tại khu đồng ruộng của bản Suối Bon, ao cá được tháo cạn. Từ già, trẻ, gái, trai nô nức mang lưới, vó ra bắt. Tiếng hò hét, hô hoán của người dân như xua tan vẻ tĩnh mịch cả miền sơn cước. Ai cũng mong muốn bắt được thật nhiều cá mang về.
Ông Bàn Văn Sinh, già làng uy tín của bản cho biết, hàng năm cứ đến dịp Tết Thanh minh, người dân lại nô nức tổ chức lễ hội bắt cá để cúng tổ tiên và người đã khuất.
Lễ hội được tổ chức rất quy mô, mang đến cho bà con nhiều niềm vui và sự phấn khích. Theo quan niệm, nếu ai bắt được con cá to, được nhiều thì phải giơ cá lên cao và hét thật lớn để mọi người cùng hò hét theo, rồi tán thưởng một cách hào hứng, nhiệt tình.
Đặc biệt, số cá mọi người bắt được trong ngày lễ sẽ tập trung lại và chia đều cho các hộ dân trong bản. Sau đó, người dân lấy chính những con cá bắt được để chế biến thành những món ăn dâng lên cúng tổ tiên, dòng họ.
Ngoài ra, lễ hội bắt cá còn là cơ hội để nam thanh, nữ tú đến tìm hiểu nhau. Đây cũng là dịp để người dân vui chơi, thắt chặt tình đoàn kết trong cuộc sống cộng đồng dân cư; Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Mỗi năm, ngày hội bắt cá diễn ra vui lắm. 3 ngày liền, bà con chỉ ở bản làm lễ, không ai đi đâu ra ngoài. Các cụ bảo, ở nhà, không đi xa để tránh bị sét đánh đầu mùa”, ông Bàn Văn Sinh nói.