Lồng ghép giáo dục STEM giúp học sinh định hướng ngành nghề yêu thích

GD&TĐ - Hiện nay, các trường phổ thông đang tăng cường hoạt động giáo dục STEM để học sinh ứng dụng kiến thức lý thuyết học trên lớp vào thực hành.

Học sinh Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Yên Bái) tham gia hoạt động giáo dục STEM. Ảnh: NT
Học sinh Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Yên Bái) tham gia hoạt động giáo dục STEM. Ảnh: NT

Từ đó, học trò có thêm cơ hội hiểu biết về đặc thù của các nghề nghiệp trong tương lai, xây dựng cho mình mục tiêu cụ thể để phấn đấu trong quá trình học tập.

Lồng ghép vào các môn học

Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Yên Bái) nhiều năm qua rất chú trọng vào công tác giáo dục STEM. Ban Giám hiệu nhà trường luôn khuyến khích, tạo môi trường để học sinh được học tập phát huy khả năng sáng tạo của mình.

Theo chia sẻ của bà Hà Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây thì: Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng vào thực tiễn. Vì vậy, lãnh đạo trường luôn động viên giáo viên đăng ký các chủ đề dạy học STEM có nội dung gắn với thực tế.

“Học sinh của nhà trường là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, giáo viên luôn lựa chọn các chủ đề phù hợp với các em như: Sản phẩm tái chế, năng lượng tái tạo, môi trường, biến đổi khí hậu, thiết kế passter, hay nghiên cứu chế biến các nông sản. Bên cạnh đó trong một bài giảng STEM, giáo viên thường lồng ghép nhiều phương pháp giảng dạy như trình chiếu powerpoint, tổ chức trò chơi, thảo luận nhóm… để gợi sự hứng thú của học sinh với bài học.

Song song với đó, các tiết học STEM học sinh được làm việc nhóm, thử nghiệm, trình bày ý tưởng, phản biện, ... qua đó việc truyền tải và tiếp thu kiến thức sẽ đạt được hiệu quả cao; rèn cho học trò kỹ năng sử dụng máy tính, diễn đạt, tư duy phản biện,... giúp các em tự tin hơn”, bà Bích Ngọc nói.

Hàng năm, Trường THPT Cao Lộc (Lạng Sơn) đều chỉ đạo các nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch giáo dục môn học có chủ đề giáo dục STEM với các khối. Đối với khối 10 và 11 mỗi học kỳ tối thiểu 1 chủ đề/lớp, riêng khối 12 mỗi môn các giáo viên thực hiện dạy chung ít nhất 1 chủ đề, có thể đăng ký dạy thêm các chủ đề khác.

Bà Lê Thuỷ Chung - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Tất cả các học sinh tham gia đều hào hứng, nhiều em được phát huy hết khả năng sáng tạo trong tiết học STEM đó. Qua tiết học này, học trò rèn khả năng tự nghiên cứu, hoạt động nhóm và xây dựng ý tưởng”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

STEM để hướng nghiệp cho học sinh

Đánh giá về hiệu quả việc lồng ghép giáo dục STEM vào các môn học, bà Hà Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Yên Bái) cho rằng học sinh trường dân tộc nội trú được học mô hình STEM có tác động tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Lý do là cách tiếp cận kiến thức gần gũi, thực tế, học sinh sẽ chủ động, thích thú với việc học tập.

Từ đó, giáo viên sẽ khuyến khích các em xây dựng mục tiêu, định hướng nghề nghiệp cho mình phù hợp với tổ hợp mà mà các em đang theo đuổi.

Theo bà Ngọc thì học trò học theo cách tiếp cận giáo dục STEM nắm kiến thức chắc chắn hơn; tăng khả năng sáng tạo, tư duy logic và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện, nhưng không gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh. Điều này sẽ giúp các em có cái nhìn tổng quan về năng lực, sở thích của bản thân trong tương lai.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Ngọc Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn) cho biết, quá trình lồng ghép STEM vào các môn học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực tế, dự án và thử nghiệm, học sinh có cơ hội khám phá sâu hơn về các ngành nghề trong tương lai, tự do lựa chọn ngành học và nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Bên cạnh đó, giáo dục STEM giúp kích thích sự tò mò, tạo cơ hội thực hành tương tác trực tiếp với các dự án và thử nghiệm. Từ đó, các em sẽ áp dụng kiến thức vào thực tế, góp phần tạo động lực học tập, giúp học sinh cuối cấp có cái nhìn rõ ràng hơn về con đường học tập và nghề nghiệp mà bản thân muốn.

“Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thực tế, nhiều học sinh phổ thông từ các tiết học STEM đã nghiên cứu thành công sản phẩm mang đi thi tại cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Hay nhiều sinh viên đã thành công nhờ những ý tưởng khi còn học bậc phổ thông vào đại học các em có thêm môi trường để phát triển thành sản phẩm ứng dụng với thực tế”, ông Đặng Ngọc Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn) nói.

“Việc dạy học STEM trong nhà trường bước đầu đã tạo cho học sinh hứng thú khởi nghiệp, học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh.

Tham gia hoạt động giáo dục STEM, học sinh thấy được mối liên hệ gần gũi giữa kiến thức lý thuyết và thực tế cuộc sống, tạo niềm yêu thích khoa học, kỹ thuật. Từ đó, học trò có định hướng cho lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai”, bà Hà Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Yên Bái).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ