Lồng ghép tuyên truyền phòng chống thuốc lá vào nhiều hoạt động

GD&TĐ - Ngoài tuyên truyền dưới cờ, các trường còn lồng ghép vào nhiều hoạt động giáo dục khác để học sinh hiểu được tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử.

Công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá cần được triển khai từ xa, từ sớm tới học sinh.
Công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá cần được triển khai từ xa, từ sớm tới học sinh.

Chủ động ngăn chặn từ sớm

Những năm qua, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng. Trước tình hình này, các nhà trường và địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền tới học sinh, giáo viên về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe cũng như những hệ lụy xã hội khác.

Năm học 2023-2024, Trường THCS Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) có toàn trường có tổng số 1.682 học sinh ở 40 lớp, số cán bộ giáo viên nhân viên là 84 người. Thầy Đặng Thanh Quang - Hiệu trưởng trao đổi, nhà trường luôn thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục về phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong kế hoạch nhiệm vụ năm học, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nhà trường triển khai tuyên truyền theo chuyên đề của tháng và lồng ghép tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, thuốc lá/thuốc lá điện tử trong thời gian 2 tiết.

Ở mỗi giờ học, các em học sinh đều được được giáo viên nhắc nhở về ý thức tự giác tránh xa thuốc lá.

Ở mỗi giờ học, các em học sinh đều được được giáo viên nhắc nhở về ý thức tự giác tránh xa thuốc lá.

"Thực tế trước đây trường có học sinh vào nhà vệ sinh để lén hút thuốc lá điện tử. Khi nắm bắt thông tin, nhà trường yêu cầu các ban ngành vào cuộc ngăn chặn. Chúng tôi đã mời phụ huynh đến để công khai xử lý và phối hợp với nhà trường nhằm giáo dục các em nhận ra cái sai để tránh tái phạm", thầy Quang thông tin.

Bên cạnh đó, Trường THCS Ngũ Hiệp cũng lồng ghép nội dung về phòng chống tác hại của thuốc lá vào một số môn học/hoạt động giáo dục khác nhau. Ví dụ, môn Hóa học lớp 9; phân môn Hóa - Sinh trong môn Khoa học tự nhiên ở lớp 8 giáo viên cũng đề cập tới các tác nhân gây bệnh đến từ khói thuốc lá, các hợp chất có hại tới sức khỏe con người.

Nhờ áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền nên đến nay, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử trong nhà trường đã không còn. Thay vào đó, nhà trường tạo ra nhiều hoạt động bổ ích khác để thu hút sự tham gia của học sinh như thi đấu thể thao và các phong trào thi đua khác...

Nhận thức được tác hại của thuốc lá

Trong các giờ như môn Sinh học lớp 9, cô giáo đều kết hợp phân tích cho học sinh về các tác hại của khói thuốc lá tới sức khỏe con người.

Trong các giờ như môn Sinh học lớp 9, cô giáo đều kết hợp phân tích cho học sinh về các tác hại của khói thuốc lá tới sức khỏe con người.

Dương Phương Linh - học sinh lớp 9A1 Trường THCS Ngũ Hiệp cho rằng, việc sử dụng thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử ở môi trường học đường là một thói quen xấu. Em sẽ vận động các bạn trong lớp tuyệt đối không sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức. Ở nhà nếu có người thân hút thuốc lá, em sẽ thuyết phục để từ bỏ dần thói quen hút thuốc.

Theo thầy Quang, lứa tuổi THCS có nhiều em muốn thể hiện mình là người lớn nên hay học đòi các thói quen xấu như hút thuốc. Giáo viên phải có nhiều biện pháp để răn đe, tránh để học trò bị rủ rê, lôi kéo. Đồng thời, phụ huynh phải quản lý, quán xuyến con em mình, nhất là lúc cho con tiền mua cái này cái kia. Công tác ngăn chặn cần được làm từ xa, từ sớm.

Hoạt động tuyên truyền cho học sinh về phòng chống ma túy, thuốc lá/thuốc lá điện tử tại Trường THCS Ngũ Hiệp có sự phối hợp từ lực lượng Công an huyện Thanh Trì.

Hoạt động tuyên truyền cho học sinh về phòng chống ma túy, thuốc lá/thuốc lá điện tử tại Trường THCS Ngũ Hiệp có sự phối hợp từ lực lượng Công an huyện Thanh Trì.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng.

Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 -17 tuổi hút thuốc lá năm 2019 là 2,6% đã tăng lên 3,5% vào năm 2022. Đây là một dấu hiệu đáng báo động.

Việc sử dụng thuốc lá gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh mãn tính, tỉ lệ tử vong cao, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội. Từ thực trạng trên,công tác truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá là hết sức quan trọng.

Thời gian qua, báo chí đã phát hiện ra nhiều vụ thuốc lá điện tử tẩm ma túy, kẻ xấu lợi dụng để cho giới trẻ sử dụng rất nguy hiểm. Chính phủ đã có nhiều công văn đến các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Y tế để có những biện pháp ngăn chặn, phòng chống thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, thuốc lá phi truyền thống ở Việt Nam cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến thuốc lá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ