Những đứa trẻ Đan Lai đã có “mẹ dạy học”

GD&TĐ - Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh (SN 1970) là cán bộ nữ đầu tiên của Đồn biên phòng Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An).

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh được Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An biểu dương.
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh được Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An biểu dương.

Chị được mệnh danh là người phụ nữ nhiều con nhất của Bộ đội biên phòng Nghệ An. Con của chị là những đứa trẻ Đan Lai ra học bán trú ở trung tâm xã.

Trung tá Thanh vừa bước sang năm thứ 4 đóng quân ở xã biên giới này, thời gian không dài so với đồng đội nam giới. Nhưng điều chị làm đã nhìn thấy sự thay đổi bắt đầu từ thói quen sinh hoạt, lời nói, cảm xúc, ước mơ của lũ trẻ nơi đại ngàn Pù Mát. 

Nữ cán bộ biên phòng đầu tiên lên đồn 

Năm 2018, chị Nguyễn Thị Trần Thanh đăng ký xin được từ bộ phận Tổ chức (Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, cơ quan đóng tại TP Vinh) đến 1 đơn vị biên giới công tác. Đề nghị lạ lùng này khiến đồng đội, cấp trên vô cùng bất ngờ. Bởi thời điểm đó, chỉ còn gần 5 năm nữa là chị nghỉ hưu. Đối với nữ quân nhân ở độ tuổi như chị, thường chọn công việc ổn định, cấp trên cũng ưu tiên phân công nhiệm vụ ở địa bàn ít khó khăn hơn cán bộ nam giới.

“Ngày ấy, tôi hơn 25 năm tuổi quân, suốt thời gian đó tôi biết nhiều đồng đội chuyển từ cơ sở về cơ quan công tác. Anh em kể những khó khăn, vất vả khi thực hiện nhiệm vụ. Có đồng chí vợ báo mang thai, đến lần nghỉ phép về thì con đã biết đi. Rồi những lần tôi đi công tác, nhìn thấy cảnh rừng núi tôi rất xúc động, thấy đất nước mình đẹp quá. Nhưng mọi người trong đơn vị nói” ở vài ngày thấy đẹp, nhưng ở thêm vài tuần mới thấm cái vất vả ở nơi hoang vắng này”. Từ đó, tôi nuôi nguyện vọng được đi tuyến biên phòng biên giới, để đồng cam cộng khổ cùng anh em”, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh nhớ lại.

Nhận nhiệm vụ là nhân viên vận động quần chúng Đồn biên phòng Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An), chị cũng là quân nhân nữ đầu tiên của đơn vị. Dù vậy, chị nói mình không hề thấy vất vả hay phải “chịu đựng” gì. Đó là nhiệm vụ, “tôi chỉ có suy nghĩ phải tìm hiểu địa bàn, đặc thù đời sống văn hóa nơi đây, tuyên truyền phổ biến hiệu quả chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước”, chị nói.

Nói về khoảng cách, đồn biên phòng Môn Sơn không quá xa xôi như ở các xã thuộc khu vực huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Nhưng đây là địa bàn đặc biệt, thuộc vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Đặc biệt, đây cũng là nơi sinh sống của bà con Đan Lai – một trong 11 dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, chỉ phân bố tại Nghệ An. Nơi đây, tình trạng học sinh, đặc biệt là các em tuổi THCS bỏ học, tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn nhiều. 

Trung tá Thanh gội đầu cho nữ học sinh người Đan Lai.
Trung tá Thanh gội đầu cho nữ học sinh người Đan Lai.

Mẹ Thanh

Tộc người Đan Lai tại Môn Sơn (huyện Con Cuông) sinh sống chủ yếu ở bản Búng và Cò Phạt, trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Nơi đây cách trung tâm tâm xã hơn 20km đường rừng dốc đứng, hoặc mất 3 tiếng đi thuyền vượt sông. Nếu đi thuyền vượt sông Giăng, phải mất khoảng 3 tiếng. Những đứa trẻ học tiểu học đã có điểm trường tận bản, nhưng lên cấp 2, các em phải ra ở bán trú tại Trường Phổ thông DTBT THCS Môn Sơn. 

“Khi tôi đến trường bán trú, đập vào mắt là hình ảnh gần 40 cháu gái đang tắm. Các con mặc nguyên quần áo dài, dội nước lên, sau đó vào phòng thay quần áo khô. Hỏi thăm giáo viên mới được biết, các em từ trong bản ra, vẫn còn rất “hoang dã”, chưa biết cách sống tập thể, kể cả vệ sinh cá nhân cơ bản”, chị Thanh nhớ lại.

Thấy vậy, chị đề xuất với nhà trường, để Đồn biên phòng cùng phối hợp trong giáo dục kỹ năng cho học sinh. Một tổ đặc biệt được thành lập với 3 thành viên “cắm trường”, trong đó có Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh. 

Ba người nhận nhiệm vụ giúp đưa học sinh vào nền nếp sinh hoạt như: Dậy đúng giờ, tập 2 bài thể dục của bộ đội biên phòng, biết cách đánh răng, rửa mặt, gội đầu đúng cách. Nhưng lũ trẻ sống trong rừng sâu biệt lập giống “như con thú hoang’, rất sợ không dám tiếp xúc với người lạ, chỉ muốn chạy trốn, thậm chí phản kháng sự quan tâm của mọi người. Phải mất một khoảng thời gian tiếp cận, trò chuyện, chị Thanh mới “xin” được gội đầu giúp cho các bạn nữ. Từ khi bọn trẻ cho chị chạm tay vào mình, khi ấy, các con mới dần xóa bỏ sự cảnh giác, và nghe lời chỉ dạy, chia sẻ. 

“Thỉnh thoảng, tôi sang trường bày học, đặc biệt là kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh nữ. Các em học sinh Đan Lai còn có thói quen làm việc gì cũng theo nhóm. Nếu 1 em bỏ học, thì kéo theo cả hàng chục bạn trong cùng một bản làng cùng nghỉ theo”, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh nói.

Trước thực tế này, chị đề xuất đồn biên phòng cùng với nhà trường, phối hợp với bản làng ký cam kết “không để học sinh bỏ học, tảo hôn”. Cụ thể, nếu con cái bỏ học thì gia đình và bản làng phải vận động, gửi các em quay lại trường. Các dịp lễ tết. Hoặc dịp lễ, tết, thôn bản, phụ huynh có trách nhiệm nhắc nhở con em đi học đúng lịch quy định. Nữ cán bộ biên phòng còn xin nhiều nhu yếu phẩm, quần áo ấm, tivi cho học sinh bán trú. 

Trong những cuộc trò chuyện, tâm sự, chị gợi cho các con về tương lai, sự cần thiết của việc học, những cơ hội nghề nghiệp. Đến nay, sau gần 4 năm gắn bó với vùng đất biên giới này, từ một người lạ với núi rừng, giờ chị đã có hàng chục đứa con cả trai lẫn gái tộc người Đan Lai. Nhiều em học lên cấp 3, có em đi học nghề và được giới thiệu đến cơ sở lao động phù hợp, đúng quy định. 

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chia sẻ: “Bản thân tôi đã làm mẹ, trải quả các độ tuổi trưởng thành của con cái, nên cũng hiểu được phần nào tâm lý các em học sinh nơi đây. Nói thật, để chăm sóc 1 đứa trẻ khác như con mình đẻ ra là không thể. Nhưng mình có tấm lòng yêu thương, là người “mẹ” biên phòng, các con sẽ nghe lời hơn, biết sợ hơn. Cũng giống như con cái trong nhà có thời điểm không nghe lời bố mẹ, nhưng lại nghe lời thầy cô, người ngoài hơn”. Với chị, điều quan trọng là tâm huyết, kiên trì trong chặng đường dài “cầm tay chỉ việc” không tính toán. Giống như vẽ bức tranh khu rừng thì phải vẽ từ cái lá, bông hoa. 

Chị Thanh là cán bộ nữ đầu tiên của Đồn Biên phòng Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An.
Chị Thanh là cán bộ nữ đầu tiên của Đồn Biên phòng Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An.

Điều ước giữa đại ngàn Pù Mát

Năm đầu tiên lên đồn biên phòng Môn Sơn, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh xung phong ở lại trực tết. Ban ngày, anh em trong đồn vẫn nói cười trêu đùa nhau. Đến tối ai về phòng nấy, nằm mình một phòng, chị lại ngổn ngang suy nghĩ: Con gái học đại học thế nào, chồng đang làm gì, con trai có học bài không? Dù vậy, chị vẫn nói chắc nịch. “Đêm giao thừa, tôi thấy nhịp tim mình đập cộn rộn trong lồng ngực khi nghe thư chúc tết trên tivi, nhưng tai vẫn lắng nghe xem có tiếng pháo ở khu vực nào không. 

Cuộc sống kinh tế khó khăn, phụ thuộc vào tự nhiên, khi cửa rừng đóng, bà con túng quẫn và làm sai pháp luật mà không biết. Ví dụ họ cho rằng đánh cá bằng mìn, hay đốn cây to về làm nhà đúng. “Vì cá ngoài sông, cây trên rừng chứ không phải của đồn biên phòng”. Trước khi lên đồn, ở cơ quan, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh làm công tác phụ nữ, công tác Đảng. Hơn 25 năm, chị tích lũy được cả kinh nghiệm lẫn lý luận. “Công tác ở cơ sở chính là thực tiễn để tôi áp dụng những trải nghiệm của mình suốt nhiều năm qua. Đặc biệt là trong công tác dân vận cho bà con và các em học sinh. Mỗi một đổi thay nhỏ ở nơi đại ngàn này, đều là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi”, chị chia sẻ.

Thời gian gắn bó ở biên giới của Trung tá Thanh không dài so với đội đội nam giới. Chị cũng tự nhận mình chưa hiểu hết tất cả thuộc về bà con dân tộc nơi đây. Nhưng cứ bằng những hành động vô tư, tận tâm nhất, thì dần dần sự thay đổi cũng được nhìn thấy. 

Những đứa con Đan Lai của mẹ Thanh giờ đây đã mạnh dạn, tự tin hơn. Khi chia tay các chú bộ đội biên phòng chuyển đến đơn vị công tác mới, lũ trẻ đã biết cảm ơn và nói lời chia sẻ: “Mặc dù các chú nạt chúng con, nhưng nhờ vậy cháu mới biết làm nhiều việc trong cuộc sống”. “Xúc động nhất là lần tôi ở trên đơn vị nghe tin mẹ qua đời. Tôi đứng ở đập Phà Lài chờ xe về quê cứ thế khóc nức nở. Đó cũng là lần duy nhất từ khi đi biên giới cho đến giờ mà tôi khóc. Không hiểu sao các con biết tin, chạy ra đứng vây quanh ôm lấy tôi, động viên “mẹ Thanh cố gắng lên”, nữ trung tá nhớ lại.

Đó là khi bị cảm cúm, lũ trẻ kéo nhau đứng thập thò trước cổng đồn biên phòng. Trước kia, chúng chưa bao giờ chủ động vào đồn. Chiến sĩ trực ban hỏi “Các cháu ở đâu, vào đây làm gì”, thì chúng tranh nhau nói “Vô mẹ Thanh”. Được cho vào thăm mẹ, thấy mẹ ốm, gầy, đứa nào cũng nói “thương mẹ nhiều lắm”. Hay có lần 2 đứa con gái đi học cấp 3, cuối tuần về bản cầm theo hộp bánh ngập ngừng nói “mua cho mẹ”. Khi mẹ Thanh mắng “đi học tiền mô mà mua quà cho mẹ”, thì 2 đứa bé cười lỏn lẻn. 

Những năm cuối của nghiệp quân, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chọn đi lên biên giới xa xôi. Ngoài nhiệm vụ được giao, chị dành tình yêu thương, lo lắng cho những đứa trẻ Đan Lai. Từ một bộ đội “tóc dài” lạ kỳ nơi đại ngàn Pù Mát, giờ chị đã là người mẹ có nhiều con nhất của đồn biên phòng. “Trước khi lên đây, tôi cũng nhiều lo lắng, nhưng lên đến nơi, tôi thấy lựa chọn của mình là đúng”. Nguyện vọng của Trung tá Thanh, không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ của quân nhân, mà còn có ước mơ sự đổi thay, tiến bộ, cuộc sống tươi đẹp hơn cho những đứa trẻ Đan Lai. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.