Long đong giáo viên biệt phái: “Giữ chân” viên chức

GD&TĐ - Trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, việc bổ sung công chức về các phòng GD&ĐT khó khăn thì chính sách biệt phái vẫn là phương án tối ưu để giải bài toán thiếu hụt cán bộ. Nhưng để thu hút và giữ được viên chức biệt phái, cần có quyết định mang tính lâu dài, ổn định để họ yên tâm công tác, phát triển.

Nhiều giáo viên cốt cán muốn dạy ở trường hơn về Phòng GD&ĐT. (Ảnh mang tính minh họa)
Nhiều giáo viên cốt cán muốn dạy ở trường hơn về Phòng GD&ĐT. (Ảnh mang tính minh họa)

Thiếu ổn định và quá tải

Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn, Nghệ An hiện có 11 cán bộ, trong đó viên chức chiếm 6 người. Năm học 2018 – 2019 vừa qua, có 4 giáo viên biệt phái lần lượt hết nghĩa vụ 3 năm và quay về trường cũ công tác, nhưng phòng không thể điều động được giáo viên nào về thay thế.

“Các bộ phận chuyên môn của chúng tôi đều chỉ còn 1 – 2 người, ai cũng phải kiêm nhiều nhiệm vụ một lúc do thiếu người. Khối lượng công việc lớn, phòng chỉ còn cách nhờ giáo viên cốt cán ở các trường thay phiên nhau “giúp việc” chuyên môn. Nhưng hiệu quả không thể cao vì số tiết, lịch dạy học ở trường của giáo viên cũng đã kín”, ông Lê Trung Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn cho biết.

"Những năm qua, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện và tỉnh có chế độ ổn định, lâu dài cho đội ngũ viên chức biệt phái để họ yên tâm công tác nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết" - ông Lê Trung Sơn

Nói thêm về viên chức biệt phái ở phòng GD&ĐT, ông Sơn cũng cho hay người làm việc lâu năm nhất là 10 năm. Tâm lý của viên chức biệt phái vẫn muốn về trường dạy học hơn, tuy nhiên, đơn vị không thể điều động và phải giữ họ lại do không có người làm việc nữa. Mặt khác, dù chưa được bố trí số lượng công chức đủ theo quy định là 9 người, nhưng trong điều kiện tinh giản biên chế hiện nay, việc bổ sung công chức là khó khả thi. 

Tại huyện miền núi Con Cuông, sau “sự cố” phải trả lại tiền phụ cấp hưởng sai thì nhiều giáo viên biệt phái tại Phòng GD&ĐT đã xin trở lại các trường làm việc. Ông Lê Thanh An – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết: “Họ e ngại sẽ thiệt thòi về quyền lợi trước mắt, lâu dài và điều này là dễ hiểu. Hiện phòng còn thiếu 3 vị trí nhưng từ thời điểm đó đến nay, chúng tôi không điều động được viên chức nào theo chính sách biệt phái nữa”. Trên thực tế, những giáo viên cốt cán, có đủ năng lực, kinh nghiệm ở trường để biệt phái lên phòng GD&ĐT đa số đã là hiệu trưởng, hiệu phó và quá tuổi quy hoạch. Về phòng họ cũng không được các khoản như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nên thu nhập thậm chí bị giảm đi 1 nửa”.

Tìm hiểu thực tế, nhiều năm qua, cả viên chức và phòng GD&ĐT đều “kêu” về chế độ biệt phái, và cho rằng, cần phải có quyết định có đầy đủ cơ sở pháp lý, mang tính ổn định thay thế văn bản cũ.

Học sinh Trường THCS DTNT Kỳ Sơn, Nghệ An.
  • Học sinh Trường THCS DTNT Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cần chính sách lâu dài cho đội ngũ biệt phái

Nói về vấn đề biên chế các phòng GD&ĐT, ông Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chỉ ra những bất cập: Trong một cơ quan, cùng làm việc giống nhau nhưng có 2 bộ phận: Một số là công chức (3 - 5 người), một số là viên chức biệt phái (6 - 10 người). Trong khi Nghị định của Chính phủ quy định phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và người làm việc ở đó phải là công chức. Công chức là đại diện cơ quan quyền lực Nhà nước, trong khi viên chức không có thẩm quyền đó nhưng cùng làm việc cho cơ quan hành chính Nhà nước. Trong cùng 1 cơ quan, cùng chức vụ nhưng quyền hạn trách nhiệm, chế độ… khác nhau.

Điều này cũng dẫn đến trong cùng môi trường làm việc nhưng hưởng lương ở 2 hoặc nhiều đơn vị khác nhau. Công chức hưởng lương ở văn phòng UBND huyện, viên chức mỗi người hưởng lương ở 1 trường khác nhau; hưởng các loại phụ cấp khác nhau. Ngoài ra, họ còn gặp khó khăn trong việc thanh toán công tác phí, đóng Đảng phí, sinh hoạt Đảng, tiền nghỉ phép…

Năm 2018, Sở GD&ĐT Nghệ An đã xin ý kiến các sở, ban, ngành để xây dựng Nghị quyết về việc bố trí công chức, viên chức và chế độ hỗ trợ đối với viên chức phòng GD&ĐT và đề xuất ba giải pháp. Thứ nhất, giữ nguyên hiện trạng; thứ 2, viên chức biệt phái làm việc tại các phòng GD&ĐT ngoài lương và phụ cấp theo quy định sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ 25% mức lương hiện hưởng (tương đương phụ cấp công vụ và được điều chỉnh theo mức phụ cấp công vụ thay đổi); thứ 3, căn cứ Đề án vị trí việc làm, UBND cấp huyện chỉ bố trí công chức làm việc tại phòng GD&ĐT theo hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của Bộ GD&ĐT (cần 18 người/phòng x 21 phòng = 378 người).

Tuy nhiên, qua thời gian lấy ý kiến, phương án 1 và 3 không phù hợp thực tiễn hoặc theo tinh thần tinh giản biên chế. Còn phương án 2 nhiều viên chức không đồng tình do thu nhập giáo viên biệt phái ở phòng GD&ĐT vẫn thấp hơn nhiều so với giáo viên đang công tác tại các trường vì không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi. Ngoài ra, viên chức được phụ cấp 25% mức lương hiện hưởng cũng không đúng theo quy định của Luật Công chức.

Ông Thái Văn Thành, cho biết thêm: Năm nay, sở đã xây dựng phương hướng, kế hoạch, nhiệm vụ cho năm học 2019 – 2020 trình UBND tỉnh Nghệ An, trong đó có đề xuất giải pháp cho vấn đề viên chức biệt phái. Theo đó, phương án tối ưu đưa ra là căn cứ đề án vị trí việc làm UBND huyện sẽ bố trí tối thiểu 10% công chức làm việc tại phòng GD&ĐT trong tổng số công chức được giao hàng năm của UBND cấp huyện (hiện chỉ mới được 5 – 7%). Đồng thời bố trí viên chức làm việc tại phòng trong tổng viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, bảo đảm tổng số công chức, viên chức mỗi phòng GD&ĐT từ 13 - 15 người (cụ thể theo quy mô giáo dục từng huyện).

“Các viên chức này một nửa thời gian làm việc tại phòng GD&ĐT, nửa thời gian vẫn giảng dạy tại trường học để được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, ưu đãi, khu vực, thu hút… như các giáo viên bình thường khác. Việc bố trí thời gian biểu, lịch làm việc sẽ do trường nơi giáo viên công tác và phòng GD&ĐT cân đối, sắp xếp nhằm bảo đảm “vẹn cả đôi đường”. Có như vậy, mới bảo đảm được quyền lợi cho viên chức biệt phái và thu hút người có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc cho phòng GD&ĐT – đơn vị chuyên môn quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục tại địa phương”, ông Thái Văn Thành cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.