Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước, gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Tổng tài sản của 671 doanh nghiệp trên đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023.
Vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8%, nộp ngân sách Nhà nước gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.
Các dự án của doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đồng thời các doanh nghiệp cũng tập trung thực hiện các dự án đầu tư nhằm nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh, cơ bản bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt.
Dù đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế thế nhưng thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Đó là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; kết quả hoạt động đạt được dựa trên các lợi thế sẵn có của doanh nghiệp hoặc có lịch sử hoạt động lâu đời trên thị trường.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cũng thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. So với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn, tức phải sử dụng nhiều vốn hơn để tạo một giá trị sản phẩm đầu ra.
Doanh nghiệp nhà nước cũng chưa thể hiện rõ vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh, nhất là cạnh tranh quốc tế chưa đạt kết quả rõ nét. Tỷ trọng kinh tế nhà nước trong tăng trưởng kinh tế giảm, hiệu quả đầu tư ngày càng thấp.
Nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, hạn chế này được cho là bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước, trong đó có tập đoàn kinh tế, tổng công ty dù đã được rà soát, hoàn thiện nhưng vẫn còn không ít bất cập. Đặc biệt là hệ thống pháp luật về đầu tư, quản lý tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu chưa đồng bộ, tạo kẽ hở.
Một số doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn chưa phát huy tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các quy trình, thủ tục của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật thường có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời để đón cơ hội đầu tư… cũng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó đáng chú ý là phải tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Hoàn thiện các quy định để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về chuyển đổi số. Đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh. Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Doanh nghiệp nhà nước luôn được coi là “nắm đấm thép”, có vai trò tiên phong, nòng cốt, dẫn dắt và tạo động lực bứt phá, có sức lan tỏa, nhất là trong các lĩnh vực mới. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò, vị thế này của doanh nghiệp càng phải được củng cố và thể hiện rõ nét hơn nữa.
Như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì trước khó khăn, thách thức thương mại toàn cầu; với tinh thần mỗi người đều phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm để “góp gió thành bão”.