Góp phần bảo đảm kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa đăng tải Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến góp ý rộng rãi theo quy định của Luật Ban hành ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo Giáo dục và Thời đại đã  phỏng vấn ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT về những vấn đề đang được dư luận quan tâm trong dự thảo của Nghị định này.

Ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT
Ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT

Bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn

PV: Xin ông cho biết vị trí của Nghị định XPVPHC trong lĩnh vực giáo dục và lí do sửa đổi bổ sung Nghị định này.

Ông Nguyễn Huy Bằng: Quản lí nhà nước về giáo dục cần nhiều công cụ trong đó quản lí bằng pháp luật là công cụ cơ bản. Hệ thống pháp luật về giáo dục gần đây ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn có một đặc điểm là thiếu chế tài. Vì vậy, có những hành vi không đúng pháp luật nhưng không có cơ sở để xử lí.

Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành năm 2013. Sau 05 năm, Nghị định đã bộc lộ rõ những bất cập và tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

Về mặt pháp lí: Nghị định 138 được ban hành trên cơ sở Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Hiện nay Luật Giáo dục đã được sửa đổi một số nội dung bởi Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Luật Giáo dục đại học đang được xem xét sửa đổi bổ sung và thông qua vào kì họp Quốc hội tới, trong đó việc tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục được đề cao. Vì vậy, cần tăng cường việc giám sát và xử lí vi phạm của cơ quan nhà nước bảo đảm việc tự chủ được lành mạnh. Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục như: Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và nhiều văn bản khác cũng đòi hỏi phải có chế tài bảo đảm các quy định được thực hiện trong thực tế.

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Điều này đòi hỏi phải sửa đổi Nghị định 138 phù hợp với Nghị định 97.

Về mặt thực tiễn: Qua tổng kết và báo cáo của các địa phương và các cơ sở giáo dục cho thấy, Nghị định 138 bộc lộ nhiều bất cập như: Mức phạt tiền của một số hành vi không có tính răn đe; thiếu một số biện pháp khắc phục hậu quả; thiếu một số hành vi; một số hành vi chưa rõ ràng…

Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về giáo dục diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục (ví dụ như: Tổ chức hoạt động giáo dục không được cấp phép; xác định chỉ tiêu tuyển và tuyển sinh không đúng quy định; tình trạng lạm thu; dạy thêm học thêm không đúng quy định; bạo hành trẻ em; tư vấn du học, quản lý, cấp phát văn bằng chứng chỉ sai quy định…). Nghị quyết 63 của Quốc hội cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Cán bộ, công chức, viên chức đang thi hành công vụ không là đối tượng bị xử phạt hành chính

PV: Xin ông cho biết hướng sửa đổi bổ sung của Nghị định. Ai là đối tượng bị phạt? Ai có quyền phạt?Cơ sở nào quy định mức phạt?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Nghị định cần bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật vềXPVPHC trong lĩnh vực giáo dục và pháp luật có liên quan, sát tình hình thực tế và đặc thù giáo dục, bảo đảm tính khả thi. Mục đích ban hành Nghị định này cũng như nhiều văn bản pháp luật khác trước hết để cho các chủ thể liên quan đến giáo dục thấy việc nào không được làm, nếu làm sẽ có nguy cơ bị phạt thế nào để tránh, chứ không chỉ nhằm để phạt nhiều.

Theo quy định của pháp luật về xử lí vi phạm hành chính, các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể bị xử phạt. Tuy nhiên, pháp luật về XPVPHC quy định cán bộ, công chức, viên chức đang thi hành công vụ thì không bị xử phạt hành chính mà áp dụng pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh tổ chức là cơ sở giáo dục, thì một số tổ chức khác liên quan đến giáo dục như tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức tư vấn giáo dục, trung tâm kĩ năng sống, doanh nghiệp sản xuất thiết bị, in và phát hành sách... cũng là đối tượng bị xử phạt nếu có hành vi vi phạm.

Về người có thẩm quyền xử phạt: Ngoài lực lượng thanh tra giáo dục thì chủ tịch UBND các cấp đều có quyền xử phạt và bên cạnh đó, một số quy định cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên ngành có thể được xử phạt bởi các lực lượng khác như quản lí thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, chuyên ngành thông tin, chuyên ngành tài chính...

Qua tổng kết, có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt trong Nghị định 138 là thấp, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhận thấy việc quy định mức phạt chỉ là một biện pháp tác động, bên cạnh đó còn biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả nên đã cân nhắc thay đổi. Có hành vi thì nâng mức phạt, có hành vi thì giảm mức phạt. Theo Luật xử lý VPHC thì mức phạt cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Tuy nhiên trong Dự thảo chưa có hành vi nào dự kiến áp dụng mức cao nhất này.

Bổ sung nhiều hành vi mới

PV: Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung lần này có gì mới so với Nghị định 138 được ban hành năm 2013, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Dự thảo vẫn giữ logic bố cục như Nghị định 138 nhưng có một số mục, một số điều mới. Dự thảo bổ sung nhiều hành vi quy định đối với tổ chức, về quản lí cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm cho việc tự chủ tốt hơn; tương tự đã bổ sung hành vi in xuất bản SGK không đúng quy định bảo đảm tương thích với quy định về xuất bản SGK; bổ sung quy định về tư vấn du học…

Nghị định 138/2013/NĐ-CP chỉ quy định về hành vi tổ chức dạy thêm học thêm thì Nghị định này bổ sung cả hành vi về dạy thêm. Dự thảo Nghị định mới đã tách quy định xúc phạm danh dự nhân phẩm và xâm phạm thân thể thành 2 nhóm hành vi khác nhau. Các hành vi về cấp phát văn bằng chứng chỉ, tuyển dụng, thực hiện chế độ với nhà giáo, liên thông liên kết đào tạo cũng được quy định rõ hơn.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định đã bổ sung các biện pháp như: Buộc hủy bỏ phôi văn bằng chứng chỉ đã in không đúng nội dung quy định, buộc hủy bỏ văn bằng chứng chỉ do gian lận được cấp, buộc trả lại hồ sơ giấy tờ của người học do có hành vi giữ không đúng quy định...

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban soạn thảo tổ chức tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến của các Sở GD&ĐT các cơ sở giáo dục và đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi theo quy định. Bộ GD&ĐT trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cũng cần nói thêm là: Tuy Nghị định này rất quan trọng nhưng không phải là cây gậy vạn năng giải quyết mọi vấn đề mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lí khác. Mặt khác, do Nghị định chỉ tập trung quy định về hành vi nên khi thực hiện phải áp dụng cả quy định ở Luật xử lí vi phạm hành chính và phải tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, làm đúng theo tinh thần “Xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ