Thí sinh thận trọng, tham vấn kỹ khi lựa chọn nguyện vọng
Theo TS Mai Đức Toàn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Gia Định, những ngày đầu tiên của việc thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển, trung tâm và các chuyên viên của Trường đón nhận rất nhiều câu hỏi tư vấn về đặt nguyện vọng và chọn ngành nghề của các thí sinh và phụ huynh, nhất là nhóm thí sinh đã đạt yêu cầu trúng tuyển ở phương thức xét học bạ THPT.
Theo TS Mai Đức Toàn, hiện tại các trường ĐH có nhiều hình thức xét tuyển trong đó có 3 hình thức phổ biến nhất: Xét tuyển bằng kết quả thi THPT; Xét tuyển bằng học bạ THPT và điểm từ Kỳ thi ĐGNL do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Việc thí sinh đã tạm gọi là chắc chắn cơ hội trúng tuyển, nhưng ở kỳ thi năm nay điều đó chưa có nghĩa là đã trúng tuyển khi Bộ GD&ĐT chưa lọc ảo và công bố kết quả. Vì vậy, để tăng thêm cơ hội trúng tuyển nhiều thí sinh đã xét tuyển thêm bằng các hình thức khác như kết quả thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM.
"Đây là nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của các thí sinh khi họ có nhiều cơ hội để chọn lựa một cơ hội chắc chắn và ưa thích nhất. Tuy vậy, thí sinh nên tìm hiểu thông tin Đề án tuyển sinh và chỉ tiêu các trường theo từng phương thức để chọn tỉ lệ cho tốt trong quá trình xét tuyển.
Bởi ngành nhiều thí sinh đăng ký đồng nghĩa giảm tỉ lệ trúng tuyển và ngược lại. Cơ hội trúng tuyển sẽ tăng theo số hình thức xét tuyển, đồng thời giảm rủi ro phụ thuộc vào một ngành. Nhưng cần phải có sự cân nhắc thật kỹ điểm số, cơ hội, năng lực và sở trường của bản thân mình." - TS Toàn nói.
TS Mai Đức Toàn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Gia Định trong một lần tư vấn học sinh lựa chọn nguyện vọng và phương thức xét tuyển |
Thận trọng chọn ngành “hot”, chọn nghề theo cảm tính
Xu hướng lựa chọn nguyện vọng của thí sinh theo nhóm ngành nghề "hot", ngành nghề thời thượng hoặc theo cảm tính, theo TS Mai Đức Toàn vẫn luôn tồn tại. Thí sinh cần hết sức thận trọng và xem xét. Bởi việc đổ xô vào đặt nguyện vọng tại một vài ngành ở một số ít trường chắc chắn sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và tỉ lệ chọi cao, cơ hội trúng tuyển vì thế cũng ít đi.
"Tại sao một ngành nghề lại trở nên “hot”? Phải chăng là ngành nghề đó đang thiếu nhân lực trầm trọng, hay chất lượng nhân lực hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty? Thay vì ngay lập tức đổ xô đi đăng ký học ngành “hot”, có nên chăng chúng ta tự mình cân nhắc lại các vấn đề đặt ra ở trên.
Việc một lượng học sinh đăng ký ngành học “hot” cùng một thời điểm sẽ đồng loạt tốt nghiệp đại học bốn năm sau, ngoài tăng tỉ lệ cạnh tranh, còn đối mặt bài toán việc làm sau khi ra trường. Với hàng ngàn cử nhân cùng lúc ra trường, liệu các công ty có còn thiếu nhân lực? Chỉ e rằng lúc đó lại “thiếu việc” đúng chuyên môn cho các cử nhân này" - TS Toàn phân tích.
Theo TS Mai Đức Toàn, thực tế cuộc sống cha mẹ, thầy cô, bạn bè là những người yêu thương bạn, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất dành cho bạn. Tuy vậy, không phải lúc nào họ cũng có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp với bạn.
"Từ thói quen, sở trường tới sở đoản… chỉ chính bản thân từng thí sinh mới có thể biết rõ hoàn cảnh và năng lực vượt trội của bản thân nhất. Vì vậy, việc quyết định tương lai, chọn nguyện vọng, chọn nghề không ai khác phải do chính bản thân của từng thí sinh quyết định. Thậm chí, ngay cả những chuyên gia về nhân sự cũng chỉ có thể đưa ra những gợi ý nghề nghiệp.
Thí sinh lựa chọn các phương thức xét tuyển vào Trường ĐH Gia Định đều được chuyên viên tuyển sinh tư vấn kỹ càng |
Họ có thể đưa ra những thống kê về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp dựa trên tính cách nhưng rõ ràng, không phải ai có tính cách giống nhau cũng lựa chọn. Do đó, chọn lựa ngành nghề để theo đuổi việc học, trau đồi tri thức, bản lĩnh nghề nghiệp phải do chính bản thân từng thí sinh cân đo, đong đếm và quyết định" - TS Toàn đưa ra lời khuyên.