Lồng ghép giáo dục đạo đức vào bài giảng hàng ngày

GD&TĐ - Song song với việc dạy kiến thức phổ thông, nhiều năm nay công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các nhà trường chú trọng, lồng ghép khéo léo vào từng tiết học và hoạt động ngoại khóa.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được xem làm nhiệm vụ trọng tâm trong các nhà trường. Ảnh tư liệu: Bảo An.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được xem làm nhiệm vụ trọng tâm trong các nhà trường. Ảnh tư liệu: Bảo An.

Rèn lối sống lành mạnh 

Theo cô Nguyễn Khánh Loan – Phó Hiệu trưởng THCS Văn Khê (Hà Đông – Hà Nội): Nhiều năm qua, trường thường xuyên tổ chức những hoạt động nhằm giáo dục, nâng cao đạo đức lối sống cho học sinh. Qua các hoạt động, thầy và trò của trường đều rất hào hứng, gắn bó.

Vào các dịp Tết, trường tổ chức hoạt động “Vui xuân gói bánh trao tặng yêu thương", trao những xuất quà cho các hoàn cảnh khó khăn, các cháu khuyết tật, những cụ già không nơi nương tựa. Thông qua chương trình, nhà trường muốn rèn kỹ năng, lối sống lành mạnh cho học sinh.

Đặc biệt hơn, sau khi đi thực tế các em sẽ thấy được những hoàn cảnh bất hạnh vẫn đang vươn lên từng ngày, từ đó các em biết trân trọng cuộc sống hơn.

Nhiều nhà trường đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Ảnh tư liệu: Bảo An.
Nhiều nhà trường đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Ảnh tư liệu: Bảo An.

Ngoài ra, trường cũng mời các chuyên gia tâm lý, công an địa phương… tới trực tiếp trò chuyện, phổ biến kiến thức, kỹ năng… giúp các em tránh xa những tệ nạn xã hội.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh được địa phương luôn chú trọng, thường xuyên đề cập ở các buổi ngoại khóa, giờ lên lớp, chào cờ… Thầy cô lồng ghép những nội dung này thông qua bài giảng trên lớp. 

Bên cạnh đó, nhà trường phát động các phong trào theo chủ điểm,  những cuộc thi như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kể chuyện về các tấm gương sáng nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, ngày thương binh lịch sĩ 27/7… để học sinh có thể học tập và noi theo.

Lồng ghép giáo dục đạo đức 

Cũng theo bà Hằng, nếu chỉ nói trên sách vở thì chưa đủ, giáo viên phải biết cách lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào các bài giảng hàng ngày. Chính vì vậy, nhiều nhà trường mời chuyên gia, hoặc các tấm gương sáng về trực tiếp giao lưu với các em, điều này góp phần lan tỏa cho học sinh.

Ngoài ra, để tạo sự đa dạng, phong phú hơn nữa, trường học còn tổ chức hoạt động giáo dục lối sống thông qua các cuộc thi kể chuyện, các vở kịch nói…

Đặc biệt, vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường. Thông qua các chuyên đề, giáo viên, chuyên gia sẽ trực tiếp trò chuyện, định hướng cho học sinh những tư tưởng, giá trị tốt đẹp.

“Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học, hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp một cách hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ đoàn, hội, đội, giáo viên các bộ môn.

Phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ quản lý, nhà giáo về đạo đức, lối sống, thực hiện đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh”, bà Hằng nói.

Theo ông Nguyễn Đức Lượng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai (Hà Nội): Hàng năm, Sở GD&ĐT đều có kế hoạch chỉ đạo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Dựa vào kế hoạch trên, Phòng GD&ĐT huyện đều chỉ đạo các nhà trường làm tốt nhiệm vụ của mình.

Nhà trường khéo léo lồng ghép giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhiều hoạt động, các tiết học. Ảnh tư liệu: Bảo An.
Nhà trường khéo léo lồng ghép giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhiều hoạt động, các tiết học. Ảnh tư liệu: Bảo An.

Qua các năm, ngành giáo dục huyện Thanh Oai đã phối hợp với các đơn vị ngoài nhà trường như: Công an thành phố, công an huyện, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho người học.

Các nhà trường luôn chủ động phối hợp với lực lượng công an chính quy tại xã để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho học sinh. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng, có kế hoạch cụ thể, được đưa vào cả tiết học chính khóa ở môn học đặc thù như giáo dục công dân và những môn học khác. Những nội dung giáo dục thường được đan xen, lồng ghép khéo léo, không khô cứng.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường phối hợp với hội cha mẹ học sinh, hội phụ nữ...  để tuyên truyền, giáo dục, giúp các em có cách nhìn, lối sống lành mạnh.

“Trước đó Bộ GD&ĐT chỉ đạo mỗi trường thành lập tổ tư vấn tâm lý, do vậy Phòng GD&ĐT Thanh Oai đã mời Học viện Quản lý Giáo dục tập huấn, cấp chứng chỉ tư vấn tâm lý học đường cho những thành viên của tổ tư vấn để các cán bộ, nhân viên có đầy đủ kiến thức, kỹ năng tư vấn cho học sinh một cách khoa học.

Học sinh dù giỏi đến đâu, nhưng không có đạo đức sẽ hỏng cả tương lai. Vì vậy, các nhà trường luôn quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho các em”, ông Lượng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.