Lời ru con ở tuổi… học trò

GD&TĐ - Ở dải đất vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa), cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã đổi thay đáng kể. Thế nhưng, đâu đó vẫn tồn tại hủ tục, đặc biệt là nạn tảo hôn, khiến nhiều thiếu nữ đang ở tuổi học trò đã phải dừng bước tới trường để cất lời... ru con.

Những đứa trẻ người Mông ở xã Trung Lý (Mường Lát,Thanh Hóa) đi hái măng rừng
Những đứa trẻ người Mông ở xã Trung Lý (Mường Lát,Thanh Hóa) đi hái măng rừng

Hoa rừng nở trên đá

Thao Thị Dưa địu con đi chơi chợ.

Mường Lát là huyện vùng biên xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 300km về phía Tây, có biên giới giáp Lào. Dọc theo con đường độc đạo, nối huyện vùng cao biên giới với miền xuôi, thấp thoáng những chòm bản người Mông nằm rải rác, chênh vênh cạnh vực sâu của các nóc nhà thấp lè tè.

Trước mái hiên nhà, những cánh cửa thường đóng im ỉm, họa hoằn mới thấy vài ba người phụ nữ ngồi thêu thùa, trò chuyện. Ven Quốc lộ 15C, thi thoảng tôi bắt gặp những đứa trẻ đen nhẻm, áo quần cáu bẩn, đầu trần, chân không dép túm năm, tụm ba chơi đùa với nhau, hoặc đi hái măng rừng giúp đỡ gia đình.

Chuyến công tác của tôi đúng vào phiên chợ ở trung tâm xã Nhi Sơn. Phiên chợ mỗi tháng chỉ họp một lần vào ngày giữa tháng nên thu hút rất nhiều bà con đồng bào các dân tộc trong huyện về đây. Từ sáng sớm tinh sương, người dân ở các bản xa xôi như Tà Kóm, Cá Giáng, Cánh Cộng (xã Trung Lý); Pá Hộc, Lốc Há, Kéo Cưa, Kéo Hượn, Kéo Té... (xã Nhi Sơn), thậm chí có cả nhiều người ở tận đỉnh Sài Khao, Trung Thắng, Trung Tiến, Suối Ún... của Mường Lý và các xã khác trong huyện cũng nô nức về dự phiên chợ. Đến chợ, không riêng gì những người mua bán hàng hóa, mà nhiều thanh niên, nam nữ và đủ mọi lứa tuổi. Người ta đến chợ đều chung một mục đích là mua sắm, trao đổi hàng hóa và... rong chơi.

Trong lúc dừng chân, tôi gặp em Thao Thị Dưa, ở xã Nhi Sơn địu con xuống chợ. Thao Thị Dưa vừa chạm tuổi 17, cái tuổi như bông hoa rừng vừa nở, kín đáo mà xinh đẹp. Thấy tôi làm quen và hỏi chuyện, Dưa hồn nhiên đến nỗi khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Dưa bảo: “Em lấy chồng được gần 2 năm rồi".

Em lấy do mình muốn thôi chứ bố, mẹ không ép gì đâu”. Dưa bắt đầu câu chuyện với người xa lạ khi tấm lưng nhỏ của em vẫn không ngừng đong đưa, dỗ dành đứa con đang ngọ nguậy ở trong địu vải thổ cẩm. Con của Dưa, chưa đầy 3 tháng tuổi, trắng trẻo, mũm mĩm và cái cổ chưa đủ cứng cáp để giữ cho đầu nó khỏi ngửa về phía sau.

Theo lời của Dưa, chồng em cũng mới 17 tuổi và hiện ở nhà đi làm nương rẫy chứ không có nghề nghiệp gì. Khi hai vợ chồng có con đầu lòng, bố mẹ chồng cho ra ở riêng, tự lo cuộc sống. Khi được hỏi sao không tiếp tục theo học mà đi lấy chồng sớm vậy, Dưa cười bẽn lẽn và nói lí nhí: “Trước kia em cũng đi học, nhưng đến hết lớp 9 thì nghỉ để đi lấy chồng thôi”.

Những em gái trong độ tuổi đi học nhưng đã có con trai chừng 3 - 4 tuổi.
 Những em gái trong độ tuổi đi học nhưng đã có con trai chừng 3 - 4 tuổi.

Nghe câu trả lời vô tư và ánh mắt của Dưa, tôi cảm nhận được một điều, rằng: Dường như việc địu con đi chơi chợ có lẽ là niềm vui lớn nhất của Dưa sau chuỗi ngày chỉ biết cặm cụi trên nương rẫy hay quẩn quanh với công việc của người vợ, người mẹ trong gia đình. Bởi lẽ, ánh mắt Dưa lấp lánh, không giấu được niềm vui giữa cảnh náo nhiệt tiếng nói cười, tiếng chào mời, lẫn trong mùi quần áo mới và mùi vị của thức ăn trong phiên chợ.

Tạm biệt mẹ con Thao Thị Dưa khi phiên chợ đang dần vãn người, nhưng trong lòng tôi như bị ám ảnh bởi đôi mắt tròn xoe, đen láy của đứa trẻ trên lưng Dưa. Đôi mắt khiến tôi phải đặt câu hỏi, liệu cuộc đời đứa trẻ đáng yêu ấy có trở thành bản sao của mẹ nó? Một cuộc đời bắt đầu từ câu hát ru non nớt của người mẹ khi tuổi đời mới độ trăng rằm!

Nạn tảo hôn vẫn nhiều!

Theo thống kê của ngành chức năng ở huyện Mường Lát, chỉ tính từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 300 cặp vợ chồng kết hôn ở tuổi vị thành niên. Con số này không chỉ là minh chứng rõ ràng nhất cho “phong tục” của người dân mà còn gây hệ luỵ cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Đó là nạn tảo hôn, cưỡng hôn, hôn nhân cận huyết, sinh con sớm, sinh nhiều và sức ép phải sinh được con trai, học hành dang dở, không được chăm sóc trong giai đoạn thai kỳ, bạo lực gia đình…

Bên cạnh đó, tâm lý muốn sớm có “con đàn cháu đống” để thêm lao động cho gia đình; hay nhận thức đã ăn sâu bén rễ rằng “tảo hôn là do phong tục, không lấy chồng sớm sau này sẽ khó lấy chồng”, “lấy nhau để có người làm nương rẫy”... rồi tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong đồng bào dân tộc Mông… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tảo hôn ở huyện vùng cao, biên giới này.

Những đứa trẻ người Mông, xã Trung Lý (Mường Lát) chơi ở ven đường.
Những đứa trẻ người Mông, xã Trung Lý (Mường Lát) chơi ở ven đường.

Trò chuyện về vấn đề này, thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát), cho biết: Mặc dù năm nào nhà trường cũng lồng ghép chương trình tư vấn Luật Hôn nhân vào môn học Giáo dục công dân, nhưng một số em vẫn cứ bỏ học để lập gia đình. Theo thống kê của nhà trường, năm học 2018 - 2019, ở khối lớp 8 có 52 học sinh, nhưng năm sau chỉ còn 45 học sinh theo học khối lớp 9. Như vậy, trong số đó đã có 7 em nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn, do nhiều nguyên nhân và trong đó có cả lý do một số em xây dựng gia đình.

“Vấn đề tảo hôn ở địa phương hiện nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Bởi lẽ, quan niệm của bà con dân tộc Mông, việc dựng vợ, gả chồng cho con không tuân thủ theo Luật Hôn nhân, mà do phong tục, hủ tục còn tồn tại. Sau khi tổ chức cưới lễ cho con, có gia đình mới báo cáo chính quyền, thậm chí có nhà không dám đi đăng ký kết hôn...”, thầy Xuân cho biết.

Trong danh sách 7 học sinh khối lớp 8 nghỉ học giữa chừng, có hai nữ sinh là Vàng Thị Kế, Vàng Thị Ki, đều ở bản Sài Khao (Mường Lý) xây dựng gia đình ở độ tuổi 14. “Chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường phân công giáo viên đến gia đình vận động đưa các em đến trường, thì mới biết Kế và Ki đã đi lấy chồng. Trong số còn lại, có em nói do hoàn cảnh gia đình nên bỏ học để đi làm nương rẫy giúp bố mẹ, có em trả lời một câu đơn giản rằng; không muốn đi học nữa thôi”, thầy Xuân tâm sự.

Nghe chuyện của Thao Thị Dưa và thầy giáo Xuân kể về những học sinh đã bỏ học, đi lấy chồng khi đang ở lứa tuổi học trò, mới thấy rằng tình trạng tảo hôn, cưỡng hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện Mường Lát đang còn rất nhiều. Các em học sinh được cha mẹ dựng vợ, gả chồng ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Họ có con khi cả tâm, sinh lý đều chưa thật “chín”. Tuổi xuân, ước mơ, sức khoẻ hay cuộc sống no đủ … cũng theo đó mà dần trở nên xa vời với Thao Thị Dưa, Vàng Thị Kế, Vàng Thị Ki... và biết bao bé gái đang độ 14, 15, 16 vốn vẫn ấp ủ mơ mộng thiếu nữ.

Sau những gì được chứng kiến, ghi nhận về nạn tảo hôn ở vùng biên Mường Lát, tôi tự nhủ rằng cuộc sống luôn không được như ý nguyện của mỗi người. Hạnh phúc hay bất hạnh, có đôi khi nằm ngoài khả năng của bản thân. Có khác chăng là cách người ta nhìn nhận thế nào là hạnh phúc và bất hạnh mà thôi. Và, có đôi khi chính những người trong cuộc lại không nghĩ cuộc đời họ đang có “vấn đề” gì, nên chấp nhận và bằng lòng với mọi thứ vốn đã được sắp đặt bởi định kiến, tập quán của cả cộng đồng.

Từ thế hệ của ông bà, của cha mẹ, của chị em gái trong gia đình, con đường họ phải đi hay một lối mòn định sẵn, đều cùng một cách thức để sống, một suy nghĩ về bổn phận và trách nhiệm của người đàn bà trong gia đình.

Vì sao nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến? Có thể khẳng định rằng, bên cạnh nguyên nhân cơ bản là tập quán, phong tục, hủ tục... thì việc hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Một nguyên nhân nữa là tình trạng lơi lỏng pháp luật, thực thi pháp luật chưa kiên quyết trong quản lý đăng ký kết hôn.

Chế tài của Luật Hôn nhân và gia đình còn chưa đủ mạnh, mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Ngoài ra, phần lớn trường hợp tảo hôn đều rơi vào các hộ nghèo, thiếu niên thất học, việc tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng còn khó khăn; hoặc do nghỉ học sớm, yêu sớm, quan hệ tình dục sớm, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, mang thai rồi sinh con dẫn đến tảo hôn...

Chia tay Mường Lát, trên đường về xuôi, tôi chợt nhớ đến câu chuyện thầy Xuân kể, tôi nhớ đến cuộc trò chuyện của em Thao Thị Dưa và nhớ đến ánh mắt đứa trẻ trên lưng mẹ nó. Bất chợt, tôi thầm nghĩ về những lời hát ru con non nớt của những người mẹ đang ở tuổi học trò vang vọng vào đá và mất hút giữa đại ngàn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.