Lợi ích "vô giá" của lòng biết ơn

GD&TĐ - Trẻ có lòng biết ơn thường sử dụng thế mạnh để làm bài tập và tham gia hoạt động ở trường. Chúng ít đố kỵ, chán nản và không quá coi trọng vật chất so với bạn cùng lứa.

Trẻ biết ơn có xu hướng hạnh phúc hơn.
Trẻ biết ơn có xu hướng hạnh phúc hơn.

Bà Amy Morin - nhà trị liệu tâm lý tại Mỹ chia sẻ, khi nhiều học sinh trung học mang bên mình những chiếc điện thoại trị giá 600 USD và coi đó là điều đương nhiên, việc dạy trẻ về lòng biết ơn có thể giống như một “cuộc chiến khó khăn”. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức có thể gặp phải, việc giúp trẻ cảm thấy biết ơn thế giới được coi là vô cùng cần thiết.

Lý do để biết ơn

Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Happiness Studies cho thấy, lòng biết ơn có liên quan đến hạnh phúc ở trẻ em khi lên 5 tuổi. Điều này có nghĩa là việc truyền lửa cho trẻ khi con còn nhỏ có thể giúp chúng trở thành những người hạnh phúc hơn khi lớn lên. Bà Amy Morin dẫn chứng, theo một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên Tạp chí School Psychology, trẻ em từ 11 - 13 tuổi có lòng biết ơn thường có xu hướng hạnh phúc hơn. Chúng đồng thời lạc quan và nhận được sự hỗ trợ xã hội tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận sự hài lòng hơn của trẻ với trường học, gia đình, cộng đồng, bạn bè và bản thân. Những đứa trẻ biết ơn cũng có xu hướng hỗ trợ người xung quanh nhiều hơn.

“Theo một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên Tạp chí Psychological Assessment, những thanh, thiếu niên từ 14 - 19 tuổi biết ơn thường hài lòng hơn với cuộc sống. Họ sử dụng thế mạnh của mình để làm bài tập và tham gia nhiều hơn vào hoạt động ở trường, có điểm số tốt hơn. Họ cũng được chứng minh là ít đố kỵ, chán nản và coi trọng vật chất hơn so với những bạn cùng lứa không biết ơn”, bà Morin nêu.

Phần lớn các nghiên cứu về lòng biết ơn tập trung vào người lớn. Tuy nhiên, lợi ích của lòng biết ơn là vô giá đối với tất cả mọi người. Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Clinical Psychology Review đã liên kết lòng biết ơn với mọi thứ, từ việc cải thiện sức khỏe tâm lý đến sức khỏe thể chất tốt hơn.

Những người biết ơn có xu hướng ngủ ngon và thậm chí sống lâu hơn. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Positive Psychology cho thấy, những người trưởng thành biết ơn thường hạnh phúc và có nhiều hy vọng hơn. Lòng biết ơn là một yếu tố dự báo tốt hơn về hy vọng và hạnh phúc so với các khả năng khác, như sự tha thứ, kiên nhẫn và thậm chí là tự chủ.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy, những người biết ơn mọi điều đã xảy ra trong quá khứ thường cảm thấy hạnh phúc hơn ở hiện tại. Họ đồng thời có hy vọng tích cực hơn về tương lai.

“Vì vậy, rõ ràng có rất nhiều lý do chính đáng để giúp trẻ trải nghiệm và bày tỏ lòng biết ơn”, bà Morin nhấn mạnh.

Trẻ em học cách biết ơn thông qua việc nghe và nhìn cha mẹ thể hiện lòng biết ơn.

Trẻ em học cách biết ơn thông qua việc nghe và nhìn cha mẹ thể hiện lòng biết ơn.

Trả lời câu hỏi về biết ơn

Các nhà nghiên cứu phát hiện, hầu hết phụ huynh luôn tập trung vào những gì con làm để thể hiện lòng biết ơn. Có 85% phụ huynh cho biết thường khuyến khích con cái nói “cảm ơn”. Trong khi đó, 39% phụ huynh khuyến khích trẻ thể hiện lòng biết ơn. Ngoài ra, chỉ 1/3 các cha mẹ hỏi con rằng, món quà khiến trẻ cảm thấy như thế nào. Chỉ 22% hỏi tại sao trẻ nghĩ rằng ai đó đã tặng chúng một món quà.

Các nhà nghiên cứu khuyến khích phụ huynh đặt câu hỏi cho trẻ để giúp nuôi dưỡng cảm giác biết ơn sâu sắc hơn. Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp trẻ trải nghiệm cả bốn yếu tố của lòng biết ơn:

Chú ý

Trẻ cần trả lời những câu hỏi như: Con biết ơn điều gì trong cuộc đời? Có điều gì để biết ơn ngoài những món quà mà ai đó đã tặng con không? Con có biết ơn người nào trong cuộc đời mình không?

Suy nghĩ

“Con nghĩ gì về món quà này? Con có nghĩ rằng mình nên gửi một cái gì đó cho người đã tặng nó? Con có nghĩ rằng người đó tặng mình một món quà vì họ nghĩ phải làm như vậy hay đó là điều họ muốn?”. Đó là một số câu hỏi cha mẹ có thể đặt ra cho trẻ.

Cảm nhận

Trẻ cũng có thể trả lời những câu như: Con có cảm thấy vui khi nhận được món quà này không? Cảm giác như thế nào? Điều gì ở món quà này khiến con cảm thấy hạnh phúc?

Thực hiện

Cuối cùng, cha mẹ nên hỏi trẻ một số câu như: Có cách nào để thể hiện cảm nhận của con về món quà này không? Cảm giác của con về món quà này có khiến con muốn chia sẻ bằng cách tặng cho người khác không?

“Bất cứ khi nào trẻ nhận được một món quà vật chất hoặc ai đó thể hiện lòng tốt với chúng, hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện. Nhờ đó, giúp trẻ cảm thấy biết ơn nhiều hơn. Phụ huynh cũng có thể bắt đầu các cuộc trò chuyện thể hiện cách suy nghĩ, cảm nhận và phản ứng của cả hai đối với những người và món quà mà trẻ biết ơn trong cuộc sống”, bà Morin chia sẻ.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Applied Developmental Science cho thấy, cha mẹ có lòng biết ơn thường nuôi dạy những đứa trẻ tương tự. Bởi, thực tế, trẻ em học cách biết ơn thông qua việc nghe và nhìn cha mẹ thể hiện lòng biết ơn. Bà Amy Morin gợi ý, phụ huynh có thể áp dụng một số phương pháp thể hiện lòng biết ơn để trẻ noi theo:

Nói “cảm ơn”

Cha mẹ cần chắc chắn sẽ nói lời cảm ơn đối với tất cả mọi người xung quanh. Thậm chí, việc cảm ơn con là điều vô cùng cần thiết để bày tỏ biết ơn.

Nói về lòng biết ơn

“Phụ huynh hãy chia sẻ về những điều mình biết ơn. Ngay cả khi có một ngày tồi tệ hoặc điều gì đó không tốt xảy ra, hãy chỉ ra rằng, vẫn còn rất nhiều điều để chúng ta cảm thấy biết ơn. Thay vì phàn nàn về trời mưa, hãy nói về việc biết ơn bởi cây cối đang được tưới nước”, bà Morin cho biết.

Bày tỏ sự biết ơn

Khi trẻ nhìn thấy cha mẹ viết ghi chú “cảm ơn” đến ai đó, con sẽ học cách làm điều tương tự.

Theo Very Well Mind

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ