Tờ Defense News dẫn lời chuyên gia thuộc Thụy Điển cho biết, kết quả của những nỗ lực của Châu Âu trong việc xây dựng hệ thống phòng không nhiều lớp của riêng mình là ESSI có thể không thành công và hiệu quả như quảng cáo.
Theo ông, vấn đề là không phải tất cả các nước châu Âu đều tham gia vào sáng kiến này, nghĩa là ESSI không bao phủ toàn bộ châu Âu và sẽ không thể bảo vệ tất cả các thành viên ngay cả khi chúng được hoàn thành và kích hoạt.
"Ví dụ, Phần Lan là một phần của nó, và Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của nó. Nhưng Ankara rất tách biệt với phần còn lại của châu Âu. Vậy ai sẽ quyết định bảo vệ cái gì? Các quốc gia tham gia liệu có thể tìm được tiếng nói chung?", chuyên gia Valtersson hỏi.
Theo ông, ESSI chủ yếu sẽ thực hiện việc mỗi thành viên cùng nhau mua tên lửa đất đối không, và toàn bộ chương trình này kém hiệu quả hơn nhiều so với mạng lưới Iron Dome của Israel, đặc biệt là khi nói đến đối phó với tên lửa siêu thanh.
"Châu Âu là một lục địa rộng lớn và sẽ có rất nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ. Vì vậy, gần như không thể ngăn chặn được tên lửa siêu thanh nếu vũ khí này được đối thủ sử dụng trong các cuộc tấn công tiềm tàng", Valtersson cảnh báo.
Việc Liên minh châu Âu, vốn không phải là một liên minh quân sự muốn xây dựng lá chắn phòng thủ chung cũng khiến Valtersson hoài nghi về tính hiệu quả trong trường hợp chúng thực sự được xay dựng.
Ba Lan đang tỏ ra nhiệt tình với việc xây dựng một Vòm sắt là cho châu Âu, nhưng nhà lãnh đạo đi tiên phong trong ý tưởng này lại là Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Ông đề xuất việc xây dựng ESSI hồi tháng 8/2022 trong bối cảnh Nga đang tăng cường các vụ tấn công bằng đường không vào Ukraine, làm lộ rõ nhiều hạn chế trong công tác phòng không của nước này cũng như châu Âu.
Tới tháng 12/2022, Thủ tướng Đức nêu ra thời gian cụ thể mà ông kỳ vọng là một Vòm sắt cho châu Âu sẽ được hình thành trong vòng 5 năm tới.
Tới tháng 4/2024, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định nước này quan tâm đến việc tham gia ESSI và việc ký kết thỏa thuận trên là một trong những bước đi của tiến trình này.
Đây cũng là một động thái thay đổi tại Ba Lan vì chính phủ tiền nhiệm của ông Donald Tusk do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) lãnh đạo đã từng từ chối tham gia kế hoạch Vòm sắt cho châu Âu.
Mạng lưới Iron Dome của Israel đi vào hoạt động từ năm 2011 có khả năng theo dõi, đánh chặn và tiêu diệt tên lửa và máy bay không người lái xâm phạm không phận.
Hệ thống này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và đối phó với nhiều mối đe dọa cùng lúc. Hồi tháng 4 vừa qua, hệ thống này đã bảo vệ Israel trước cuộc tấn công của khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái phóng từ Iran.
Đây chính là động lực để các nước châu Âu xúc tiến việc trang bị cho mình một hệ thống tương tự dù đã lường trước mức độ tốn kém và phức tạp.