Chúng tôi lấy nhau khi cả hai mới cùng ra trường. Ở thành phố người khôn của khó, tôi đề nghị chồng vào Nam làm việc để phù hợp hơn với ngành nhưng chồng tôi một mực không đồng ý. Anh nói bố đã mất rồi, giờ chỉ còn mình mẹ ở quê nên anh không thể để mẹ chịu cảnh một mình sớm tối.
Chúng tôi về quê sinh sống theo quyết định của anh. Bố chồng tôi mất sớm khi chồng tôi mới lọt lòng, bao năm qua một tay mẹ chồng tôi nuôi dưỡng con trai. Nhà chỉ có hai mẹ con nên vốn trước giờ chồng tôi rất một mực nghe lời mẹ.
Về ở được một thời gian, nhờ sự trợ giúp của bên nhà nội chồng mà cả hai vợ chồng tôi đều xin được việc. Công việc tốt lại cho thu nhập cao, nếu không nhờ có người bác đằng nội của chồng thành đạt thì chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ có được một công việc tốt như vậy tại nơi này.
Thế nhưng, ngày có những đồng lương đầu tiên cũng là ngày tôi và mẹ chồng bắt đầu có những mâu thuẫn.
Vì sống cùng nhau nên mẹ chồng tôi đề nghị, lương hai đứa đưa mẹ cầm rồi cần gì tiêu thì báo mẹ. Tôi ban đầu cũng không nghĩ nhiều vì chồng cũng nói, đưa cho mẹ cầm hai đứa đỡ tiêu linh tinh nhiều hơn.
Thế nhưng, càng về sau tôi càng thấy bực mình khi rõ ràng mình kiếm ra tiền, mà một đồng tiêu cũng phải mở mồm xin phép. Là tiền của mình nhưng khi hỏi xin, mẹ chồng tôi lại tra khảo xem tôi định tiêu gì, làm gì với số tiền đó. Muốn mua thêm cái quần cái áo cũng sợ mẹ chồng nói trưng diện, muốn thỉnh thoảng đi ăn chơi với bạn bè lại sợ mẹ chồng nói lãng phí, không tiết kiệm... Tôi dần sinh lòng hậm hực với mẹ chồng từ đó.
Thời gian qua đi, mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng trở nên căng thẳng hơn khi tôi sinh con đầu lòng. Vì quen với cách sống chỉ có hai mẹ con nên mẹ chồng tôi muốn chỉ đạo và lo mọi việc trong nhà, chuyện chăm con của tôi cũng không phải ngoại lệ.
Đẻ xong, bà bắt tôi phải ở cữ đúng 3 tháng 10 ngày. 3 tháng 10 ngày sống quanh quẩn trong 4 bức tường, tôi tưởng như mình sắp phát điên.
Bữa cơm hàng ngày cũng chỉ loanh quanh hai món canh rau ngót và thịt nạc rang, hôm nào đổi bữa thì là cháo móng giò. Tôi thì phát ngán với những bữa cơm ấy, mẹ chồng tôi thì một mực tin rằng, đẻ xong phải ăn vậy con mới không lo đi ngoài.
Mỗi ngày con lớn khôn cũng là mỗi ngày sự chăm sóc, nuôi dạy khác biệt giữa hai thế hệ khiến tôi thêm khó chịu với mẹ chồng. Mỗi khi tôi muốn dạy con thì bà lại chạy đến ôm nó đi rồi dỗ dành, hứa hẹn mua gì cho nó. Chồng tôi chứng kiến hết mọi chuyện nhưng lại chỉ cười xoà: "Bà có mỗi đứa cháu nên xót là phải".
Mỗi ngày con lớn khôn cũng là mỗi ngày sự chăm sóc, nuôi dạy khác biệt giữa hai thế hệ khiến tôi thêm khó chịu với mẹ chồng.(Ảnh minh hoạ).
Mãi đến khi con trai tôi được 5 tuổi, tôi mới có cơ hội thoát khỏi cảnh mẹ chồng là số 1. Công việc của chồng tối sẽ thăng tiến hơn nếu bây giờ chồng tôi chịu khó đi tỉnh xa thực tế vài năm.
Nghe thấy chồng nói vậy, tôi như mở cờ trong lòng, ra sức ủng hộ chồng phát triển sự nghiệp. Chồng tôi ban đầu rất băn khoăn vì mẹ chồng tôi thì chỉ muốn ở quê còn anh em họ mạc, chồng tôi lại không nỡ để bà ở nhà một mình. Sau khi tôi động viên rằng mình chỉ đi vài năm rồi quay lại, thành công hơn thì mẹ cũng mát lòng, khi ấy anh mới đồng ý đi.
Được thoát khỏi nhà chồng, tuy là về tỉnh xa xôi nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy vô cùng sung sướng. Thế là từ nay tôi thích ăn gì, tiêu gì cũng không còn cảnh phải ngửa tay xin tiền mẹ chồng nữa. Để chồng đỡ phần nào lo lắng, tôi đề nghị gửi mỗi tháng 3 triệu về để mẹ tiêu pha.
Từ ngày được ra ngoài, tôi luôn lấy cớ để không phải về quê chồng. Khi thì là công việc của tôi bận đột xuất, khi thì là con vừa ốm xong thể đi xa. Chồng tôi cũng sốt ruột nhưng bản thân công việc của anh cũng bận túi bụi nên ngày tháng cứ thế trôi đi.
Cho đến một ngày, chúng tôi nhận tin từ quê báo mẹ chồng ốm nặng phải về gấp. Bà bị tai biến, khi chúng tôi về đến nơi thì tình hình đã rất xấu. Lời cuối bà nói khi ấy đã khiến tôi không thể quên được mãi những năm sau này.
Sau bao nhiêu chuyện bà vẫn không một lời trách cứ tôi, tiền bạc cũng gom góp để đó cho hai vợ chồng.(Ảnh minh hoạ).
"Cuối cùng thì mẹ cũng được gặp các con. Bao năm qua mẹ vẫn sống bằng tiền lương hưu của mình. Số tiền lương hàng tháng các con gửi mẹ đã một phần gửi ngân hàng, một phần mua vàng để dành. Giờ mẹ chẳng còn sống được bao, các con hãy bán mảnh đất ở quê rồi cộng với số tiền đó gom góp mua lấy một căn nhà trên thành phố và cho các cháu ăn học”.
Lời mẹ chồng nói khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Sau bao nhiêu chuyện bà vẫn không một lời trách cứ tôi, tiền bạc cũng gom góp để đó cho hai vợ chồng. Thế nhưng đau đớn thay, khi tôi nhận ra được sự thật này thì mọi thứ đã quá muộn.