Quản lý mầm non ngoài công lập cách nào để ngăn ngừa bạo hành trẻ

GD&TĐ - Trong số 324 trường mầm non, mẫu giáo của Bình Dương, chỉ có 120 trường công lập, còn lại 204 trường tư thục, chưa kể các cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình…

Quản lý mầm non ngoài công lập cách nào để ngăn ngừa bạo hành trẻ

Với số lượng rất lớn cơ sở ngoài công lập như vậy, nhưng điều đặc biệt là tình trạng bạo hành trẻ không xảy ra trên địa bàn tỉnh này từ năm 2016 đến nay. Đây là kết quả từ những giải pháp được Sở GD&ĐT Bình Dương triển khai thực sự quyết liệt và đồng bộ. 

Kiên quyết không cho hoạt động với cơ sở thiếu điều kiện

Bà Nguyễn Phương Dung – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương – cho biết: Một trong những giải pháp đầu tiên về công tác chỉ đạo, quản lý được Sở áp dụng là quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, cấp phép hoạt động đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ. Những đơn vị không đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực sẽ không được cấp phép hoặc buộc ngưng hoạt động.

Vận động cộng đồng xã hội chung tay, thiết lập nhiều đường dây nóng để phản ánh thực trạng bạo hành trẻ em.

Sở GD&ĐT cũng phối hợp với ban ngành, đoàn thể tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên với nhóm trẻ tư thục; kiên quyết đóng cửa, giải thể các nhóm, lớp tư thục hoạt động thiếu hiệu quả, không đảm bảo an toàn, vi phạm quy chế chuyên môn của ngành. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Sở ngành tham mưu UBND ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, bất cập của địa phương.

Đổi mới quản lý Nhà nước đối với GDMN ngoài công lập

Nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích cơ sở nhóm trẻ gia đình, nhóm lớp tư thục độc lập đủ điều kiện phát triển thành trường, công tác quản lý theo tầng nấc sẽ thuận lợi hơn và hạn chế tình trạng bạo hành trẻ.

Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Phương Dung cho biết, Sở GD&ĐT Bình Dương đã tham mưu tỉnh tạo mọi điều kiện về pháp lý theo hướng mở đúng luật định, đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư trong xây dựng các mô hình trường mầm non ngoài công lập (NCL); tham mưu, thực hiện cơ chế ưu đãi về cho thuê đất, cơ sở vật chất, nguồn vốn theo quy định hiện hành nhằm khuyến khích nhà đầu tư thành lập, phát triển cơ sở GDMN NCL.

Bên cạnh đó, quy định, thống nhất những tiêu chuẩn, chương trình GDMN nói chung, cũng như tiêu chuẩn cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cô nuôi dạy trẻ mà các cơ sở NCL phải chấp hành như cơ sở công lập. Tham mưu chính sách an sinh cho đội ngũ công nhân, như mở trường nuôi dạy trẻ trong khu công nghiệp, hay nới rộng chính sách ưu tiên con em công nhân vào trường công lập...

Bồi dưỡng đội ngũ

Hàng năm, Bình Dương thực hiện bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho CBQL, giáo viên, nhân viên tại cơ sở NCL. Đặc biệt, tỉnh phân bố kinh phí rất thỏa đáng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Với Sở GD&ĐT, bình quân hàng năm, ngành chi gần 2 tỷ đồng cho bồi dưỡng đội ngũ, chưa tính kinh phí phân bổ cấp huyện, thị, thành phố.

Với các cơ sở GDMN tư thục, do thiếu giáo viên khá nhiều nên việc tổ chức lớp bồi dưỡng, kế hoạch bồi dưỡng có chú ý về thời gian, nội dung, địa điểm, sắp xếp thật khoa học để đảm bảo học viên đều được tham gia đầy đủ mà cơ sở vẫn hoạt động bình thường. Những buổi nói chuyện chuyên đề với giáo viên, người nuôi giữ trẻ vấn đề về tâm lý, kiểm soát cảm xúc, hành vi đối với bản thân cũng là hoạt động thường xuyên được tổ chức ở địa phương.

Kiểm tra, giám sát tuyệt đối nghiêm

Công tác thanh tra, giám sát tại các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non luôn được tăng cường tại Bình Dương.

Hàng năm, chuẩn bị vào năm học mới, các cơ sở GDMN, đặc biệt là cơ sở tư thục phải tiến hành rà soát lại các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp, trên cơ sở điều kiện thực tế từng cơ sở, Phòng GD&ĐT phối hợp với địa phương giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp nhằm kiểm soát được các nguy cơ có thể gây mất an toàn cho trẻ.

Trong năm học, các cấp quản lý thường xuyên, liên tục đến nhóm/lớp động viên, nhắc nhở giáo viên quan tâm đến trẻ mọi lúc, mọi nơi; tư vấn, hướng dẫn cách sắp xếp, bố trí đồ dùng đồ chơi, kiểm tra cơ sở vật chất trang thiết bị…

Cùng với việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp hoạt động của CBQL, giáo viên, nhân viên, Bình Dương xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, với lực lượng nòng cốt là Hiệu trưởng các trường mầm non công lập, có nhiệm vụ kiểm tra giám sát, tư vấn các cơ sở mầm non NCL trên cùng địa bàn. Hàng tháng có báo cáo đánh giá cho Phòng, Sở GD&ĐT...

Bên cạnh giải pháp truyền thông, Sở GD&ĐT Bình Dương đặc biệt coi trọng tạo mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với phụ huynh học sinh. Bà Nguyễn Phương Dung cho rằng, để chấm dứt nạn bạo hành trẻ, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh; đánh thức sự nhận thức của phụ huynh về những điều có thể gây hại cho trẻ từ môi trường học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.