Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập; 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Đây là quyết sách lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiện đại và hiệu quả; mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, hòa chung sức mạnh để phát triển; phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập... Đối với giáo dục và đào tạo, cuộc cách mạng này vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao chất lượng; đồng thời là thách thức đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chiến lược toàn diện.
Về thuận lợi, có thể thấy, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy giúp tiết kiệm ngân sách; từ đó sẽ có thêm nguồn đầu tư cho giáo dục. Giáo dục có thể được thụ hưởng những cơ sở vật chất dôi dư, từ đó giảm áp lực trường lớp. Quy mô tỉnh/thành rộng lớn hơn cũng thuận lợi trong điều tiết đội ngũ, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm qua. Địa bàn rộng lớn đồng thời đặt yêu cầu cấp thiết phải thay đổi trong tư duy, phương thức quản lý giáo dục; đặc biệt việc ứng dụng công nghệ không thể chậm trễ, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, hợp nhất các đơn vị hành chính giúp tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển dịch vụ công quan trọng, trong đó có giáo dục, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân…
Về thách thức, có lẽ vấn đề được quan tâm nhất chính là sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục, đặc biệt khi có tình trạng dôi dư nhân lực. Vấn đề “con người” luôn khó giải nhất. Nếu không thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, khéo léo, sẽ khó tránh khỏi tâm tư. Cùng với đó sự xáo trộn cuộc sống khi phải chuyển đổi trụ sở làm việc, đến một nơi xa gia đình, làm việc trong môi trường mới, nhiều lạ lẫm. Sự khác biệt về văn hóa, phong tục, cách làm… có thể tạo ra những xung đột, làm giảm động lực làm việc nếu không có chính sách quản lý thay đổi phù hợp. Và như đã nói ở trên, địa bàn rộng lớn là cú hích đổi mới phương thức quản lý, nhưng khó tránh khỏi khó khăn ban đầu và đòi hỏi, yêu cầu năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cao hơn ở đội ngũ.
Thời điểm này, nhiều sở GD&ĐT thuộc các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập cùng họp bàn, phối hợp, hoàn thiện đề án hợp nhất. Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đặc biệt, Nghị quyết quy định về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 của Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ 15/4 yêu cầu: UBND cấp tỉnh, các cơ quan liên quan có nhiệm vụ triển khai các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy… Chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở mới bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ các đơn vị thực hiện sắp xếp... Hy vọng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ mở ra giai đoạn mới cho ngành Giáo dục, từ đó tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.