Thuốc lá điện tử bủa vây giới trẻ, thâm nhập vào trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2021 - 2022, báo cáo nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13 - 15 tuổi là 3,5%. Ở thành phố, con số này là 8,35%.

Gia tăng học sinh, trong đó có học sinh nữ hút thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa: INT
Gia tăng học sinh, trong đó có học sinh nữ hút thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa: INT

Năm 2015, chưa ghi nhận số liệu về sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá điện tử) ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng đến năm 2021 - 2022, báo cáo nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13 - 15 tuổi là 3,5%. Ở thành phố, con số này là 8,35%.

Gia tăng sử dụng ở thanh thiếu niên

Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán sản phẩm thuốc lá điện tử để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên, không nên cho phép thí điểm lưu hành các sản phẩm này trên thị trường - ThS.BS Nguyễn Thị An.

Chỉ cần gõ từ “thuốc lá điện tử” trên Facebook sẽ hiện ra hàng chục hội nhóm công khai hay kín liên quan đến việc trao đổi thông tin, mua bán, kết nối người dùng, xây dựng cộng đồng chuyên biệt tạo xu hướng trong nhóm trẻ để thúc đẩy sử dụng sản phẩm.

Còn cửa hàng thuốc lá điện tử được thiết kế bắt mắt; người bán hàng là thanh niên với phong cách thời trang theo xu hướng hiện hành. Các chương trình dùng thử, tặng sản phẩm được tung ra để lôi kéo khách hàng.

Nói về việc tiếp cận thuốc lá điện tử, một nam sinh lớp 9 quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, muốn mua loại nào cũng có. “Cháu vào Hội những người dùng, chơi thuốc lá điện tử có thể đặt, mua và được chuyển đến tận nơi, chỉ cần có tiền là mua được”, thiếu niên này kể đồng thời cho hay: Những clip quảng cáo sản phẩm thuốc lá điện tử mới với nhiều hương vị khiến giới trẻ tò mò. Đa số nói về kỹ thuật nhả khói cùng với lời bình luận của người dùng như đáng tiền nhỉ, hút ngon nhỉ, rẻ mua luôn… nên cháu cũng mua dùng thử.

Theo kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chung là 0,2%, chưa ghi nhận sử dụng ở thanh thiếu niên.

Đến năm 2019, kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%).

Năm 2020, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.

Một nghiên cứu khác tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%.

Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nam giới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến nữ giới và trẻ em khiến tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ gia tăng nhanh chóng.

Những bài học đau lòng

Mặc dù thuốc lá điện tử không được cấp phép thương mại tại Việt Nam nhưng thực tế vẫn được nhập lậu và bày bán công khai trên thị trường, các website, mạng xã hội... với hình ảnh, lời quảng cáo ấn tượng.

Thuốc lá điện tử dù chưa được cấp phép nhưng có thể bắt gặp người sử dụng ở bất cứ đâu, kể cả trong trường học.

Vụ việc giám thị một trường ở TPHCM yêu cầu 8 nam sinh cởi đồ để tìm thuốc lá điện tử mới đây là tiếng chuông báo động tình trạng gia tăng học sinh tìm đến với “làn khói thơm”.

Tại Quảng Ninh, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, 4 học sinh nhập viện do hút thuốc lá điện tử trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, bủn rủn chân tay.

Theo lời kể, trước khi nhập viện một giờ, 4 học sinh có sử dụng thuốc lá điện tử (chưa rõ loại và chưa rõ nguồn gốc), sau sử dụng xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều.

Sau khi vào viện, 4 bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu, truyền dịch theo phác đồ và được theo dõi - điều trị tại Khoa Thận lọc máu.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, thuốc lá điện tử là các sản phẩm cung cấp nicotine điện tử, bao gồm pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử.

Dung dịch này thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật. Các sản phẩm này vẫn gây lệ thuộc chất gây nghiện nicotine, ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và tạo thế hệ những người hút thuốc lá mới.

Bộ Y tế vừa có Công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố, Bộ GD&ĐT, Bộ Công Thương; Bộ TT&TT và Bộ Công an về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; chỉ đạo trường học phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới phía ngoài cổng các trường học theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, shisha tại cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ