Mục tiêu chính
Theo Jpost, Lực lượng dân quân Houthi vừa công bố một đoạn video hứa sẽ đánh chìm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi nó tiến vào vùng biển Biển Đỏ với nhiệm vụ đối phó với Houthi.
Trong video, thủ lĩnh Ansar Allah Abdul-Malik al-Houthi tuyên bố: "Tàu sân bay là mục tiêu chính của Lực lượng Tên lửa của quân đội chúng tôi từ bây giờ và sẽ là mục tiêu tấn công khi tiến vào Biển Đỏ".
"Nếu họ muốn mạo hiểm, tự gây rắc rối và rơi vào tình thế giống như tàu sân bay trước đó là Eisenhower, hãy để họ đến", ông al-Houthi cảnh báo.
Houthi đã thề sẽ ngăn chặn mọi hoạt động vận chuyển hàng hải do Israel sở hữu hoặc ràng buộc qua Biển Đỏ và Vịnh Aden cho đến khi Israel ngừng tấn công Dải Gaza của Palestine.
Lực lượng vũ trang đã nhiều lần tấn công tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower, nhưng Hải quân Mỹ khẳng định những cuộc tấn công đó không gây thiệt hại cho siêu tàu sân bay này hoặc các tàu hộ tống.
Một loạt tên lửa và máy bay không người lái đã nhắm vào con tàu ngay trước khi nó rời khỏi khu vực vào đầu tháng 6.
"Để đáp trả các cuộc không kích của Mỹ và Anh vào một số thành phố và mục tiêu dân sự ở Yemen khiến hơn 58 người thiệt mạng và bị thương, phần lớn là dân thường, tàu sân bay USS Eisenhower đã bị tấn công ở Biển Đỏ bằng một số lượng lớn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Cuộc tấn công đã đánh trúng tàu sân bay Mỹ và buộc con tàu này phải quay về căn cứ ở Norfolk, Virginia để sửa chữa", thành viên văn phòng chính trị Ansar Allah Hezam al-Asad nói.
Tận dụng khoảng trống năng lực tác chiến của lực lượng Mỹ tại Biển Đỏ hiện nay, Houthi đã tăng cường các hoạt động của xuồng không người lái mang chất nổ.
Vài giây sinh tử
Cũng theo tờ Jpost, khi làm nhiệm vụ chống Houthi tại Biển Đỏ, thủy thủ Mỹ luôn căng thẳng và phải ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Tờ báo dẫn lời thủy thủ đoàn trên khu trục hạm USS Gravely cho biết, họ thường chỉ có vài giây để phản ứng trước các đòn tập kích bằng tên lửa của Houthi, do loại đạn này có tốc độ bay nhanh hơn nhiều so với UAV.
"Chúng tôi chỉ có vài giây, cùng lắm là vài phút, không nhiều hơn", trung úy hải quân James Rodney, nhân viên thông tin trên khu trục hạm USS Gravely cho biết.
Chiến hạm USS Gravely được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn khoảng 1.600 km và tên lửa đánh chặn SM, nhưng chủ yếu sử dụng tên lửa tầm gần để đánh chặn các quả đạn của Houthi.
James Rodney cho biết thêm, đòn đánh của lực lượng dân quân này tinh vi hơn so với dự tính của Mỹ. Houthi đã sử dụng tên lửa đạn đạo diệt hạm trong các cuộc tập kích tại Biển Đỏ, đánh dấu lần đầu tiên họ sử dụng loại đạn này.
Thủy thủ Mỹ không được báo trước về mối đe dọa trên và đang phải học cách đối phó chúng ngay trong thời gian thực.
"Thật không may, chúng tôi không được báo trước về nhiều vấn đề, đặc biệt là việc Houthi sở hữu tên lửa đạn đạo", trung úy Hải quân Mỹ cho biết thêm.
James Rodney cho biết thêm, tình báo Mỹ không chú ý nhiều đến Houthi trước khi lực lượng này bắt đầu tập kích tuyến hàng hải ở Biển Đỏ, nên Washington không nắm được năng lực quân sự cụ thể của nhóm vũ trang này.
Trước khi rời Biển Đỏ, hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower và khu trục hạm USS Gravely là lớp phòng thủ chính của lực lượng Mỹ ở vùng biển này.
Mỗi ngày có hàng chục tiêm kích cất cánh từ tàu USS Dwight D. Eisenhower để quần thảo trên bầu trời, sẵn sàng phóng tên lửa không đối đất phá hủy UAV, tên lửa của Houthi trước khi chúng kịp rời bệ phóng.
"Đây không phải là nơi mà chúng tôi nghĩ mình sẽ đến lúc đầu. Rủi ro luôn tồn tại mỗi khi bạn phải tác chiến ở một khu vực. Mặc dù vậy, chúng tôi đã hạn chế được rủi ro đó bằng cách phân bổ hỏa lực chiến đấu một cách hợp lý", Đại tá James Huddleston, phó chỉ huy Không đoàn Tàu sân bay Số 3, nói.