Hà Nội giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Bộ quy tắc ứng xử là “thước đo”

GD&TĐ - Tham luận tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai QĐ số 1501/QĐ-TTg, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhấn mạnh: Văn hóa ứng xử có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.

Nét đẹp văn hóa trong quan hệ thầy-trò.
Nét đẹp văn hóa trong quan hệ thầy-trò.

Tạo nét đẹp văn hóa trong nhà trường

Giáo dục Hà Nội hiện có hơn 2.700 trường với hơn 2,1 triệu học sinh và gần 160 nghìn CBGV-NV, quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.

Ông Phạm Văn Đại cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT về triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử trong nhà trường.

Việc thực hiện Bộ quy tắc tạo nên những chuyển biến tích cực trong CBGV-NV và học sinh; đại bộ phận giáo viên đều ý thức về vai trò của mình trong việc nêu gương về nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, từ đó giúp các em biết trau dồi thêm về văn hóa người Hà Nội, điều chỉnh trong cách ứng xử tạo nét đẹp văn hóa trong nhà trường.

 Để thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, ngành Giáo dục Hà Nội chú trọngtuyên truyền nâng cao nhận thức cho CBGV-NV và học sinh về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học. Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nội dung văn hóa ứng xử trong trường học bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường; Triển khai xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình phòng tham vấn học đường để nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của học sinh, kịp thời có những giải pháp phù hợp.

 Xây dựng môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn; Tổ chức các phong trào thi đua giữa các khối, lớp, trong toàn trường, các hoạt động trải nghiệm, văn hóa văn nghệ, TDTT, tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, các câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi, cấp học...

Giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Ông Phạm Văn Đại thông tin: Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; triển khai chỉnh lý Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống Thanh lịch - văn minh cho phù hợp với giai đoạn mới, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi cho học sinh, góp phần đào tạo, xây dựng các thế hệ người Hà Nội thanh lịch - văn minh.

Quan tâm đào tạo, xây dựng các thế hệ người Hà Nội thanh lịch - văn minh.
Quan tâm đào tạo, xây dựng các thế hệ người Hà Nội thanh lịch - văn minh.

Ngành phối hợp với các đơn vị có liên quan, các nhà văn hóa nghiên cứu, biên soạn nội dung, phương pháp thể hiện các trò chơi dân gian để đưa vào chương trình giáo dục thể chất của học sinh phổ thông. Qua đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và tạo sân chơi lành mạnh, giải quyết vấn đề thiếu không gian sinh hoạt thể thao ở các trường học tại khu vực nội thành.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa cho nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐTtiếp tục chỉ đạo việc thực hiện những quy định về lời nói, hành vi trong giao tiếp, ứng xử một cách mẫu mực lồng ghép vào chương trình giảng dạy nội khoá, đưa nội dung ứng xử giao tiếp vào các chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp và các buổi hoạt động tập thể của lớp, của trường.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan đầu tư tài liệu chuẩn cho công tác giáo dục kỹ năng sống; giáo dục ATGT. Tiếp tục tổ chức các hội thi, hội diễn cấp toàn quốc các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT cho CBGV-NV và học sinh.

“Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; quan tâm giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với giáo dục nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học cũng là giải pháp được ngành Giáo dục Thủ đô chú trọng trong giáo dục toàn diện cho học sinh”- Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.