Các hợp tác xã ngày càng phát triển về quy mô, số lượng, đa dạng ngành nghề, sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, đến cuối năm 2024, cả nước đã hình thành hơn 33 nghìn hợp tác xã với hơn 5,8 triệu thành viên, 152 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 23.556 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 67,8% tổng số hợp tác xã cả nước. Có 2.500 hợp tác xã nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Có 4.339 hợp tác xã bao tiêu nông sản, 2.169 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, và khoảng 1.500 hợp tác xã tham gia du lịch nông nghiệp. Khu vực kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã tiếp tục khẳng định vai trò trong việc phát triển kinh tế hộ thành viên, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Như vậy có thể thấy, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài. Từ đó có những đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.
Tuy nhiên, thực tế, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được giải quyết. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng nhiều hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác.
Phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu; trình độ quản lý điều hành hạn chế, lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động.
Bên cạnh đó, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu thực hiện các dịch vụ đầu vào. Số hợp tác xã làm dịch vụ đầu ra còn hạn chế. Các thành viên cũng chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động và sự sống còn của hợp tác xã. Sự gắn kết lợi ích giữa hợp tác xã và thành viên còn mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác; lợi ích kinh tế trực tiếp do hợp tác xã mang lại cho thành viên chưa cao.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do một số cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chưa thực sự quan tâm đến hợp tác xã, chưa sát sao trong việc chỉ đạo, giám sát. Năng lực nội tại của các hợp tác xã còn hạn chế; các cơ chế, chính sách tài chính đối với hợp tác xã còn dàn trải…
Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay, vấn đề mấu chốt vẫn là các hợp tác xã cần nỗ lực hơn nữa để mở rộng quy mô, xây dựng phương án sản xuất cụ thể và có hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ kinh doanh, dịch vụ đầu ra…
Ngoài ra, trong tổ chức, hoạt động, cần phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng bộ phận. Với các hợp tác xã quy mô nhỏ, hoạt động không hiểu quả cần mạnh dạn giải thể hoặc sáp nhập để mở rộng quy mô hoạt động, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để hoạt động hiểu quả, đem lại lợi ích cao hơn cho thành viên.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Và như ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội) thì hợp tác xã là một thiết chế kinh tế nhưng nền tảng bền vững lại mang yếu tố tâm lý xã hội, tâm trạng con người. Hiểu rõ điều đó để không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay vì chỉ tiêu thành tích để áp đặt.
Làm bất kỳ công việc gì mà nhận ra giá trị càng cao thì càng có nhiều động lực. Ngược lại, làm theo kiểu có cũng được mà không có cũng chẳng mất gì thì dễ bỏ cuộc. Rồi sẽ tìm cách biện minh, nào là do ý thức của người dân; nào là do cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh; nào là thiếu nhân lực, chồng chéo trong quản lý. Khi biện minh thì sẽ lúng túng trong tìm ra giải pháp.